09:34 12/09/2019

Hoàn thiện thể chế cho doanh nghiệp nhà nước: Đảm bảo "đoàn tàu" chạy đúng hướng

Đoàn Trần

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành khá đồng bộ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 12 ngày 3/6/2017 của Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dốc lực cho công tác xây dựng thể chế để rõ "đường ray" đảm bảo cho "đoàn tàu" doanh nghiệp nhà nước chạy đúng hướng.

Theo đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành khá đồng bộ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 13 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. 

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 60/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 nhằm thực hiện định hướng về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. 

Hàng loạt các quy định về định giá đất đai, tài sản hữu hình, tài sản vô hình trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường và về trách nhiệm của tổ chức tư vấn độc lập, Kiểm toán Nhà nước trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp cũng đã được ban hành.  

Hoàn thiện và nâng cao các thiết chế hiện có để hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Nghị định số 126/2017/NĐ-CP với những đổi mới về đa dạng hóa các phương thức bán cổ phần theo thông lệ quốc tế, trao quyền chủ động cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố các loại thông tin mà nhiều nhà đầu tư quan tâm. 

Công bố Danh mục doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa 2017 - 2020 tại Văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/08/2017... 

Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Nghị định quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 phê duyệt "Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020"; Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 13/12/2017 phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC đến năm 2020...

Các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế thị trường cũng đã được hình thành đồng bộ hơn. Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Các hướng dẫn cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo của Nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Quy định trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. 

"Ở các nước, các tập đoàn, tổng công ty có luật riêng, hệ thống pháp luật để quản lý đã khá đầy đủ, còn chúng ta hiện chỉ có nghị định riêng đối với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel... Các tập đoàn, tổng công ty còn lại phần lớn chưa có. Vì thế, Chính phủ còn phải dành nhiều quan tâm cũng như nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế để đảm bảo cho các doanh nghiệp của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về pháp lý, cơ chế, chính sách hiện nay đã đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước đã vận hành theo cơ chế thị trường. Việc quyết định giá cả về cơ bản đã theo quan hệ cung - cầu trên thị trường và cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và từng bước ổn định tổ chức. Đã đổi mới cơ chế, chính sách cho nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quan lý doanh nghiệp nhà nước...

Về phía doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đã cập nhật, cụ thể hóa các quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp thông qua việc ban hành các văn bản quản lý nội bộ tương đối đầy đủ, giúp công tác điều hành và giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng minh bạch và hiệu quả; phát hiện và xử lý kịp thời những yếu kém, vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật. 

Một số tập đoàn, tổng công ty đã triển khai áp dụng ký hợp đồng ủy quyền đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp thành viên.