Kinh tế 2017 - 2018: Mừng nhất là Chính phủ không quá lạc quan!
Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý 3 vừa qua
Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Nhưng điều đáng mừng nhất, chính là việc Chính phủ đã không quá lạc quan với thành tích này.
Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đưa ra góc nhìn như thế.
Gần 60% doanh nghiệp không có lãi
Theo Chủ tịch VCCI thì mặc dù những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá là vững chắc, nhưng ở đâu đó vẫn còn băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
"Băn khoăn vì Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý 3 vừa qua. Lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến. Đồng USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm", ông Lộc nhấn mạnh vào ba yếu tố được cho là tác động không nhỏ đến tăng trưởng GDP của năm 2017, đặc biệt là của quý ba vừa qua.
Lưu ý từ Chủ tịch VCCI là, mặc dù kinh tế tăng trưởng cao hơn, nhưng gần 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng làm ăn không có lãi.
Trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000, nhưng số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên đến hơn 60.000.
Bởi vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2018 ở mức 6,5-6,7%, không cao hơn so với năm 2017, là sự cẩn trọng cần thiết.
"Tôi ủng hộ đề xuất này của Chính phủ", ông Lộc tỏ rõ quan điểm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, những băn khoăn, lo lắng nói trên cũng ngụ ý rằng để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, Chính phủ vẫn cần phải tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức đang đè nặng lên vai của người dân và doanh nghiệp.
Tiêu tiền nhiều là thành tích
Vẫn trong mối quan hệ với tăng trưởng, Chủ tịch VCCI phân tích, mặc dù tăng trưởng cao hơn, nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm xuống và tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên với các tấm bằng cử nhân, cao đẳng, thậm chí thạc sĩ… vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm.
"Chúng ta cần tăng trưởng, nhưng mức tăng tăng trưởng cao sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi đôi với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Trong những năm qua, các con số thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4%, nhưng đó là tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị. Còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn chưa được nhắc đến trong các báo cáo của Chính phủ, dù rằng đây là nơi sinh sống và làm việc của gần 70% dân số nước ta…", ông Lộc nói.
Một nỗi lo khác của bức tranh kinh tế cũng được vị Chủ tịch VCCI đề cập, đó là tình hình tài khoá của đất nước hiện nay.
Qua các báo cáo của Chính phủ, ông Lộc nhìn nhận, tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới hơn 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là có tiền mà vẫn không làm sao tiêu được!
Đại biểu Lộc nhấn mạnh: "Điều đáng nói là, năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu - chi ngân sách Nhà nước cao luôn được coi là thành tích".
Và câu hỏi được đại biểu này đặt ra là trong năm nay, khi thu ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ vượt dự toán khoảng 23 nghìn tỷ đồng, thì số chi ngân sách Nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công?
Hàng loạt câu hỏi tiếp theo cũng được Chủ tịch VCCI nhắc đến, đó là với tư duy thu - chi như vậy, bao giờ mới có thể đưa nợ công về mức mà chúng ta có thể an tâm? Chúng ta còn bao nhiêu đất đai có thể mang lại nguồn thu? Liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức, hay bán tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu?
"Tất cả những câu hỏi nêu trên cho thấy, vấn đề cân đối ngân sách Nhà nước và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch VCCI phát biểu.