22:08 07/07/2010

Mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên sắp được thực hiện?

Lan Hương

Liệu nhà đầu tư đã được thực hiện cùng mua - bán một loại chứng khoán trong cùng một phiên hay chưa?

TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Liệu nhà đầu tư đã được thực hiện cùng mua - bán một loại chứng khoán trong cùng một phiên hay chưa? Việc mua - bán này sẽ được hiểu thế nào?

Đó là những nội dung của cuộc trao đổi giữa chúng tôi với TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vẫn quy định nhà đầu tư không được đặt lệnh mua và bán đối với một loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong cùng ngày giao dịch thì Quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ban hành mới đây lại bỏ ngỏ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc "bỏ ngỏ" quy định này của HNX có thể coi là tín hiệu tích cực cho việc "cởi trói" giao dịch? Hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?

Nhà đầu tư hiểu như vậy là chưa chính xác. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, các quy định về việc cấm nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và cấm mua-bán cùng một loại chứng khoán trong cùng phiên giao dịch do các sở giao dịch chứng khoán quy định tại các quy chế có tính hiệu lực pháp lý rất thấp, không có chế tài xử lý thích hợp nên không có tính răn đe đối với nhà đầu tư.

Trong quá trình chốt danh sách để thực hiện quyền, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã phát hiện rất nhiều nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch, tuy nhiên do không có chế tài xử lý thích hợp nên việc vi phạm khá phổ biến.

Trong đợt hoàn chỉnh văn bản pháp luật về giao dịch lần này (dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán), dự kiến Bộ Tài chính sẽ ban hành các quy định về vấn đề mua, bán chứng khoán trong ngày cũng như việc mở nhiều tài khoản của nhà đầu tư.

Do vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán sửa đổi các quy chế của mình, trong đó vấn đề mở tài khoản; giao dịch mua-bán chứng khoán trong ngày sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật (tức là thực hiện theo Thông tư nói trên).

Thưa ông, tại sao cùng một quy định như vậy lại có độ vênh giữa hai sở giao dịch chứng khoán?

Như đã nói ở trên, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán để trình Bộ Tài chính ký ban hành, hai trong số nhiều nội dung được đề cập là việc mở nhiều tài khoản của nhà đầu tư và mua bán cùng một loại chứng khoán trong phiên.

Vì vậy, quy chế giao dịch của hai sở giao dịch chứng khoán sẽ không quy định về vấn đề này, mà sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư giao dịch.
 
Tuy nhiên, do Quy chế của HNX quy định khá chung chung “việc giao dịch  phải tuân thủ quy định của pháp luật”, trong khi các văn bản pháp luật hiện hành (Luật Chứng khoán; Nghị định 14/CP và các văn bản Thông tư khác) chưa có hướng dẫn về vấn đề này, nên dễ dẫn đến việc nhà đầu tư hiểu lầm là HNX không còn cấm việc nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và cho phép được mua, bán chứng khoán trong ngày.

Còn đối với Quy chế giao dịch của HOSE lại quy định nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản và không được phép mua, bán chứng khoán trong ngày, nên nhà đầu tư hiểu là HOSE thì cấm mà HNX lại không cấm.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu HOSE sớm sửa đổi Quy chế giao dịch theo hướng thống nhất giữa các sở giao dịch chứng khoán để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trước khi ký ban hành.

Trong dự thảo mới nhất Thông tư hướng dẫn giao dịch mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn chỉnh để trình Bộ Tài chính, vấn đề mở nhiều tài khoản và thực hiện cùng mua-bán chứng khoán cùng phiên sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trong dự thảo mà chúng tôi đang hoàn chỉnh để trình Bộ Tài chính ký ban hành có nhiều nội dung mới, trong đó có quy định cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và nhà đầu tư được phép thực hiện giao dịch ngược chiều (mua, bán) trong ngày nhưng vẫn đảm bảo giao dịch là tài sản thực.

Việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản vào thời điểm hiện nay theo tôi là hợp lý. Trên thực tế, do quy định trước đây hạn chế, nên nhà đầu tư đã lách luật bằng cách mở nhiều tài khoản dưới các tên khác nhau và ủy quyền giao dịch cho một nhà đầu tư, thậm chí có nhà đầu tư sử dụng một chứng minh thư nhưng mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau, do đó chúng ta rất khó kiểm soát việc sử dụng các tài khoản khác nhau để mua, bán, “làm giá” chứng khoán.

Việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản không chỉ khắc phục rất nhiều bất cập hiện nay về tài khoản giao dịch của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, tài khoản ủy thác đầu tư mà còn có cơ sở để hợp pháp hóa các tài khoản giao dịch của nhà đầu tư hoạt động trên cơ sở khai báo với sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiện theo dõi, kiểm soát và minh bạch hóa các tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là sở hữu cổ đông lớn và sở hữu nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Đối với vấn đề mua, bán chứng khoán trong một ngày, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cho phép nhà đầu tư mua, bán cùng một loại chứng khoán nhưng trên nguyên tắc bán số chứng khoán trên tài khoản hiện có của mình chứ không phải là cho phép bán chứng khoán vừa mua được trong ngày giao dịch.

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư hiểu sai về quy định này, chúng ta chưa cho phép bán chứng khoán vừa mua được trong ngày (hay còn hiểu giao dịch T+0), thực tiễn ở các thị trường quốc tế, giao dịch trong ngày có thể được cho phép vì họ cho phép bán khống; vay mượn chứng khoán để bán.

Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam chúng ta cần phải có thêm thời gian. Trước mắt, chúng ta chỉ có thể cho phép thực hiện các giao dịch ngược chiều trong ngày giao dịch.

Ví dụ: nhà đầu tư bán cổ phiếu A vào lúc 9h00, sau đó có thể mua lại cổ phiếu A vào lúc 10h00; hoặc nhà đầu tư có 10.000 cổ phiếu A trên tài khoản, nhà đầu tư đó mua thêm 5.000 cổ phiếu A vào lúc 9h00, nhưng sau đó có thông  tin không tốt về cổ phiếu A và họ phải bán đi cổ phiếu mà nhà đầu tư đang sở hữu để tránh giảm giá vào các phiên kế tiếp, nhưng nhà đầu tư đó chỉ được bán 10.000 cổ phiếu mà nhà đầu tư đang sở hữu, số 5.000 cổ phiếu mới mua được phải sau khi hoàn tất thanh toán giao dịch mới được bán ra.

Theo tôi, sau 10 năm đi vào hoạt động, đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển nhất định và việc nới lỏng các quy định về giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng nên dần được áp dụng theo thông lệ quốc tế, trong đó có việc nhà đầu tư được một nhiều tài khoản giao dịch, mua-bán cùng một loại cổ phiếu trong một ngày giao dịch.

Việc nới lỏng các quy định về giao dịch như vậy có gây tiềm ẩn các rủi ro cho thị trường không, thưa ông?

Như tôi đã nói, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 10 năm hoạt động, các quy định đưa ra ban đầu khi thị trường chứng khoán mới đưa vào vận hành là khá chặt chẽ so với các thị trường trong khu vực, phù hợp với năng lực quản lý, giám sát thị trường và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư thời điểm ban đầu hình thành thị trường.

Đến nay, cần có sự thay đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế và vẫn đảm bảo khả năng quản lý, giám sát để tránh đầu cơ, thao túng thị trường. Theo tôi được biết, thì hiện nay không còn thị trường nào quy định nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản giao dịch và cấm mua, bán cùng một loại chứng khoán như ở Việt Nam.

Việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, cũng như mua bán trong ngày giao dịch, bên cạnh ưu việt là gia tăng tính thanh khoản của thị trường, thì theo tôi vẫn đặt ra cho cơ quan quản lý cần phải tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát thị trường để theo dõi, phát hiện các tài khoản giao dịch có dấu hiệu nghi vấn.

Hiện nay, VSD đã đưa vào hoạt động hệ thống quản lý, giám sát thông tin đến từng tài khoản của nhà đầu tư, đây là công cụ rất tốt để có thể  giám sát được các hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.