16:25 04/06/2007

Sẽ gia hạn thời gian chuyển đổi doanh nghiệp FDI?

Nhật Tân

Thời gian để doanh nghiệp FDI tiến hành đăng ký lại có thể sẽ gia hạn thêm một năm nữa

Hà Nội có gần 700 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, song số lượng doanh nghiệp đã đăng ký lại chưa nhiều.
Hà Nội có gần 700 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, song số lượng doanh nghiệp đã đăng ký lại chưa nhiều.
Thời gian để doanh nghiệp FDI tiến hành đăng ký lại có thể sẽ gia hạn thêm một năm nữa.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp đã phàn nàn về thời hạn về việc chuyển đổi doanh nghiệp, đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngòai theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 101/2006/NĐ-CP.

Đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho hay, trong số gần 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam sẽ muốn đăng ký lại theo Luật Đầu tư, và một số doanh nghiệp sẽ muốn chuyển sang hình thức công ty cổ phần.

Tuy nhiên, trong khi việc chuyển đổi hình thức công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài sang hình thức công ty cổ phần là tương đối đơn giản, thì việc đăng ký lại một công ty liên doanh theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc chuyển đối sang hình thức công ty cổ phần còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó các nhà đầu tư đang gặp sự chậm trễ trong việc đăng ký lại và chuyển đổi hình thức vì những khó khăn với các đối tác trong liên doanh và một phần từ cơ quan cấp phép đang phải nhận nhiều đơn đăng ký” vẫn theo ý kiến phát biểu tại Diễn đàn.

Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị Chính phủ sẽ gia hạn thêm thời gian thay vì hạn chót vào cuối tháng 6/2008 để các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện được quá trình chuyển đổi, đăng ký lại.

Về vấn đề này, trao đổi với báo giới ngay bên lề Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay Bộ sẽ chấp thuận và công bố kéo dài thời hạn chuyển đổi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Thời hạn có thể sẽ tăng thêm 1 năm nữa”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Trước đây, việc gói gọn thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực đã gây ra nhiều ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp vì thời gian để thực hiện quá ngắn, cũng như doanh có cần đăng ký lại không và đăng ký lại như thế nào.

Luật Đầu tư 2005 có quy định dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư trước khi Luật có hiệu lực (1/7/2006) không phải làm thủ tục để cấp lại giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đăng ký lại theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện thủ tục đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư mới.

Còn theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập trước khi Luật có hiệu lực từ 1/7/2006 có quyền thực hiện theo một trong 2 cách sau.

Thứ nhất, nếu đăng ký lại thì việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày có hiệu lực. Thứ 2, nếu không đăng ký lại thì doanh nghiệp chỉ đựoc quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.