Thủ tướng: Không được xa dân, quan liêu, áp đặt
Theo Thủ tướng, công tác dân vận là từ tấm lòng, gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân
Thủ tướng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác dân vận, trong đó có tình trạng thiếu lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của dân.
Văn phòng Chính phủ cho biết, sáng 9/1, Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện "Năm dân vận chính quyền" 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác dân vận đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu của năm 2019 với nhiều kỷ lục về phát triển kinh tế-xã hội.
Chúng ta đã cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trên nhiều lĩnh vực để phát huy vai trò, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, của đất nước, Thủ tướng nhìn nhận.
Theo người đứng đầu Chính phủ thì điều đáng mừng là trên đường phố Hà Nội và Tp.HCM, số cuộc khiếu kiện đông người của người dân đã giảm xuống đáng kể so với thời điểm cách đây 2 năm khi phát động "Năm dân vận chính quyền"".
Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có báo cáo rằng, hiện Hà Nội chỉ còn 70 hộ khiếu kiện, cho thấy vai trò quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Có thể nói công tác dân vận không chỉ là phương pháp công tác mà là tình cảm cách mạng, là trách nhiệm lớn lao của mọi cấp, mọi ngành, của cán bộ Đảng viên". Công tác dân vận là từ tấm lòng, gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn có nhiều hạn chế lâu năm trong công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước như người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị thiếu tìm hiểu sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân trong thực hiện các quyết sách của Nhà nước, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, còn tình trạng độc đoán, chuyên quyền, tiêu cực, thiếu lắng nghe, thấu hiểu ý kiến, nguyện vọng của người dân.
Một số tỉnh, thành phố, đặc biệt cấp quận, huyện, việc tiếp dân của người đứng đầu chính quyền các cấp nhiều nơi chưa thực hiện đúng quy định, có khi còn hình thức. "Tôi đã nói rất nhiều lần, khi giải quyết đơn thư của người dân thì anh phải đặt vào tâm thế là người viết đơn thì mới thấu hiểu, giải quyết kiến nghị của người dân", Thủ tướng lưu ý và cũng lấy ví dụ về tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, trong thời gian ngắn, trên 3.100 hộ đã được di dời, giải tỏa mà không có hộ nào khiếu kiện, không có hộ nào phải cưỡng chế.
Thủ tướng nêu rõ, sự lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt.
"Người ta bảo nói phải củ cải cũng nghe, có điều chúng ta có nói phải không, giải quyết có đúng mức không", Thủ tướng nhấn mạnh. Không được xa dân, không được quan liêu, áp đặt, ông nói.
Về nhiệm vụ năm 2020, năm đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, Thủ tướng cho rằng, công tác dân vận phải bám sát nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội với phương châm hành động là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Chính quyền các cấp phải hướng về người dân, lo cho dân, phải bám dân, xử lý đúng đắn mối quan hệ máu thịt giữa người dân và cơ quan Nhà nước.
Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền, năng lực, phẩm chất kém, vi phạm pháp luật. Riêng với hệ thống lãnh đạo từ cấp xã, phường đến cấp Trung ương phải bằng thuyết phục và nêu gương đi liền với thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính.
"Anh phải dám xuống tận khu dân cư để nói chuyện với người dân, xem người dân có vấn đề gì mà cần phải thảo luận, trao đổi để giải quyết thấu tình đạt lý". Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được để điểm nóng gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Vẫn theo Thủ tướng thì cần hiểu sâu, hiểu đúng về công tác dân vận chính quyền, đó là sự đồng thuận, làm sao để mọi người cùng dốc sức, đồng lòng để thực hiện mục tiêu chung, trước hết là ở mỗi cơ quan đơn vị, mỗi cấp chính quyền. Muốn vậy, người lãnh đạo cũng phải tự mình điều chỉnh phương pháp lãnh đạo cho phù hợp, trước hết lãnh đạo bằng thuyết phục và nêu gương.