Tỷ phú 35 tuổi đứng sau startup giá trị nhất thế giới
Không giống hầu hết startup công nghệ thành công tại Trung Quốc, Bytedance trở thành startup trị giá chục tỷ USD mà không cần đầu tư hay bảo hộ từ Alibaba và Tencent
6 năm trước, khi Zhang Yiming đưa ra ý tưởng về một ứng dụng tổng hợp tin tức trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, các nhà đầu tư gồm Sequoia Capital tỏ ra ngờ vực. Khi đó, nghi vấn đặt ra là làm thế nào một kỹ sư phần mềm Trung Quốc 29 tuổi có thể vượt qua hàng tá cổng tin tức của những gã khổng lồ như Tencent và có được lợi nhuận ở nơi mà thậm chí cả Google cũng thất bại.
Zhang, hiện 35 tuổi, đã chứng minh rằng những nghi ngờ đó đều sai. Công ty Bytedance của Zhang đang tiến tới mức định giá 75 tỷ USD, vượt qua cả Uber, trở thành startup giá trị nhất thế giới, theo CB Insights.
Tên tuổi mới nhất trong danh sách dài các nhà đầu tư của Bytedance là tập đoàn Nhật Softbank, công ty cho biết sẽ rót khoảng 1,5 tỷ USD vào startup này. Các nhà đầu tư lớn khác của Bytedance có thể kể đến KKR & Co., General Atlantic và Sequoia Capital.
Thành công mà không cần Alibaba và Tencent
Điều đáng ngạc nhiên là không như nhiều startup công nghệ tại Trung Quốc, Zhang đã xây dựng mọi thứ mà không có tiền đầu tư hay bảo hộ từ hai gã khổng lồ internet của Trung Quốc: Alibaba và Tencent. Trên thực tế, Bytedance thường đụng độ với 2 ông lớn trên nhiều "mặt trận" hoặc trong các vụ kiện và startup này được cho là thành công hơn trong việc thu hút độc giả trẻ ở nước ngoài.
Câu chuyện của Bytedance bắt đầu tư trang tin tức có tên Jinri Toutiao, sau đó được biết đến với hàng loạt thương vụ thâu tóm thông minh, mở rộng có chiến lược đưa công ty vào mảng video di động và phát triển ra nước ngoài.
Điểm đặc biệt Bytedance là tạo ra trải nghiệm internet kết hợp giữa Google và Facebook.
"Điều quan trọng là chúng tôi không phải công ty về tin tức. Chúng tôi thiên về một công cụ tìm kiếm hoặc một nền tảng mạng xã hội hơn", Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017 và cho biết thêm rằng Bytedance không có biên tập viên hay phóng viên nào cả. "Chúng tôi đang làm công việc mang tính đột phá. Chúng tôi không phải bản sao của một công Mỹ nào cả, kể cả về công nghệ hay sản phẩm".
Bằng việc gây dựng hàng loạt ứng dụng thành công, Bytedance thu hút được hàng trăm triệu người dùng và đang là mối đe dọa đối với các nhà khai thác internet lớn nhất của Trung Quốc. Công ty này trở thành đế chế lớn với các dịch vụ như video Tik Tok - được gọi là Douyin ở Trung Quốc - cùng nhiều nền tảng dành cho nhiều mục đích như truyện cười hay bàn tán về người nổi tiếng.
Bytedance đang là một trong những startup công nghệ lớn thành công nhất tại Trung Quốc trong việc xây dựng nền tảng ở nước ngoài, thông qua các ứng dụng như Tik Tok tại Mỹ, Đông Nam Á và Nhật Bản.
Phát triển thành đế chế internet
Vào thời điểm năm 2012, Zhang nhận thấy rằng người dùng di động Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tin tức mà họ quan tâm trên nhiều ứng dụng khác nhau. Một phần là bởi chính sách kiểm soát thông tin nghiêm ngặt của chính phủ nước này. Zhang cho rằng mình có thể làm tốt hơn những gã khổng lồ như Baidu - công cụ tìm kiếm gần như độc quyền tại Trung Quốc.
Zhang nhanh chóng nắm bắt được rằng ý tưởng ban đầu về việc tổng hợp tin tức thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo thực sự có ý nghĩa với người dùng. Phiên bản tương tự ý tưởng này tại Mỹ là tính năng bảng tin (news feed của Facebook).
Văn phòng của Bytedance tại Bắc Kinh - Ảnh: SCMP.
Bytedance ra mắt ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao vào tháng 8/2012. Nền tảng này thu thập thông tin về thói quen đọc và tìm kiếm của người dùng và sau đó gợi ý tin tức cho họ. Người dùng càng sử dụng nhiều, trải nghiệm họ nhận được càng tốt hơn và càng ở lại với ứng dụng lâu hơn. Vào giữa năm 2014, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Toutiao tăng lên hơn 13 triệu. Nhanh chóng loại bỏ những nghi ngờ ban đầu, Sequoia rót 100 triệu USD vào startup này.
Tiếp đó, nhìn nhận dịch vụ streaming (phát trực tuyến) luôn được yêu thích tại Trung Quốc, tháng 9/2016, Bytedance âm thầm ra mắt Douyin - dịch vụ chỉnh sửa video chỉ với độ dài chính xác 15 giây. Ứng dụng này cho phép người dùng quay và chỉnh sửa video với các hiệu ứng rồi chia sẻ trên các mạng xã hội như Weibo hay WeChat. Hình thức video ngắn nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng và phát triển bùng nổ, đến mức sau đó WeChat đã cấm người dùng của mình truy cập trực tiếp sang Douyin.
Một năm sau, Bytedance mua lại Musical.ly với giá 800 triệu USD và hiện đang kết hợp sức mạnh của ứng dụng video dành cho thiếu niên tại Mỹ này với Tik Tok. Tính tới tháng 7/2018, Tik Tok và Douyin có tổng cộng 500 triệu người dùng.
Thách thức của Bytedance hiện tại là biến lượng truy cập thành lợi nhuận. Công ty này đang phát triển hoạt động bán quảng cáo, đặc biệt là cho ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng vẫn tỏ ra khá thận trọng về những vấn đề pháp lý của Bytedance, đặc biệt là trong bối cảnh khó lường trước được các chính sách kiểm duyệt thông tin của chính phủ Trung Quốc.