Vẫn thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, nhưng số giáo viên được tuyển dụng chưa tương xứng…
Đó là thông tin tại hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, sáng 6/8.
Báo cáo kết quả thực hiện trong năm học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn; sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) có quy mô nhỏ thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Một số địa phương đã huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực tài chính đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục như tỉnh Bình Dương, Quảng Ngãi...
Bộ cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Hiện đang hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập để hình thành được hệ thống cơ sở giáo dục đại học công lập với số lượng, cơ cấu hợp lý, qua đó tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Mặc dù vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất. Đặc biệt, còn thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thành phố lớn và thiếu trường, lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Một trong những tồn tại lớn trong năm học vừa qua là còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Cụ thể, nhiều địa phương chưa thực hiện số biên chế được giao trong khi vẫn tồn tại tình trạng hợp đồng giáo viên như Bình thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Nam Định. Trong khi đó, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định như Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang…
Nguyên nhân của việc thừa thiếu giáo viên cục bộ theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ, tương ứng tăng thêm trên 41 nghìn nhóm/lớp, nhu cầu cần thêm khoảng 80 nghìn giáo viên).
Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hàng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Đáng chú ý, công tác tuyển dụng tại một số địa phuong còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường lớp tăng hằng năm.
Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế còn khá cứng nhắc chưa gắn với quy mô phát triển dân số, hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó là giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học này, ngành Giáo dục cũng sẽ tiến hành đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.