16:02 11/06/2019

"Xã hội không tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0"

Đào Hưng

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đây là nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam", nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt".

Trong phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc nhấn mạnh một thực tế, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử.

Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.

Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng theo ông Kim Anh, Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi nhiều lợi ích. Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn.

Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…

Ngoài ra, Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.

"Như vậy, có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng, tài chính", ông Kim Anh nói.

Theo đó, với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm nhân tố quyết định, Ngân hàng Nhà nước đề ra bốn định định hướng.

Thứ nhất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.

Thứ hai, xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng và Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích, sự hài lòng của khách hàng.

Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.