Xử lý tài sản bất minh: Cần phương án hợp lý hơn thu thuế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thể chốt vấn đề lớn nhất: xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
Phải bàn thật sâu, thật kỹ thuật chứ xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng cách thu thuế thì không thuyết phục được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Dành gần hết buổi sáng 13/7 để thảo luận về những vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thể chốt vấn đề lớn nhất: xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 59 dự thảo luật Chính phủ trình).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, sau rất nhiều phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng cơ quan thẩm tra và cơ quan trình thống nhất chọn phương án đánh thuế thu nhập cá nhân. Theo phương án này thì nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Phát biểu tại phiên họp không chỉ có một số vị đại biểu chuyên trách cả đại diện Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều cho rằng không đủ căn cứ để thực hiện phương án này.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng, phải là thu nhập hợp pháp thì mới đánh thuế. Kê khai không trung thực thì đầu tiên là kỷ luật, còn tài sản thì xử lý theo quy định hiện hành, nếu chứng minh được là hợp pháp thì thu thuế, còn có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang xử lý hình sự, chứ tài sản không rõ nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không được, hơn nữa cũng chả có căn cứ nào mà thu 45%, vị này phân tích.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh lý do đưa ra phương án xử lý tài sản bất minh bởi đây là thời điểm đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ. Ông Hưng cũng đề cập 4 cách xử lý: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế. Theo pháp luât dân sự thì cái khó là không có nguyên đơn, bị đơn. Theo phương án xử lý về kinh tế thì chỉ có cách là thuế, là cách có nhiều ưu điểm.
Chính phủ cũng bàn mãi, Thủ tướng và Phó thủ tướng thường trực họp nhiều lần và trình phương án như dự thảo, thời điểm này giải pháp như Uỷ ban Tư pháp đưa ra có nhiều ưu điểm nhất, ông Hưng nói.
Giải trình về điều 59, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề cập 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thuế. Phương án thứ sáu là không có phương án gì, tức là thực hiện như luật hiện hành.
"Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu rất kỹ, định dạng chỉ có 6 phương án đó thôi. Sau khi trao đổi, hội thảo, xin ý kiến, cuối cùng thấy phương án thu thuế có nhiều yếu tố phù hợp, áp dụng được với Việt Nam nên đi sâu vào phương án này", ông Khái cho biết.
Vẫn theo Tổng thanh tra, loại tài sản mà Nhà nước không chứng minh được vi phạm, không chứng minh được thuộc sở hữu của Nhà nước, còn người giải trình đã giải trình nhưng không hợp lý thì rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh.
Đây là việc khó, một chính sách mới, tính thuế rồi thì cũng không loại trừ nếu có vi phạm thì tiếp tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự để xử lý cuối cùng. Mức thuế thì lấy mức thuế bình quân và có thêm khoản phạt. Tính đi tính lại thì khoảng 40-45%. Nếu được Thường vụ Quốc hội chấp nhận thì tiếp tục hoàn thiện theo hướng đó, Tổng thanh tra nói.
Nhấn mạnh phương án thu thuế còn nhiều tranh cãi và chưa thực sự thuyết phục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bên cạnh tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì cần thảo luận kỹ với các cơ quan trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.
Phải bàn thật sâu, thật kỹ thuật để lý lẽ đủ thuyết phục sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị, bà Ngân nói.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thêm một lần nhấn mạnh Phòng chống tham nhũng là luật khó và điều 59 là vấn đề khó nhất, tham khảo kinh nghiệm thì mỗi nước lại có cách xử lý khác nhau.
Ông Lưu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đi đến tận cùng vấn đề để đưa ra phương án hợp lý hơn, báo cáo Bộ Chính trị và xin ý kiến đại biểu trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay.