Ẩn số luồng tiền vay, ủy thác
Từ nay đến cuối năm liệu tỷ giá có ổn định quanh mốc 19.500 đồng/Đô la Mỹ? Việc giữ mức này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý
Suốt bao năm nay, mỗi khi tỷ giá có vấn đề, nghĩa là cung cầu ngoại tệ căng thẳng, thường là cầu lớn mà cung không đáp ứng đủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hai cách thức giải quyết: hoặc bán ngoại tệ can thiệp từ nguồn dự trữ ngoại hối; hoặc tạo ra một mức tỷ giá tiền đồng - Đô la Mỹ mới nhằm đạt đến một điểm cân bằng.
Lần điều chỉnh tỷ giá gần đây nhất diễn ra ngày 17/8/2010 cũng không nằm ngoài hai phương thức đó.
Chủ động trong sự đột ngột
Xét trên bình diện cung cầu, bề ngoài tỷ giá chưa đến mức căng thẳng như những lần trước. Thứ nhất, tỷ giá ngoài thị trường tự do dù có cao hơn giá niêm yết mua bán của ngân hàng, nhưng mức chênh lệch không đáng kể, khoảng 100-150 đồng/Đô la Mỹ (tỷ giá chính thức 19.100 đồng, tỷ giá tự do 19.200-19.250 đồng/Đô la Mỹ).
Thứ hai, tỷ giá mua bán tiền mặt, chuyển khoản của các tổ chức tín dụng đã lên kịch trần, nhưng thời gian đứng ở mức kịch trần đó chưa kéo dài. Các nhà xuất nhập khẩu vẫn tự xoay xở được bằng cách gặp nhau để thỏa thuận giá cả Đô la Mỹ thông qua sự giới thiệu của ngân hàng.
Vậy thì tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đột ngột điều chỉnh tỷ giá, nhất là sự điều chỉnh ấy xảy ra đúng hai tuần sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tuyên bố trên báo chí ngày 4/8/2010 là “tỷ giá sẽ ổn định”?
Đã có những ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước một bước, chủ động dẫn dắt thị trường, một khi nhận thấy từ 5-6 tháng nay tỷ giá khá ổn định, nhưng gần đây đã giao dịch vượt trần (do cộng thêm một số loại phí). Sự nhận thấy đó là chính xác.
Trong ba tháng của quý 2 năm nay, tỷ giá đã có một khoảng lặng bình yên, khoảng lặng trên bề mặt được tạo ra từ cơ chế “tạm ứng tương lai”. Doanh nghiệp đã “núp” vào ngoại tệ để tránh “cơn bão” lãi suất tiền đồng cao, họ bán Đô la Mỹ vay được cho ngân hàng lấy tiền đồng, tạo nên nguồn cung dư thừa ngoại hối. Nay nguồn cung ấy không còn, tỷ giá lên. Chủ động điều chỉnh để chặn sự lên đó, không cho nó đi quá xa có thể là hành động đúng!
Sự đổi chiều của huy động và cho vay ngoại tệ
Tuy nhiên sự đột ngột có lý do của nó!
Vào cuối năm 2009, theo nhiều số liệu tính toán, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng đạt khoảng 390.000 tỉ đồng, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ khoảng 315.000 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng thừa một lượng vốn ngoại tệ lớn.
Nhưng đến cuối tháng 3/2010, tình hình đã đổi khác, tổng vốn huy động ngoại tệ, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tăng hơn 0,21% so với cuối năm 2009, nhưng dư nợ cho vay ngoại tệ lại tăng mạnh, tới hơn 14,07%.
Chênh lệch tuyệt đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ tụt xuống nhanh chóng. Trong tháng 4 và 5, vay ngoại tệ lên đến đỉnh điểm. Trong báo cáo tình hình tiền tệ sáu tháng đầu năm đăng tải trên website, Ngân hàng Nhà nước nhận xét: “Từ giữa tháng 4/2010 các ngân hàng không có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ngân hàng đã bán ngoại tệ thừa cho Ngân hàng Nhà nước”. Đó cũng là thời điểm mà giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do thấp hơn cả giá giao dịch của ngân hàng.
Tháng 4/2010 khiến người ta nhớ lại thời điểm tháng 3 và 4/2008, Đô la Mỹ thừa mứa trên thị trường do đầu tư gián tiếp nước ngoài vào nhiều. Tỷ giá rớt xuống 15.500 đồng/Đô la Mỹ cả trong và ngoài ngân hàng trong khi tỷ giá chính thức là 16.000 đồng/Đô la Mỹ. Chính phủ phải lên tiếng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ưu tiên mua ngoại tệ cho những nhà xuất khẩu, rồi sau đó ưu tiên mua ngoại tệ cho những nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài… Thế mà chỉ một tuần sau đó tỷ giá đổi chiều…
Lần này tỷ giá không đổi chiều sau một tuần. Đến tận cuối tháng 6/2010 nó vẫn tương đối ổn định. Chỉ có điều vốn huy động ngoại tệ của ngân hàng vẫn không tăng như mong đợi dù các ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm Đô la Mỹ lên mức phổ biến 4,5%/năm, thậm chí một số ngân hàng ở kỳ hạn dài là 5%/năm. Ngược lại dư nợ ngoại tệ vẫn tăng đều cho đến tháng 7/2010.
Đến nay, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vượt tổng huy động ngoại tệ khoảng 40.000 tỉ đồng, tương đương 2,05 tỉ Đô la Mỹ.
Ẩn số 40.000 tỉ đồng
Khoảng 40.000 tỉ đồng này từ đâu ra?
Rõ ràng một luồng ngoại tệ từ bên ngoài đã đổ vào các tổ chức tín dụng trong nước dưới hình thức ủy thác để cho vay lại nhằm hưởng lãi suất Đô la cao ở Việt Nam (một dạng carry trade). Phần lớn số tiền trên chảy vào các ngân hàng nước ngoài và được họ cho doanh nghiệp Việt Nam vay.
Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam cũng được các ngân hàng nước ngoài cấp hạn mức tín dụng, ít thì 10-20 triệu, nhiều thì trên dưới 50 triệu Đô la Mỹ/ngân hàng với lãi suất thấp chừng 2%/năm. Một ngân hàng nội địa cho biết hiện mức vay ngân hàng nước ngoài của họ bằng 16-17% tổng vốn huy động ngoại tệ.
Các khoản vay hoặc ủy thác cho vay lại kể trên thông thường có kỳ hạn sáu tháng. Nếu tháng 3, 4/2010 là tháng dòng vốn ủy thác và cho vay từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều, thì tháng 9, 10 sẽ là thời điểm đáo hạn.
Trong trường hợp các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế lạc quan, tốc độ tăng trưởng GDP cao và lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng Việt Nam không giảm, dòng vốn trên sẽ có thể được gia hạn, ở lại thêm một thời gian. Nhưng một khi biến động vĩ mô không thuận lợi, nó sẽ nhanh chóng rút ra. Một số khoản vay và ủy thác được thực hiện trong tháng 2/2010 và đáo hạn vào tháng 8/2010.
Đề phòng, chặn trước sự biến động của dòng tiền này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến động thái điều chỉnh tỷ giá giữa tháng 8 vừa qua.
Từ nay đến cuối năm liệu tỷ giá có ổn định quanh mốc 19.500 đồng/Đô la Mỹ? Việc giữ mức này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý. Trên thực tế, luồng ngoại tệ vào Việt Nam không phải ít. Cán cân tài chính và vốn vẫn thặng dư cao, cao hơn thâm hụt vãng lai khoảng 3 tỉ Đô la Mỹ cho đến cuối quý 2/2010, như nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. Số tiền này tản vào mục sai số trong bảng cân đối ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, thực chất nó nằm trong túi người dân.
Làm thế nào để ngoại tệ trong túi người dân chảy vào kênh giao dịch chính thức? Chỉ có niềm tin mới làm được điều đó. Nếu toàn bộ kiều hối và tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về được bán cho ngân hàng, hẳn kênh ngoại tệ chính thức sẽ dồi dào. Tạo niềm tin thì khó, nhưng làm mất nó lại quá dễ. Chúng tôi nhờ một nhân viên giao dịch tại quầy ở một ngân hàng trao đổi với khách hàng đến gửi tiền, và kết quả là hai cách trả lời đều đáng suy ngẫm.
Một phía khách hàng bán ngoại tệ tiết kiệm hoặc kiều hối nhận được cho ngân hàng nói: Ngân hàng Nhà nước mới tăng tỷ giá, chắc chưa thể tăng ngay nữa, bây giờ gửi tiền đồng hưởng lãi suất cao vài tháng, sau mua lại ngoại tệ vẫn kịp. Phía khách hàng vẫn duy trì tiết kiệm ngoại tệ thì lập luận: Ngân hàng Nhà nước mới tuyên bố ổn định tỷ giá, mà lại điều chỉnh, chắc Nhà nước không giữ được, thôi cứ gửi ngoại tệ cho chắc ăn.
Chính sách điều hành tỷ giá gần đây hình như đang thử thách niềm tin của người dân có ngoại tệ hơn là củng cố và làm cho nó bền vững!
Hải Lý (TBKTSG)
Lần điều chỉnh tỷ giá gần đây nhất diễn ra ngày 17/8/2010 cũng không nằm ngoài hai phương thức đó.
Chủ động trong sự đột ngột
Xét trên bình diện cung cầu, bề ngoài tỷ giá chưa đến mức căng thẳng như những lần trước. Thứ nhất, tỷ giá ngoài thị trường tự do dù có cao hơn giá niêm yết mua bán của ngân hàng, nhưng mức chênh lệch không đáng kể, khoảng 100-150 đồng/Đô la Mỹ (tỷ giá chính thức 19.100 đồng, tỷ giá tự do 19.200-19.250 đồng/Đô la Mỹ).
Thứ hai, tỷ giá mua bán tiền mặt, chuyển khoản của các tổ chức tín dụng đã lên kịch trần, nhưng thời gian đứng ở mức kịch trần đó chưa kéo dài. Các nhà xuất nhập khẩu vẫn tự xoay xở được bằng cách gặp nhau để thỏa thuận giá cả Đô la Mỹ thông qua sự giới thiệu của ngân hàng.
Vậy thì tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đột ngột điều chỉnh tỷ giá, nhất là sự điều chỉnh ấy xảy ra đúng hai tuần sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tuyên bố trên báo chí ngày 4/8/2010 là “tỷ giá sẽ ổn định”?
Đã có những ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước một bước, chủ động dẫn dắt thị trường, một khi nhận thấy từ 5-6 tháng nay tỷ giá khá ổn định, nhưng gần đây đã giao dịch vượt trần (do cộng thêm một số loại phí). Sự nhận thấy đó là chính xác.
Trong ba tháng của quý 2 năm nay, tỷ giá đã có một khoảng lặng bình yên, khoảng lặng trên bề mặt được tạo ra từ cơ chế “tạm ứng tương lai”. Doanh nghiệp đã “núp” vào ngoại tệ để tránh “cơn bão” lãi suất tiền đồng cao, họ bán Đô la Mỹ vay được cho ngân hàng lấy tiền đồng, tạo nên nguồn cung dư thừa ngoại hối. Nay nguồn cung ấy không còn, tỷ giá lên. Chủ động điều chỉnh để chặn sự lên đó, không cho nó đi quá xa có thể là hành động đúng!
Sự đổi chiều của huy động và cho vay ngoại tệ
Tuy nhiên sự đột ngột có lý do của nó!
Vào cuối năm 2009, theo nhiều số liệu tính toán, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng đạt khoảng 390.000 tỉ đồng, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ khoảng 315.000 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng thừa một lượng vốn ngoại tệ lớn.
Nhưng đến cuối tháng 3/2010, tình hình đã đổi khác, tổng vốn huy động ngoại tệ, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tăng hơn 0,21% so với cuối năm 2009, nhưng dư nợ cho vay ngoại tệ lại tăng mạnh, tới hơn 14,07%.
Chênh lệch tuyệt đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ tụt xuống nhanh chóng. Trong tháng 4 và 5, vay ngoại tệ lên đến đỉnh điểm. Trong báo cáo tình hình tiền tệ sáu tháng đầu năm đăng tải trên website, Ngân hàng Nhà nước nhận xét: “Từ giữa tháng 4/2010 các ngân hàng không có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ngân hàng đã bán ngoại tệ thừa cho Ngân hàng Nhà nước”. Đó cũng là thời điểm mà giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do thấp hơn cả giá giao dịch của ngân hàng.
Tháng 4/2010 khiến người ta nhớ lại thời điểm tháng 3 và 4/2008, Đô la Mỹ thừa mứa trên thị trường do đầu tư gián tiếp nước ngoài vào nhiều. Tỷ giá rớt xuống 15.500 đồng/Đô la Mỹ cả trong và ngoài ngân hàng trong khi tỷ giá chính thức là 16.000 đồng/Đô la Mỹ. Chính phủ phải lên tiếng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ưu tiên mua ngoại tệ cho những nhà xuất khẩu, rồi sau đó ưu tiên mua ngoại tệ cho những nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài… Thế mà chỉ một tuần sau đó tỷ giá đổi chiều…
Lần này tỷ giá không đổi chiều sau một tuần. Đến tận cuối tháng 6/2010 nó vẫn tương đối ổn định. Chỉ có điều vốn huy động ngoại tệ của ngân hàng vẫn không tăng như mong đợi dù các ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm Đô la Mỹ lên mức phổ biến 4,5%/năm, thậm chí một số ngân hàng ở kỳ hạn dài là 5%/năm. Ngược lại dư nợ ngoại tệ vẫn tăng đều cho đến tháng 7/2010.
Đến nay, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vượt tổng huy động ngoại tệ khoảng 40.000 tỉ đồng, tương đương 2,05 tỉ Đô la Mỹ.
Ẩn số 40.000 tỉ đồng
Khoảng 40.000 tỉ đồng này từ đâu ra?
Rõ ràng một luồng ngoại tệ từ bên ngoài đã đổ vào các tổ chức tín dụng trong nước dưới hình thức ủy thác để cho vay lại nhằm hưởng lãi suất Đô la cao ở Việt Nam (một dạng carry trade). Phần lớn số tiền trên chảy vào các ngân hàng nước ngoài và được họ cho doanh nghiệp Việt Nam vay.
Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam cũng được các ngân hàng nước ngoài cấp hạn mức tín dụng, ít thì 10-20 triệu, nhiều thì trên dưới 50 triệu Đô la Mỹ/ngân hàng với lãi suất thấp chừng 2%/năm. Một ngân hàng nội địa cho biết hiện mức vay ngân hàng nước ngoài của họ bằng 16-17% tổng vốn huy động ngoại tệ.
Các khoản vay hoặc ủy thác cho vay lại kể trên thông thường có kỳ hạn sáu tháng. Nếu tháng 3, 4/2010 là tháng dòng vốn ủy thác và cho vay từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều, thì tháng 9, 10 sẽ là thời điểm đáo hạn.
Trong trường hợp các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế lạc quan, tốc độ tăng trưởng GDP cao và lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng Việt Nam không giảm, dòng vốn trên sẽ có thể được gia hạn, ở lại thêm một thời gian. Nhưng một khi biến động vĩ mô không thuận lợi, nó sẽ nhanh chóng rút ra. Một số khoản vay và ủy thác được thực hiện trong tháng 2/2010 và đáo hạn vào tháng 8/2010.
Đề phòng, chặn trước sự biến động của dòng tiền này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến động thái điều chỉnh tỷ giá giữa tháng 8 vừa qua.
Từ nay đến cuối năm liệu tỷ giá có ổn định quanh mốc 19.500 đồng/Đô la Mỹ? Việc giữ mức này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý. Trên thực tế, luồng ngoại tệ vào Việt Nam không phải ít. Cán cân tài chính và vốn vẫn thặng dư cao, cao hơn thâm hụt vãng lai khoảng 3 tỉ Đô la Mỹ cho đến cuối quý 2/2010, như nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. Số tiền này tản vào mục sai số trong bảng cân đối ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, thực chất nó nằm trong túi người dân.
Làm thế nào để ngoại tệ trong túi người dân chảy vào kênh giao dịch chính thức? Chỉ có niềm tin mới làm được điều đó. Nếu toàn bộ kiều hối và tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về được bán cho ngân hàng, hẳn kênh ngoại tệ chính thức sẽ dồi dào. Tạo niềm tin thì khó, nhưng làm mất nó lại quá dễ. Chúng tôi nhờ một nhân viên giao dịch tại quầy ở một ngân hàng trao đổi với khách hàng đến gửi tiền, và kết quả là hai cách trả lời đều đáng suy ngẫm.
Một phía khách hàng bán ngoại tệ tiết kiệm hoặc kiều hối nhận được cho ngân hàng nói: Ngân hàng Nhà nước mới tăng tỷ giá, chắc chưa thể tăng ngay nữa, bây giờ gửi tiền đồng hưởng lãi suất cao vài tháng, sau mua lại ngoại tệ vẫn kịp. Phía khách hàng vẫn duy trì tiết kiệm ngoại tệ thì lập luận: Ngân hàng Nhà nước mới tuyên bố ổn định tỷ giá, mà lại điều chỉnh, chắc Nhà nước không giữ được, thôi cứ gửi ngoại tệ cho chắc ăn.
Chính sách điều hành tỷ giá gần đây hình như đang thử thách niềm tin của người dân có ngoại tệ hơn là củng cố và làm cho nó bền vững!
Hải Lý (TBKTSG)