12:02 04/04/2016

Chứng khoán sáng 4/4: Thanh khoản quá yếu

Lan Ngọc

Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được là 560,92 điểm nhưng lực mua không bền, chốt phiên sáng chỉ số đã rớt trở lại 557,66 điểm

VN-Index suy yếu rất nhanh trong nửa sau của phiên sáng nay, sau khi không chốt giữ được trên 560 điểm.
VN-Index suy yếu rất nhanh trong nửa sau của phiên sáng nay, sau khi không chốt giữ được trên 560 điểm.
Thị trường có một nhịp tăng khá tốt trong nửa đầu phiên sáng nay, với đỉnh cao nhất VN-Index đạt được là 560,92 điểm. Tuy thế thị trường đã không nhận được lực mua đủ bền, chốt phiên sáng chỉ số đã rớt trở lại 557,66 điểm.

Độ rộng hai sàn đã cân bằng, thậm chí số tăng giá nhỉnh hơn. HSX ghi nhận 112 mã tăng/104 mã giảm, HNX có 81 mã tăng/73 mã giảm. Hai rổ cổ phiếu lớn cũng khá tích cực: VN30 có 11 mã tăng/11 mã giảm, HNX30 có 12 mã tăng/10 mã giảm.

Độ rộng tốt hơn nhưng sàn HSX vẫn chủ yếu tập trung số tăng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. VNMidcap đang tăng 0,23% nhờ 33 mã tăng tăng giá, VNSmallcap 0,04% với 50 mã tăng. Như thế 74% số cổ phiếu tăng giá tập trung ở những nhóm cổ phiếu vốn hóa không lớn.

Ngược lại VN-Index bị kéo giảm 0,14%, VN30 giảm 0,18% do tác động từ những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất: VCB giảm 0,24%, MSN giảm 1,41%, KDC giảm 0,43%, STB giảm 0,97%, GMD giảm 0,78%, HVG giảm 0,97%. VN-Index còn chịu thêm tác động của GAS giảm 1,93%.

Kể cả khi không bị ảnh hưởng của GAS thì VN30 vẫn tỏ ra đuối. Các blue-chips không đủ sức giữ nhịp cho thị trường sáng nay mà mỗi lần các trụ lớn trồi sụt, thị trường bị ảnh hưởng mạnh.

Chẳng hạn khi VN-Index tăng cao nhất, VNM cũng tăng 0,75%, VIC tăng 0,21%, CTG tăng 1,23%, BID tăng 2,41%, MSN cũng tăng 0,7%. Các trụ này đã suy yếu trong nửa sau của phiên và bất chấp số lớn cổ phiếu tầm trung tăng giá, thị trường vẫn suy yếu.

Thực tế vai trò của các blue-chips là rất lớn. Khi các trụ giảm xuống, đà tăng của các mã vừa và nhỏ cũng yếu đi. Điển hình là mức tăng cao nhất của VNMidcap cùng nhịp với VN-Index là tới 0,8% nhưng hiện chỉ còn 0,23%, VNSmallcap từ +0,53% còn +0,04%. Nếu các trụ tiếp tục suy yếu kéo theo VN-Index tụt mạnh, không có gì đảm bảo các mã vừa và nhỏ vẫn giữ được độ rộng tốt như hiện tại.

Sàn HNX lại có vai trò giữ nhịp tốt của các cổ phiếu vốn hóa cao. Những cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất như ACB, SHB đứng im. Đáng kể nhất chỉ là PVS giảm 1,3%, PVC giảm 2,26%, BCC giảm 1,25%. Số khá lớn các mã khác tăng có ảnh hưởng tốt như KLS kịch trần 9,33%, NTP tăng 1,51%, PVB tăng 9,17%, VCG tăng 1,01%, VND tăng 0,9%...

HNX-Index chốt phiên sáng đang tăng 0,33%, HNX30 tăng 0,39%. Riêng các cổ phiếu vừa và nhỏ lại không mạnh như ở HSX.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến VN-Index không thể duy trì được mức tăng trên 560 điểm là sức mua ở các blue-chips quá yếu. Tổng giá trị khớp hai sàn chỉ đạt 1.015,8 tỷ đồng, giảm 10%, thấp nhất trong 35 phiên sáng gần đây.

Rổ VN30 giao dịch thậm chí rất kém, giảm tới 25% và chỉ đạt 294,6 tỷ đồng, lần đầu tiên có một phiên sáng dưới 300 tỷ đồng giá trị kể từ giữa tháng 2 vừa rồi. Cổ phiếu giao dịch lớn nhất HSX lại là DLG với 40,1 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch bình thường, vẫn chỉ có SSI là đáng kể nhất. Khối ngoại mua gần 8,1 tỷ đồng với 379.420 cổ phiếu. Lượng mua này chiếm khoảng 48% thanh khoản. Tuy nhiên SSI chỉ tăng ở mức tối thiểu 0,47%.