20:53 14/03/2024

Đạo luật đầu tiên trên thế giới về AI chính thức được thông qua

Bảo Ngọc

Quốc hội Liên minh Châu u đã phê duyệt bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý trí tuệ nhân tạo. Quy định dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 5, sau khi vượt qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự thông qua từ Hội đồng Châu Âu…

Vào ngày 13/3, Quốc hội Liên minh Châu Âu đã phê duyệt bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo. Quy định được thông qua trong phiên họp của Nghị viện với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng, CNBC đưa tin.

“Châu Âu ngay lúc này là nơi đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về AI”, ông Thierry Breton, Ủy viên Châu Âu về thị trường nội bộ, tuyên bố trong một bài đăng trên nền tảng X.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, bà Roberta Metsola, mô tả đạo luật là bước đi tiên phong, tạo điều kiện cho sự đổi mới, đồng thời bảo vệ quyền cơ bản của người dân.

“Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bây giờ, AI cũng sẽ là một phần trong luật pháp của EU”, bà viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Ông Dragos Tudorache, nhà lập pháp phụ trách giám sát các cuộc đàm phán của EU về thỏa thuận, hết lòng ca ngợi bộ quy tắc trên, nhưng lưu ý rằng trở ngại lớn nhất vẫn là quá trình triển khai thực hiện.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẠO LUẬT AI CỦA EU

Ra đời vào năm 2021, Đạo luật AI của EU chia công nghệ thành các loại rủi ro, từ “không thể chấp nhận” - nghĩa là công nghệ sẽ bị cấm - đến mức độ nguy hiểm cao, trung bình và thấp.

Quy định dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 5, sau khi vượt qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự thông qua từ Hội đồng Châu Âu. Kế hoạch triển khai sau đó sẽ được thực hiện từ năm 2025 trở đi.

Đạo luật đầu tiên trên thế giới về AI chính thức được thông qua - Ảnh 1

Một số quốc gia EU trước đây đã lên tiếng đề xuất phương án tự điều chỉnh đối với loạt biện pháp kiềm chế do Chính phủ chỉ đạo, trong bối cảnh lo ngại rằng quy định khắt khe có thể trở thành rào cản lớn đối với công cuộc cạnh tranh cùng nhiều gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những quốc gia ủng hộ bao gồm Đức và Pháp, nơi đang sản sinh ra vô số công ty khởi nghiệp AI đầy hứa hẹn ở Châu Âu.

Rõ ràng, EU đang chinh phục cả hai mục tiêu: giảm thiểu tác động tiêu cực của sự phát triển công nghệ đến người dùng cũng như bắt kịp vị thế thống trị của những đổi thủ chủ chốt trên thị trường.

QUYẾT TÂM KIỂM SOÁT BIG TECH TẠI CHÂU ÂU

Tuần trước, EU cũng đã thông qua Luật cạnh tranh mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế các gã khổng lồ Hoa Kỳ. Theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), EU có thể trấn áp hành vi phản cạnh tranh từ các công ty công nghệ lớn và buộc công ty phải mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực mà vị thế thống trị của hãng đã kìm hãm đa số doanh nghiệp nhỏ hơn, “bóp nghẹt” quyền tự do lựa chọn của người dùng. Sáu công ty — hầu hết đều là big tech Hoa Kỳ như Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance đến từ Trung Quốc – đã được đưa vào danh sách áp dụng.

Mối lo ngại ngày càng gia tăng về vấn đề lạm dụng trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi nhiều ông lớn như Microsoft, Amazon, Google và nhà sản xuất chip Nvidia kêu gọi đầu tư AI mạnh mẽ.

Các Chính phủ lo ngại khả năng rằng deepfake, dạng trí tuệ nhân tạo tạo ra toàn bộ thông tin sai lệch, bao gồm cả ảnh và video, đang “hoành hành” trước hàng loạt cuộc bầu cử toàn cầu quan trọng trong năm nay.

Một số doanh nghiệp ủng hộ áp dụng AI cho biết đã tự điều chỉnh phương pháp để tránh thông tin sai lệch. Đầu tuần này, Google đưa thông báo sẽ hạn chế truy vấn liên quan đến bầu cử nếu được người dùng yêu cầu từ chatbot Gemini của hãng, đồng thời nhấn mạnh đã thực hiện một số thay đổi ở Hoa Kỳ và Ấn Độ.

VẪN CÒN NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

“Đạo luật AI đã thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo theo hướng con người kiểm soát công nghệ và công nghệ sẽ giúp chúng ta khám phá giới hạn mới, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và giải phóng tiềm năng của con người”, ông Tudorache nhận xét trên phương tiện truyền thông. 

“Đạo luật AI không phải là điểm kết thúc của cuộc hành trình mà là điểm khởi đầu cho một mô hình quản trị mới được xây dựng dựa trên công nghệ. Bây giờ chúng ta phải tập trung năng lượng chính trị vào việc biến đây từ luật lệ trong sách vở thành hiện thực áp dụng trong cuộc sống”, ông chia sẻ thêm. 

Chuyên gia pháp lý mô tả đạo luật là cột mốc quan trọng đối với quy định về trí tuệ nhân tạo quốc tế, có thể mở đường cho nhiều quốc gia khác đi theo.

Ông Steven Farmer, đối tác và chuyên gia AI tại công ty luật quốc tế Pillsbury, nhận định: “Một lần nữa, EU đã đi trước, phát triển bộ quy định rất toàn diện”. “Khối này đã sớm hành động trong nỗ lực quản lý dữ liệu, mang lại cho chúng tôi “kim chỉ nam” hướng tới quy mô toàn cầu”, vị chuyên gia đề cập đến Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU. “Đạo luật AI lại tiếp tục làm nên lịch sử”.

Chuyên gia chính sách công tại Pinsent Masons Mark Ferguson bảy tỏ việc thông qua đạo luật mới chỉ là bước khởi đầu và doanh nghiệp sẽ cần hợp tác chặt chẽ với nhà lập pháp để hiểu cặn kẽ phương thức triển khai thực hiện đạo luật.

Trong khi đó, bà Emma Wright, đối tác tại công ty luật Harbottle & Lewis, nêu lên lo ngại rằng đạo luật có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời khi công nghệ chuyển hóa nhanh và liên tục phát triển thần tốc.

Bà nhấn mạnh: “Xem xét tốc độ thay đổi của công nghệ - như chúng ta đã chứng kiến hàng loạt AI thế hệ mới đã ra mắt vào năm ngoái - vấn đề nan giải là Đạo luật AI của EU có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời, đặc biệt khi xem xét tới khung thời gian thực hiện”.