17:39 25/04/2024

Gần kỳ báo cáo thu nhập, nhiều Big Tech vẫn chật vật giải quyết khủng hoảng

Bảo Ngọc

Nhiều gã khổng lồ công nghệ chuẩn bị báo cáo thu nhập trong tuần này, đối mặt với hàng tá vấn đề rắc rối liên quan...

CEO Alphabet Sundar Pichai phát biểu trong Diễn đàn Kinh doanh, Chính phủ và Xã hội năm 2024 tổ chức tại Stanford, California vào ngày 3/4/2024.
CEO Alphabet Sundar Pichai phát biểu trong Diễn đàn Kinh doanh, Chính phủ và Xã hội năm 2024 tổ chức tại Stanford, California vào ngày 3/4/2024.

Google vừa trải qua đợt tái cơ cấu vấp phải nhiều phản đối từ nội bộ công ty, trong khi Tesla tiếp tục sa thải hàng loạt, giảm giá và thu hồi lượng lớn Cybertruck đã xuất xưởng. Mối quan hệ giữa OpenAI và Microsoft đối mặt với nhiều quy định giám sát mới và đợt ra mắt trợ lý AI của Meta vào tuần trước không diễn ra suôn sẻ, theo CNBC.

Tin tức đáng lo ngại xuất hiện cùng cơn sốt AI đang bùng nổ, khi các Big Tech chạy đua công nghệ mới, bổ sung vào danh mục sản phẩm nhiều tính năng đột phá nhằm đảm bảo không bị tụt lại phía sau trên thị trường dự đoán sẽ đạt doanh thu 1 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ.

Nhiều chuyên gia Phố Wall tỏ ra lo lắng, khiến chỉ số Nasdaq Composite của các cổ phiếu công nghệ (chỉ số đo lường thay đổi của hơn 3000 cổ phiếu công nghệ giao dịch trên sàn) giảm 5,5% vào tuần trước, mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Chỉ số của Nvidia, vốn nổi lên như nhà tiên phong trong thị trường AI, đã giảm 14%, dẫn đầu đà trượt dốc.

Ông King Lip, chiến lược gia trưởng tại BakerAvenue Wealth Management, chia sẻ với CNBC vào đầu tuần: “Tình trạng u ám còn kéo dài bao lâu thực sự phụ thuộc vào báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ vốn hóa lớn”.

Hầu hết Big Tech đều đang rót số tiền khổng lồ vào các công ty khởi nghiệp AI mới nổi và đầu tư mạnh vào bộ xử lý Nvidia nhằm xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo tân tiến nhất. Trong khi thị trường phát triển nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng các yếu tố ngoại cảnh có thể dẫn đến xu hướng giảm chi tiêu.

Trong công bố báo cáo thu nhập tuần này, các công ty dự kiến sẽ tiếp tục nêu bật nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, chiến lược phổ biến được áp dụng toàn ngành kể từ đầu năm ngoái.

Tesla tiến hành công bố thu nhập sau khi kết thúc giao dịch vào ngày 23/4, với cổ phiếu ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023. Báo cáo của Meta, Microsoft và Alphabet cũng giúp Phố Wall có cái nhìn cận cảnh về cách doanh nghiệp lớn lên kế hoạch ngân sách cho cơ sở hạ tầng AI.

Dưới đây là một số vấn đề nổi cộm mà Big Tech đang gặp phải trước kỳ báo cáo thu nhập mới nhất.

TESLA

Một chiếc Tesla Cybertruck đậu tại đại lý Tesla ở Austin, Texas (Hoa Kỳ).
Một chiếc Tesla Cybertruck đậu tại đại lý Tesla ở Austin, Texas (Hoa Kỳ).

Cổ phiếu Tesla đã giảm ngày thứ bảy liên tiếp, giảm 43% tính đến thời điểm hiện tại. Hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk dự kiến báo cáo doanh số sụt giảm khoảng 5%, đánh dấu lần giảm doanh thu so với cùng kỳ năm đầu tiên kể từ 2020, khi đại dịch Covid làm gián đoạn hoạt động.

Tuần trước, nhà sản xuất EV cho biết đã sa thải hơn 10% lực lượng lao động, cùng ngày các Giám đốc Điều hành Drew Baglino và Rohan Patel tuyên bố rời đi.

CEO Elon Musk viết trong bản thông báo về quyết định sa thải: “Khi chúng tôi chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét mọi khía cạnh để giảm chi phí và tăng năng suất”.

Trước đó, vào ngày 12/4, Tesla ban hành lệnh thu hồi tự nguyện hơn 3.800 chiếc Cybertruck nhằm khắc phục sự cố “kẹt bàn đạp” được lan truyền trong một số video trên nền tảng truyền thông xã hội TikTok.

Ông John Murphy, nhà phân tích tại Bank of America, nhận định: “Kể từ cuối năm 2023, tâm lý và niềm tin khách hàng đối với Tesla đã xấu đi”.

META

Meta có màn lội ngược dòng thành công trước nhà đầu tư bất chấp báo cáo thu nhập sụt giảm. Cổ phiếu công ty tăng 36% vào năm 2024 sau khi tăng gần gấp ba vào năm ngoái, khi CEO Mark Zuckerberg tuyên bố 2023 sẽ là “năm hoạt động hiệu quả” của Meta.

Nhưng công ty mẹ của Facebook vẫn phải đối mặt với vô vàn vấn đề học búa. Đầu tiên, bộ phận Reality Labs, chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển toàn bộ sản phẩm công nghệ thực tế ảo của hãng, dự kiến lỗ hơn 4 tỷ USD.

Khi nhắc đến AI, Meta đã ra mắt trợ lý trí tuệ nhân tạo – Meta AI – trên WhatsApp, Instagram, Facebook và Messenger vào tuần trước. Đây là sáng kiến ​​AI lớn nhất từ ​​trước đến nay của công ty, hứa hẹn cạnh tranh với ChatGPT từ OpenAI và Gemini từ Google.

Nhưng Meta AI nhanh chóng trở thành bước đi sai lầm. Trợ lý ảo được cho là đã tham gia một nhóm phụ huynh riêng tư trên Facebook, tuyên bố mình có người con “khuyết tật nhưng rất tài năng" và bình phẩm về nhiều chương trình giáo dục tại khu vực New York. Trong trường hợp khác, Meta AI còn tham gia diễn đàn Buy Nothing và cố gắng đưa ra chương trình tặng quà miễn phí cho nhiều mặt hàng không hề tồn tại.

Giờ đây, Meta phải chứng tỏ công ty sở hữu đủ nguồn lực sẵn sàng cho mùa bầu cử sôi nổi sắp diễn ra, khi Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chuẩn bị đối đầu lần thứ hai. Kể từ cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 2016, Facebook đã trở thành “diễn đàn” tồn tại nhiều vấn đề về diễn ngôn chính trị và thông tin sai lệch.

Dù vậy, theo LSEG, Meta dự kiến ​​​​sẽ báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 26% so với cùng kỳ năm trước, lên 36,16 tỷ USD, đánh dấu tốc độ mở rộng nhanh nhất kể từ năm 2021.

ALPHABET

Trong mùa báo cáo thu nhập công nghệ lần này, Alphabet dường như thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Tuần trước, Giám đốc Tài chính Ruth Porat đã công bố quyết định tái cơ cấu bộ phận tài chính của Google, bao gồm kế hoạch sa thải và luân chuyển địa điểm làm việc, khi công ty tập trung nhiều nguồn lực hơn vào AI.

Cùng ngày, Google đã sa thải 28 nhân viên, theo bản ghi nhớ nội bộ CNBC tìm hiểu, sau một loạt biểu tình phản đối điều kiện lao động cũng như hợp đồng của công ty cung cấp cho quân đội Israel các dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Cuối tuần trước, Giám đốc Điều hành Alphabet Sundar Pichai đã công bố hợp nhất các nhóm AI dưới sự bảo trợ của Google DeepMind. Ông nhấn mạnh trong bản ghi nhớ rằng “đây là doanh nghiệp” và nhân viên không nên “cố gắng sử dụng công ty như một nền tảng cá nhân hoặc đấu tranh về vấn đề gây rối, tranh luận chính trị”.

CEO Pichai đã nỗ lực không ngừng nhằm xoa dịu sự bất mãn của nhân viên về một loạt vấn đề xuất hiện sau đại dịch, dẫn đến tình trạng tốc độ tăng trưởng chậm hơn và các nhà đầu tư ngày càng e ngại về chi phí.

Cổ phiếu Alphabet tăng 12% trong năm nay.

MICROSOFT

CEO Microsoft và CEO OpenAI đứng trên cùng một sân khấu tại OpenAI DevDay tổ chức vào tháng 11/2023. 
CEO Microsoft và CEO OpenAI đứng trên cùng một sân khấu tại OpenAI DevDay tổ chức vào tháng 11/2023. 

Nhắc tới Microsoft, công ty dường như đã tránh được cuộc điều tra chống độc quyền từ Liên minh Châu Âu về mối quan hệ của hãng với OpenAI, sau khi các nhà quản lý EU nghi ngờ khả năng này vào đầu năm 2024.

Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào OpenAI, chatbot ChatGPT của startup này chính là khởi đầu cho thị trường bùng nổ trí tuệ nhân tạo tổng quát từ cuối năm 2022. AI trở thành trọng tâm chính trong báo cáo thu nhập của Microsoft kể từ đó, khi công ty đóng vai trò là đối tác công nghệ quan trọng của OpenAI thông qua cơ sở hạ tầng đám mây Azure.

Microsoft cũng đầu tư hàng tỷ USD vào công ty khởi nghiệp AI Anthropic và mua cổ phần tại Mistral, Fig và Humane.

Vị thế vững chắc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là động lực lớn nhất giúp công ty gia tăng vốn hóa thị trường lên 3 nghìn tỷ USD, vượt qua Apple trở thành doanh nghiệp giá trị nhất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cổ phiếu Microsoft ghi nhận chỉ tăng 6,8% trong năm nay, tụt lại phía sau so với nhiều đối thủ cùng ngành. 

Theo LSEG, Microsoft dự kiến báo cáo mức tăng trưởng doanh số 15% trong quý đầu tiên, nhưng nhiều nhà phân tích nhìn thấy dấu hiệu chậm lại trong ba giai đoạn tiếp theo.