01:14 25/01/2007

Đấu giá bất thường tại VACO?

Đăng Long - Hoàng Xuân

Một số nhà đầu tư phản ánh với VnEconomy về “một phiên đấu giá bất thường” tại Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO)

Trụ sở Công ty Kiểm toán Việt Nam.
Trụ sở Công ty Kiểm toán Việt Nam.

Một số nhà đầu tư phản ánh với VnEconomy về “một phiên đấu giá bất thường” tại Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO).

Chiều 25/1, VACO sẽ tiến hành bán đấu giá công khai toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, để chuyển từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH có 2 thành viên trở lên.

Sau khi chuyển đổi, vốn điều lệ của VACO sẽ là 9.077.000.000 đồng. Giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi ngày 1/10/2005 là 27.298.781.427 đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 15.249.115.975 đồng. Giá trị một đơn vị vốn góp là 152.491.160 đồng/đơn vị. Tổng số đơn vị vốn góp là 100 đơn vị. Số lượng đơn vị vốn góp được chào bán là 90 đơn vị. Giá khởi điểm chào bán là 167.740.000 đồng/đơn vị.

VACO sẽ bán ra ngoài doanh nghiệp tối đa 20% vốn nhà nước cho các cá nhân có những điều kiện sau: phải là người Việt Nam trong độ tuổi lao động, có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật dân sự; có cam kết làm việc tại VACO sau khi trở thành thành viên; có cam kêt không chuyển nhượng vốn góp ra ngoài công ty nếu không được Hội đồng thành viên chấp thuận.

Ngoài ra, VACO còn đưa ra một số điều kiện khác như sau: Đối với các nhà đầu tư bên trong công ty thì phải có tên trong danh sách người lao động thường xuyên của công ty tại ngày 31/03/2006, có chứng chỉ kiểm toán viên (CPA), chứng chỉ hành nghề khác liên quan theo quy định của pháp luật, đăng ký hành nghề tại công ty, các trưởng phó phòng nghiệp vụ tại thời điểm 30/9/2006 và còn tiếp tục hợp đồng lao động với công ty tới ngày niêm yết thông tin đấu giá.

Đối với nhà đầu tư ngoài công ty phải có chứng chỉ CPA ít nhất 5 năm và tuân thủ theo quy định về sắp xếp, phân loại cấp bậc nhân viên của VACO sau khi là thành viên.

Những điều kiện và thông tin nói trên được VACO đăng thông báo trên báo chí và đã gây hiểu nhầm đối với nhiều nhà đầu tư. Trong tuần qua, VnEconomy nhận được khá nhiều điện thoại và email thắc mắc về cuộc đấu giá này; cá biệt có trường hợp đưa ra yêu cầu “cần ngăn chặn ngay một cuộc đấu giá bất thường”.

Trước những thắc mắc này, VnEconomy đã trao đổi với Luật gia Cao Bá Khoát, một người đã gắn bó với Luật Doanh nghiệp và quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trong những năm qua, để thông tin rõ hơn tới bạn đọc.

Luật gia Khoát cho rằng: “Trước hết, phải xem lại rằng đây không phải là cuộc đấu giá cổ phần ra bên ngoài, mà là đấu giá phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp; không phải bán đấu giá cổ phần để chuyển thành công ty cổ phần, mà là chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên”.

Đó cũng là sự nhầm lẫn của khá nhiều nhà đầu tư (nhầm lẫn về mô hình công ty cũng như mặt hàng đấu giá) khi phản ánh với VnEconomy. Sự nhầm lẫn này dễ xẩy ra khi thị trường chứng khoán đang thu hút đông đảo các nhà đầu tư cũng như đã có nhiều cuộc đấu giá cổ phần rất sôi động.

Tuy nhiên, theo ông Khoát, sự nhầm lần trên ít nhiều xuất phát từ thông tin thông báo của VACO về cuộc đấu giá này. “Vấn đề đặt ra ở đây là thông báo trên báo chí của VACO là không đúng với Luật Doanh nghiệp. Vì anh không thể bán phần vốn đó ra công chúng một cách công khai, thoải mái được”, ông Khoát nói.

Ông Khoát lý giải rằng mô hình công ty TNHH hai thành viên “là một dạng công ty kiểu bạn bè, gia đình liên kết với nhau chứ không phải bất cứ ai vào cũng được. Đây hiện là một công ty nhà nước chuyển sang mô hình TNHH hai thành viên trở lên. Nếu chuyển sang mô hình công ty cổ phần thì mới thông báo công khai”.

Dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp, ông Khoát khẳng định việc tham gia vốn góp trong mô hình TNHH hai thành viên đó tối đa chỉ là 50 người. Đây là công ty có quan hệ nhân thân, ngoài quan hệ đối vốn từ vốn góp còn là quan hệ đối nhân. “Vì thế có thể gọi là đấu giá nội bộ thì đúng hơn. Nếu gọi đấu giá công khai thì phải có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư”.

Ngoài ra, một điểm mà ông Khoát cho rằng VACO cần xem xét lại là một số căn cứ được đưa ra trong Bản cáo bạch là không hợp lý. “VACO căn cứ vào Nghị định 187, đây là nghị định đối với mô hình công ty cổ phần chứ đâu phải với công ty TNHH hai thành viên trở lên. Mặt khác, trong các căn cứ cũng không thấy đề cập đến Luật Doanh nghiệp, một bộ luật bao trùm lên những hoạt động này; các công ty TNHH một hay hai thành viên đều phải theo luật này hết”, ông Khoát đưa ra dẫn chứng.

Về các điều kiện tham gia đấu giá mà VACO đưa ra, một số nhà đầu tư rất bất bình khi phản ánh với VnEconomy; họ cho rằng đó là những điều kiện rất hạn chế. Nhưng, Luật gia Khoát cho biết những điều kiện trên hiện nay pháp luật không cấm. Mặt khác, đó là những điều kiện phù hợp với mô hình, đặc thù hoạt động và mục đích chọn lựa của công ty này.