Để nông sản Việt trụ vững tại thị trường châu Âu
Để xuất khẩu một cách bền vững, bám rễ sâu tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn nữa
Các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, có khả năng cung ứng cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối hiện đại. Song trong bối cảnh nhiều xu hướng mới trên thị trường xuất hiện, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt và thích nghi.
Sau 4 năm tham gia chương trình hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường châu Âu do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Cơ quan Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI Hà Lan) tổ chức, đánh giá của ông Koos van Eyk, Giám đốc quốc gia Chương trình CBI tại Việt Nam cho rằng, văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Doanh nghiệp Việt không còn thấy "xấu hổ"
Tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang châu Âu" ngày 8/4, ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp của CBI Hà Lan chia sẻ, Việt Nam rất có tiềm năng về sản phẩm nông sản, thực phẩm, nhưng để hiện diện ở thị trường châu Âu không hề đơn giản. Điều này xuất phát từ cách làm thị trường, cách marketing sản phẩm của doanh nghiệp.
Vị đại diện này cho biết, những ngày đầu bắt đầu chương trình, có doanh nghiệp điều của Việt Nam đi hội chợ nước ngoài mang theo sản phẩm điều thô trưng bày tại hội chợ. Hạt điều chất thành đống và có thông điệp "chúng tôi bán hạt điều". Khi đó, doanh nghiệp này chưa hiểu người tiêu dùng họ quan tâm tới hạt điều như thế nào...
Đại diện Công ty NaFoods cũng chia sẻ, cách đây 4-5 năm công ty cũng sản xuất, bán hàng theo bản năng mà không có kế hoạch cụ thể. Tham gia hội chợ thì thiết kế gian hàng thô sơ, catologue thì rất buồn cười nếu giờ xem lại, gian hàng rời rạc... nên xấu hổ khi nhìn sang những gian hàng của Thái Lan, Malaysia...
Khi đó đi hội chợ nhưng không hiểu khách hàng đang muốn gì, họ cần gì? Chẳng hạn khi tham gia triển lãm ở Nhật Bản, khách hàng hỏi kỹ về kỹ thuật, công nghệ cho sản phẩm nhưng nhân viên gian hàng không hiểu biết để trả lời, họ chỉ biết đi hội chợ là để bán hàng nên chỉ biết giá!...
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu mật ong cho biết, mọi hiểu biết làm thế nào để đưa mật ong của mình ra thị trường nước ngoài thì dường như không có. Doanh nghiệp dự hội nghị nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ tới tổ chức gian hàng riêng cho ngành ong Việt Nam. Đi hội chợ chỉ xách vali, khi có gian hàng thì đơn giản, ai đến thì đến... "Thật tủi thân khi nhìn gian hàng các nước bạn", vị đại diện này nói.
Tuy nhiên, sau 4 năm hợp tác, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đã có 8 doanh nghiệp tăng gần 2 lần doanh thu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với tổng mức tăng gần 30 triệu Euro trong vòng 4 năm, số lượng việc làm mới tạo ra tăng 20%. Nhiều doanh nghiệp đã có chứng nhận quốc tế, thâm nhập vào thị trường EU với sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, nhận diện thương hiệu thực phẩm Việt Nam cũng đã được tăng cường trên thị trường quốc tế, chất lượng và tính bền vững trong hoạt động xuất khẩu cũng đã được đẩy mạnh.
Thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người tiêu dùng châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hoá và đổi mới của ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Cần tin và yêu sản phẩm của chính mình
Trong bối cảnh hiện nay, để xuất khẩu một cách bền vững, bám rễ sâu tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn nữa. Đó là xu hướng tiêu dùng của thị trường EU. Theo ông Reindert Dekker, xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng phổ biến tại EU. Tự nhiên – hữu cơ xích lại gần nhau hơn. Yêu cầu về tồn dư hoá học ngày càng nghiêm ngặt.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu của người mua hàng và nước mà mình xuất khẩu hàng sang. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng có kiến thức cao hơn, nên nhu cầu đòi hỏi cao hơn, sản phẩm không chỉ ngon, sạch mà còn tốt cho cơ thể, môi trường, vấn đề trách nhiệm xã hội của sản phẩm – tức là sản phẩm phải toàn diện.
Doanh nghiệp cần quan tâm tới thương hiệu sản phẩm, hình thức trình bày sản phẩm. Thực phẩm không còn là sản phẩm thô mà người tiêu dùng còn quan tâm tới giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, sản phẩm phải có cảm xúc và có hình ảnh mang lại sự trải nghiệm mới cho khách hàng. "Nhu cầu mới này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự hào, tin và yêu sản phẩm của mình", ông Reindert Dekker nói.
Bên cạnh đó, tác động của công nghệ 4.0 cũng tác động vào nhu cầu của khách hàng. Sự thâm nhập của công nghệ vào ngành hàng thực phẩm. Đối với các công ty Việt Nam trong tương lai, đối tác không còn là gặp ở hội chợ mà có thể là nhân viên của Google hay nhân viên Amazon.
"Kinh doanh thực phẩm là ngành truyền thống song đòi hỏi sự cải tiến, thay đổi liên tục trong sản phẩm cũng như cách thức kinh doanh, buôn bán. Để thích nghi được sự thay đổi này, các doanh nghiệp cần biết xu hướng thay đổi của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng... Nếu không doanh nghiệp sẽ khó thích nghi với sự thay đổi và khó trụ vững trên thị trường", ông Reindert Dekker nhấn mạnh.