Kỳ vọng dè dặt trước giờ Mỹ-Trung đàm phán thương mại
Chính Tổng thống Donald Trump cũng đã nói rằng ông không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại căng thẳng giữa hai nước vào ngày thứ Tư tại Washington. Chính Tổng thống Donald Trump cũng đã nói rằng ông không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này.
Theo hãng tin Reuters, đây là vòng đàm phán giữa các quan chức cấp thấp hơn, nhằm mở đường cho việc tiếp tục đàm phán ở cấp cao hơn. Vòng đàm phán này bắt đầu ngay trước khi Bắc Kinh và Washington dự kiến triển khai kế hoạch mới về áp thuế quan lên hàng hóa của nhau vào ngày thứ Năm.
Tuy nhiên, điểm tích cực nằm ở chỗ đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi cuộc đàm phán chính thức về thương mại Mỹ-Trung bị gián đoạn vào tháng 6, sau khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington.
Sau vòng đàm phán hồi tháng 5, Bắc Kinh tưởng như đã nhận được sự đảm bảo của Mỹ về rút lại các kế hoạch áp thuế quan. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, Nhà Trắng tuyên bố vẫn sẽ triển khai kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc.
Trước vòng đàm phán lần này ở Washington, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ đạt "kết quả tốt trên cơ sở bình đẳng, công bằng và tin tưởng lẫn nhau".Phát biểu ngày 22/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói: "Chúng tôi hy vọng các bên có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau và thảo luận thẳng thắn nhằm đạt kết quả có lợi cho cả đôi bên".
Tuy nhiên, vào hôm thứ Hai tuần này, ông Trump nói với hãng tin Reuters rằng ông "không kỳ vọng nhiều" vào vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới. Ông nói việc giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ "mất thời gian vì Trung Quốc đã hưởng quá nhiều lợi ích trong thời gian quá dài, và họ đã bị ‘hư’ mất rồi".
Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ để giảm tác động của hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với hàng Trung Quốc. Ông kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hỗ trợ cho ông trong cuộc chiến thương mại và trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Giới phân tích cũng tỏ ra dè dặt khi nói về triển vọng cuộc đàm phán chuẩn bị diễn ra.
Ông Scott Kennedy, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng vòng đàm phán này chỉ có tính thăm dò. "Kỳ vọng của cả hai bên có lẽ đều ở mức thấp", ông Kennedy nói.
Các vòng đàm phán trước đều do các bộ trưởng cấp nội các chủ trì, gồm Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Ross. Tuy nhiên, cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen.
"Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ sẽ không được trao thẩm quyền đưa ra đề xuất lớn… Tôi cho rằng khả năng họ lãng phí thời gian là 80-90%", học giả về Trung Quốc Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa kỳ (AEI) nhận xét. Theo ông Scissors, sẽ đến lúc Tổng thống Trump phải trực tiếp đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết vấn đề.
Theo kế hoạch, bắt đầu vào ngày thứ Năm theo giờ Mỹ, Washington sẽ chính thức áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên 16 tỷ USD hàng Mỹ. Hiện hai bên đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Mỹ đang có kế hoạch đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc đã lên danh sách 60 tỷ USD hàng Mỹ để áp thuế trả đũa. Ông Trump thậm chí từng tuyên bố sẽ đánh thuế 500 tỷ USD hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chịu thay đổi các chính sách công nghiệp và bảo vệ tài sản trí tuệ theo yêu cầu của Mỹ.