09:00 09/07/2019

Lóa mắt vì giá trị đất quá cao

LÊ MÂY

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang phải "chết chìm" khi muốn hốt bạc nhân cơ hội béo bở

Vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang phải "chết chìm".
Vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang phải "chết chìm".

Lợi nhuận từ bất động sản quá lớn là nguyên nhân khiến cho không ít người lao vào các cuộc thoả thuận, mua bán không tuân thủ quy định của pháp luật và kể cả bất chấp hệ lụy khôn lường.

Dù là doanh nghiệp hay nhà đầu tư cá nhân, họ đều chứng tỏ độ mạo hiểm, liều lĩnh khủng khiếp như thế nào khi bước vào thị trường bất động sản. Đối với các doanh nghiệp, hàng loạt vụ việc sai phạm với các dự án quy mô lớn đã được cơ quan chức năng phanh phui và công bố trong thời gian gần đây. 

Ví như vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang phải "chết chìm" khi muốn hốt bạc nhân cơ hội béo bở.

Một phút tính sai, thương hiệu tan vỡ

Theo thông tin tìm hiểu, ngoài các dự án dọc đường Mai Chí Thọ (quận 2) đã triển khai xây dựng, Novaland hiện vẫn còn bị một dự án được đánh giá có vị trí rất đẹp có diện tích chạy dài ven sông lớn chưa thể triển khai.

Trong kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ sai phạm lạm dụng quyền hạn của một loạt các cán bộ có thẩm quyền ở Tp.HCM. Với sự tiếp tay của họ, một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi.

Hàng loạt các dự án lần lượt được nên tên như dự án Khu phức hợp Tháp quan sát và Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát được UBND Tp.HCM chỉ định đầu tư nhưng không qua đấu giá. 

Hàng loạt dự án của Công ty Cổ phần Đại Quang Minh làm chủ đầu tư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng bị Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm. 

Tiếp đó, sau vụ việc ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hàng loạt thương vụ hợp tác khai thác các khu đất của Nhà nước sai quy định. 

Cũng từ vụ việc của Sagri, các cơ quan báo giới chú ý tới các thương vụ hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Trung Thủy cùng Sagri để doanh nghiệp này có được các vị trí đất vàng. Điều này đã lý giải cho rất nhiều câu hỏi đặt ra ở thời gian qua là nhờ đâu Trung Thuỷ lại có thể có được những vị trí quá đẹp để phát triển các dự án. 

Thành lập vào năm 1994, Trung Thuỷ kinh doanh buổi đầu là cửa hàng mỹ nghệ cao cấp tại quận 1. Sau đó, doanh nghiệp này xây dựng nên thương hiệu Miss Aodai đã nhận được đánh giá cao và yêu thích của du khách quốc tế.

Không riêng gì Sagri, nhiều doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trong thời gian qua cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, điểm chú ý là các vụ việc đều liên quan tới dự án bất động sản.

Mất tiền khi liều mua nhà đất không pháp lý

Lòng tham thì không giới hạn, cho nên tuỳ theo túi tiền mỗi người mà họ sẽ tính cách trục lợi khác nhau. 

Với giá nhà đất tăng phi mã, không ít người đã ôm tiền, thậm chí cầm cố nhà cửa để lao vào đầu tư lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng khi mua đất nền tại các quận, huyện. Đây là thông tin mà UBND các phường ở các quận như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, quận 9, quận 7, huyện Hóc Môn đã phát đi các thông báo cảnh báo người dân về tình trạng rao bán các dự án "ma" trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình hình mua bán đất nền vẫn khó kiểm soát bởi phụ thuộc vào tâm lý người dân và giới cò nhà đất vẫn hoạt động rầm rộ. Hầu hết các dự án này là do các công ty tự gom đất mua lại của người dân với diện tích nhỏ rồi phân lô và rao bán nền. tại các quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Quận 9, Thủ Đức. 

Tại các trục đường lớn, mỗi ngày có hàng ngàn tờ rơi rao bán đất được đội ngũ phát tờ rơi chuyển đến tay người đi đường. Dọc các tuyến đường các quận huyện vùng ven, thông tin rao bán đất dễ dàng được tìm thấy qua các tờ rao dán ở mọi vị trí từ cột điện, vách nhà dân, thân cây. 

Giá rao bán vô cùng hấp dẫn, như đất nằm gần chợ, gần trường học với mức giá rất mềm chỉ từ 400-500 triệu đồng/nền. 

Theo các chuyên gia về bất động sản, nguyên nhân của tình trạng dự án "ma" là vì người dân có nhu cầu mua đất làm nhà. Yếu tố tâm lý muốn được sở hữu nhà đất của người dân vẫn chiếm ưu thế. Thêm vào đó, không ít nhà đầu tư, ham rẻ, chấp nhận mua đất chưa có pháp lý và tin vào lời của các cò đất là sau này sẽ hợp thức hóa được.

Để loại trừ tình trạng rao bán nhà đất kiểu dự án "ma", cơ quan chức năng cần công khai thông tin rộng rãi về định hướng phát triển, quy hoạch cho người dân nắm. Những nhà đầu tư "thiêu thân" lao vào giao dịch các loại nhà đất không rõ ràng pháp lý đều có tâm lý đón lõng quy hoạch trong tương lai. 

Bản thân người dân cũng cần tỉnh táo trước cám dỗ tăng giá không có căn cứ xác thực. Dù cơ quan chức năng luôn kêu gọi người dân trước khi giao dịch nhà đất cần đến cơ quan quản lý ở địa phương để kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất. Song, đối với những người có nhu cầu ở thực thì mới cần cẩn thận, còn lại giới lướt sóng kiếm lợi nhuận thường bỏ qua các lời khuyên đó.