16:02 22/12/2023

Meta rót hàng tỷ USD mỗi quý vào metaverse nhưng thị trường VR tiếp tục ảm đạm

Sơn Trần

Hàng tỷ USD mỗi quý là số tiền được chi ra để thực hiện tham vọng của CEO Mark Zuckerberg về thế giới ảo tương lai. Bất chấp nhiều lời hứa hẹn và dự định to lớn, thị trường thực tế ảo đang tiếp tục lao dốc….

Người tham gia trải nghiệm tai nghe VR Oculus Quest 2 trong sự kiện Đại hội Thế giới Di động tại Barcelona (​​​​Tây Ban Nha) đầu năm nay.
Người tham gia trải nghiệm tai nghe VR Oculus Quest 2 trong sự kiện Đại hội Thế giới Di động tại Barcelona (​​​​Tây Ban Nha) đầu năm nay.

Theo CNBC, tính đến cuối tháng 2/2023, doanh số bán tai nghe thực tế ảo (VR) và kính thực tế tăng cường (AR) ở Hoa Kỳ giảm mạnh gần 40%, xuống còn 664 triệu USD. Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với năm ngoái, khi doanh thu mảng thiết bị AR và VR chỉ giảm khoảng 2% xuống còn 1,1 tỷ USD.

Hai năm suy giảm kéo dài nhấn mạnh thách thức của Meta trong việc đưa công nghệ nhập vai trở thành xu hướng chủ đạo. CEO Zuckerberg từng phát biểu khi thông báo chuyển đổi bộ nhận diện thương hiệu Facebook sang Meta vào cuối năm 2021 rằng công ty có thể mất tới 10 năm để chạm mốc 1 tỷ người dùng metaverse.

Cho đến nay, dự án vẫn chưa có thành công đột phá nào hoặc bất kỳ đối thủ cạnh tranh lớn gia nhập để xác nhận tầm nhìn của vị tỷ phú trẻ. Đơn vị Reality Labs thuộc Meta, bộ phận phụ trách phát triển công nghệ VR và AR, đã chi 3,7 tỷ USD trong quý 3 và thu về vỏn vẹn 210 triệu USD. Tổng cộng, bộ phận ghi nhận lỗ 25 tỷ USD kể từ đầu năm 2022, ngay sau quyết định đổi tên.

Giám đốc Công nghệ Andrew Bosworth, nhà điều hành Reality Labs, gọi trí tuệ nhân tạo và metaverse là "hai ván cược dài hạn của Meta vào công nghệ tương lai" và cho biết hai công nghệ này đang bắt đầu "giao thoa dưới dạng sản phẩm có thể tiếp cận với số lượng lớn người dùng".

"Đặt cược dài hạn vào công nghệ mới nổi không phải mục tiêu dễ dàng", Giám đốc Bosworth viết. "Không có gì đảm bảo quá trình sẽ hoạt động suôn sẻ và chắc chắn kinh phí đầu tư không hề rẻ. Nhưng đó cũng là một trong những điều giá trị nhất mà một công ty công nghệ có thể làm và là con đường duy nhất để duy trì sự phát triển lâu dài".

THỊ TRƯỜNG VR-AR NĂM 2023

Chuyên gia công nghệ Ben Arnold đến từ Circana cho biết Meta hiện đang dẫn đầu ngành VR với doanh số bán hàng dòng sản phẩm tai nghe Quest chiếm phần lớn thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Sony cũng phát hành tai nghe PlayStation VR2 vào đầu năm nay nhưng không chiếm được nhiều thị phần do phụ thuộc vào thiết bị PlayStation 5.

Chuyên gia Arnold cho rằng 2023 là năm khó khăn của thị trường là do thiếu tai nghe VR hoạt động độc lập có thể kích thích người dùng và tiếp tục thiếu những ứng dụng đột phá sở hữu sức hấp dẫn lan tỏa.

Meta ra mắt tai nghe mới Quest 3 vào tháng 10/2023, với mức giá khởi điểm 499 USD, cao hơn 200 USD so với giá ban đầu của mẫu Quest 2 tiền nhiệm công bố năm 2020. Từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2023, doanh số bán tai nghe VR ở Hoa Kỳ là 271 triệu USD, tăng 42% so với 191 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Circana cho thấy.

Ông Arnold nhận định thiết kế và sức hấp dẫn của tai nghe VR đã cải thiện đáng kể trong những năm qua và "các sản phẩm đang phát triển theo thời gian".

"Nếu phải chỉ ra một thách thức, đó là làm thế nào để có được bộ phần cứng hoàn hảo, cho phép nhà phát triển đặt nhiều tài nguyên hơn vào việc xây dựng trò chơi hoặc một số trải nghiệm độc đáo", chuyên gia Arnold nói. "Chúng ta cần cân nhắc trên khía cạnh kinh tế, về việc có bao nhiêu người đang bị thu hút bởi công nghệ này hoặc thiết bị này, và nếu tôi là nhà phát triển, điều đó có đáng để tôi ưu tiên thời gian hay không".

Meta hy vọng Quest 3 sẽ truyền cảm hứng cho các nhà phát triển tạo ra ứng dụng và trò chơi hấp dẫn, cho phép trải nghiệm thực tế tăng cường kết hợp đồ họa kỹ thuật số và trải nghiệm trong thế giới thực. 

CTO Bosworth viết trên blog: "Trong vòng vài tháng kể từ khi Meta Quest 3 ra mắt, 7 trong số 20 ứng dụng đứng đầu các bảng xếp hạng là ứng dụng về thực tế hỗn hợp". Ông nói thêm rằng Meta đang "nhìn thấy tín hiệu mạnh mẽ rằng mọi người thực sự coi trọng những trải nghiệm hay ho này".

Vị Giám đốc cho biết thêm Meta đang thử nghiệm công nghệ AI trong sản phẩm kính thông minh Ray-Ban mới nhất, giúp người dùng dịch ngoại ngữ "hoặc đưa ra chú thích hài hước cho bức ảnh vừa chụp được".

"Kính thông minh Ray-Ban Meta lần đầu tiên cho phép AI nhìn thế giới từ ‘con mắt’ của con người", ông viết.

Kính Ray-Ban phiên bản thứ hai được phát hành vào tháng 10 vừa qua với giá khởi điểm 299 USD. Meta đặt hy vọng thiết bị này sẽ cung cấp một con đường khác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn metaverse của CEO Zuckerberg, điều mà cho đến nay vẫn chỉ gắn liền với thương hiệu tai nghe Quest.

BẤT NGỜ LỚN MANG TÊN APPLE

Bước sang năm 2024, cái tên gây bất ngờ nhất trong thị trường VR chính là Apple.

Vào tháng 3, Apple đã “nhá hàng” tai nghe thực tế hỗn hợp Vision Pro, dự kiến tung ra thị trường trong năm 2024 với mức giá khởi điểm 3.499 USD.

Bất chấp mức giá “trên trời”, hội những người đam mê VR vẫn rất hào hứng với tai nghe thông minh đầu tiên từ Apple, xem xét tới thành công vang dội của công ty ở mảng thiết bị tiêu dùng và lạc quan về tiềm năng tích hợp của Vision Pro với nhiều sản phẩm như iPhone và iPad.

Sự ra mắt của Vision Pro có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường VR và AR non trẻ vào năm 2024, theo nghiên cứu từ IDC. Trong thông cáo báo chí vào tháng 9/2023 về thực trạng thị trường, ông Ramon Llamas, Giám đốc Nghiên cứu thuộc IDC, cho biết: "Sự gia nhập của Apple vào năm tới đảm bảo mức độ thu hút cần thiết cho thị trường ngách, nhưng cũng buộc những ông lớn khác phải cạnh tranh khốc liệt và liên tục đổi mới".

Meta rót hàng tỷ USD mỗi quý vào metaverse nhưng thị trường VR tiếp tục ảm đạm - Ảnh 1

Ông Andrew Boone, nhà phân tích tại JMP Securities, cho biết ông ấn tượng với bản demo Vision Pro từ Apple đến nỗi bắt đầu lo lắng về tương lai của Meta trên thị trường.

"Tôi nghĩ quan điểm của mình đã thay đổi", ông nói. "Tôi nghĩ rằng giá thành sản phẩm đang quá cao để thực sự tiếp cận đại chúng, và có lẽ CEO Zuckerberg theo đuổi định hướng khác. Rõ ràng, Quest tập trung vào trải nghiệm trò chơi hơn".

Nhà phân tích nhấn mạnh nhìn thấy "đủ sự khác biệt" giữa Quest và Vision Pro để hai thiết bị có thể phục vụ cho bộ phận khách hàng khác nhau.

Ông Rolf Illenberger, Giám đốc Điều hành công ty khởi nghiệp VRdirect đến từ Đức, cho biết thị trường đang rất háo hức ngóng chờ Vision Pro "bởi vì đó là Apple", nhưng nhận thức thương hiệu dường như đang thiên về thiết bị "phong cách sống". Bản demo của Apple nhấn mạnh ứng dụng thích hợp với giải trí hơn như khả năng xem phim trên màn hình ảo khổng lồ. Apple mô tả Vision Pro như một "máy tính không gian" pha trộn thế giới vật lý với nội dung kỹ thuật số và hình ảnh.

"Sản phẩm cao cấp khiến mọi người suy nghĩ về trải nghiệm siêu cao cấp sẽ như thế nào và các trường hợp sử dụng phát sinh từ đó là gì", chuyên gia Arnold đến từ Circana bày tỏ.

THU HÚT KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP

CEO Illenberger dự đoán tiềm năng của Quest 3 trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lực lượng lao động, giới thiệu sản phẩm và tiếp thị. Ông lưu ý thiết bị này, rẻ hơn 500 USD so với dòng Quest Pro phát hành vào năm 2022, định vị như một thiết bị tập trung vào hiệu quả kinh doanh nhưng vẫn sở hữu nhiều tính năng tương tự.

Thu hút người dùng cũng là bài toán cần giải quyết. Ngoài "bộ phận người dùng chấp nhận cải tiến và giới game thủ mong muốn trải nghiệm tốt hơn", ông Illenberger nói thêm, "không có đủ lý lẽ thuyết phục để khách hàng truyền thống chi 500 USD cho VR".

Trong thị trường VR doanh nghiệp, Meta và HTC đến từ Đài Loan là hai nhà cung cấp thiết bị hàng đầu. Tai nghe mang thương hiệu Pico từ công ty mẹ TikTok, ByteDance, "đang ngày càng mất nhiều chỗ đứng". ByteDance được cho là đã hủy bỏ kế hoạch phát triển phiên bản tiếp theo của tai nghe Pico, thay vào đó chuyển toàn bộ tài nguyên sang sản xuất thiết bị tương tự như Vision Pro của Apple.

ByteDance đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Khi nói đến công cuộc bán hàng cho doanh nghiệp, Giám đốc Illenberger nhấn mạnh Meta bắt đầu hưởng lợi từ sự kiện đổi tên công ty vào cuối năm 2021. Ông nói rằng quyết định chuyển đổi nhận diện thương hiệu của tỷ phú Zuckerberg đã tác động "tâm lý" một số công ty, làm cho khách hàng doanh nghiệp cảm thấy thoải mái hơn khi mua thiết bị mà không bị phân tâm vì thương hiệu Facebook và nhiều vụ bê bối bảo mật dữ liệu liên quan.

"Đổi thương hiệu công ty thành Meta là một bước đi thiên tài", ông Illenberger nhận định. "Mọi người đang dần quên rằng Meta thực tế chính là Facebook".