Phó thủ tướng: Phải chấm dứt hiện tượng có phong bì mới xong việc
Chính phủ yêu cầu kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng
"Tôi yêu cầu phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm. Chính phủ sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật, đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm".
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, tại hội nghị triển khai công tác của 2 ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), ngày 29/1.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh đến những kết quả đạt được trong năm 2017 của cả hai Ban chỉ đạo, trong đó đáng chú ý là làm giảm 3,02% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2016. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 80,41%, tăng 2,47%. Đã điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ trọng án giết người, cướp tài sản, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 23.000 tỷ, khởi tố 1.637 vụ; 2.118 đối tượng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó nổi lên là tính hình thức trong việc thực hiện nhiệm vụ; công tác nắm và dự báo tình hình trong còn bị động, còn để xảy ra những điểm nóng; các lực lượng, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
"Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao như đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia lên đến hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như Công an tỉnh Phú Thọ đã phá vụ án đánh bạc qua mạng thu được trên 1.000 tỷ đồng; tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... vẫn diễn ra phức tạp; có nơi, có lúc tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên "lộng hành", gây bức xúc trong dư luận; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế", Phó thủ tướng Thường trực nói.
Theo Phó thủ tướng, để xảy ra những tồn tại trên là do trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chỉ "bảo kê" cho các hành vi vi phạm pháp luật.
"Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn bất cập, chưa hiệu quả. Sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Cơ chế này sẽ được đẩy mạnh, giám sát bí mật chứ không chỉ đến nghe báo cáo mà thôi. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tăng cường đi kiểm tra để nắm bắt sát sao hoạt động của ngành mình", Phó thủ tướng khẳng định.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh 8 nội dung lớn cần quyết tâm thực hiện. Trong đó có việc yêu cầu các cơ quan chức năng trừng trị nghiêm minh các chủ đầu nậu, đường dây lớn trong công tác chống buôn lậu.
"Kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" trong công tác này. Đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dụng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm", Phó thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và các bộ xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu "xã hội đen", tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…
Cùng với đó phải quyết tâm thực hiện chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Chấm dứt hiện tượng "cứ đòi phong bì thì mới giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp"; kiên quyết không để tình trạng một số cán bộ có vi phạm thì các cơ quan bắt tay với nhau để "cho qua".