18:40 03/05/2024

Xử lý môi trường tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây

Hằng Anh

Gần 200 tấn xác cá chết trên hồ Sông Mây, gây ảnh hưởng tới môi trường khu vực dân cư xung quanh đến nay đã được đơn vị nuôi trồng thủy sản huy động lực lượng hoàn thành thu vớt, xử lý. Nguyên nhân ban đầu xác định tình trạng cá chết hàng loạt vì khô hạn, lượng nước trong hồ xuống thấp, đáy hồ khô cạn, trong khi đó mật độ cá nuôi trong hồ dày đặc nên thiếu oxy…

Đội nuôi trồng thủy sản trên hồ đã huy động lực lượng thu gom toàn bộ cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây
Đội nuôi trồng thủy sản trên hồ đã huy động lực lượng thu gom toàn bộ cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây

Trước đó, cá ở hồ Sông Mây ghi nhận bắt đầu chết từ khoảng ngày 22/4 và chết hàng loạt từ ngày 28/4. Tình trạng cá chết nổi trắng xóa một vùng rộng lớn mặt hồ, bốc mùi hôi thối tỏa ra một khu vực rộng lớn, vào khu dân cư quanh hồ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cá chết chủ yếu là các loại cá tra, cá mè, cá rô phi và một số loại cá da trơn khác…

NGUYÊN NHÂN KHIẾN CẢ TRĂM TẤN CÁ CHẾT

Ngày 3/5/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai đã đi kiểm tra công tác xử lý cá chết tại hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom. Đợt kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân cá chết cũng như việc xử lý môi trường tại hồ Sông Mây.

Nguyên nhân ban đầu xác định cá chết hàng loạt vì lượng nước trong hồ xuống thấp, đáy hồ khô cạn, trong khi đó mật độ cá nuôi trong hồ dày đặc nên cá thiếu oxy dẫn đến chết hàng loạt.

Cụ thể, diện tích mặt nước của hồ Sông Mây tại thời điểm cao trình đỉnh đập là gần 196,6 hécta nhưng vào thời điểm xảy ra cá chết, diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 2 hécta, độ sâu mặt nước thấp, nơi sâu nhất chỉ cao khoảng 1m so với đáy hồ.

Xử lý môi trường tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây - Ảnh 1

Trong khi đó, cùng thời điểm này mọi năm, hồ Sông Mây vẫn còn khoảng 4-5 triệu m3 nước phục vụ sản xuất vụ hè thu. Nhưng năm nay, do thực hiện thi công công trình cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nên mực nước tại hồ Sông Mây bi xả cạn hơn mọi năm.

Thời gian qua, hồ Sông Mây phải ưu tiên xả nước để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản vụ đông xuân với diện tích khoảng 800 hécta thuộc khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Mùa khô năm nay hạn hán, nắng nóng gay gắt, kéo dài và không có mưa suốt thời gian dài khiến lượng nước bổ sung vào hồ từ các suối tự nhiên và nguồn nước mưa không còn, khiến cá chết hàng loạt.

Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300ha, nằm trên địa bàn huyện Trảng Bom. Đây là hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa khu vực hai huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Từ năm 1994, tỉnh Đồng Nai giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước.

Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản trên hồ Sông Mây được thực hiện theo hợp đồng giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai (Công ty thủy lợi Đồng Nai).

Từ đầu tháng 1/2024, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai bắt đầu thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nên phải hạ mực nước để có mặt bằng thi công. Công ty đã có thông báo rộng rãi để các đơn vị, người dân có kế hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp. Trong đó, có việc đề nghị thu hoạch cá nuôi trong hồ trước 31/12/2023, để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho đơn vị thi công dự án.

Khi lượng nước trong hồ rút giảm, kết hợp với các yếu tố như: thời tiết khô hạn, nắng nóng, không có nguồn nước bổ sung, mật độ cá lại dày đặc khiến oxy trong nước không đủ, tình trạng cá chết đã xảy ra.

HOÀN THÀNH THU GOM CÁ CHẾT, XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ẢNH HƯỞNG TỚI ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Theo ghi nhận cá bắt đầu chết từ khoảng ngày 22/4 và chết hàng loạt từ ngày 28/4. Theo đơn vị nuôi trồng thủy sản, đây không phải là cá mới thả nuôi trong năm nay, mà là lượng cá tồn từ cuối năm 2023.

Sau khi nhận được thông báo về việc thực hiện dự án cải tạo hồ Sông Mây, đơn vị nuôi trồng đã không thả cá mới cho vụ năm nay. Đây là lượng cá còn tồn đọng của năm trước, cá không đủ size, chỉ 1-2 lạng một con và không đủ chuẩn để xuất bán.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Đội nuôi trồng thủy sản, cho biết năm nay, tình trạng nắng nóng hạn hán ở khu vực này kéo dài, ít mưa dẫn đến mực nước bị thấp, lượng cá tồn đọng còn lại của đơn vị nuôi trồng khá nhiều. Kèm theo đó, dự án công trình bờ đập và nạo vét hút bùn đáy hồ sông Mây, gây mất oxy khiến cá chết hàng loạt, gần 200 tấn cá tra, mè, trôi, chép, rô phi…

Thu gom cá chết xử lý làm phân vi sinh.
Thu gom cá chết xử lý làm phân vi sinh.

Để xử lý sự cố cá chết hàng loạt, đơn vị đã huy động lực lượng vớt cá vận chuyển tới các hố ủ vôi để làm phân vi sinh. Cùng với đó sẽ triển khai rải vôi toàn khu vực, xử lý giảm bớt mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng tới người dân.

Đại diện Đội nuôi trồng thủy sản, cho biết những ngày qua, đơn vị đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân viên liên tục vớt, đưa số cá chết trên hồ Sông Mây lên bờ để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đến chiều 2/5/2024, việc vớt xác cá chết trên hồ đã hoàn thành.

Số cá này được đơn vị sử dụng làm nguyên liệu để ủ làm phân hữu cơ vi sinh. Sau khi hoàn thành việc thu dọn xác cá chết dưới hồ Sông Mây, lực lượng chức năng đã thực hiện ngay các giải pháp xử lý môi trường như: rải vôi khử mùi hôi, khử trùng khu vực hồ.

Việc xử lý môi trường ở hồ Sông Mây rất được chú trọng nhằm đảm bảo môi trường, nguồn nước phục vụ cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản; đồng thời vừa thực hiện nhiệm vụ xả lũ đảm bảo công tác phòng, chống lụt bão năm 2024.

Chia sẻ thêm với VnEconomy về tình trạng khô hạn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đời sống, TS. Lê Anh Tuấn, Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, nhận xét tình trạng cá chết trong mùa này ở hồ thường do nắng nóng, khô hạn, lượng nước trong các hồ sụt giảm, thiếu oxy trong nước. Đặc biệt mùa khô, nắng nóng, ở nhiều nơi phá vỡ kỷ lục nhiệt độ, nước bốc hơi nhanh, cộng với lượng oxy trong nước mất đi nhanh chóng, trong khi mật độ cá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ cá bị chết. Đây cũng là hiện tượng hay gặp vào mùa khô hạn, nắng nóng.

Khi cá chết hàng loạt với khối lượng lớn như ở hồ Sông Mây sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân sống quanh khu vực. Với số cá chết lớn như thế này có thể thu gom để xử lý làm phân bón hữu cơ.

TS. Tuấn cho biết thêm, các tỉnh như Đồng Nai mùa này sẽ phải đối mặt với tình trạng khô hạn và thiếu nước ngọt. Còn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thiên tai lớn nhất đó là tình trạng hạn mặn.

 
Theo dự báo, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực năm 2024 tại khu vực Đông Nam Bộ, thời điểm ảnh bị hưởng cao nhất vào cuối mùa khô (tháng 4), đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới. Hạn hán, thiếu nước dự kiến sẽ kết thúc từ khoảng giữa tháng 5/2024.
Trước đó, ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.