Startup Malaysia nỗ lực đảm bảo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong thị trường cạnh tranh
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC) là nền tảng nuôi dưỡng đổi mới và thúc đẩy mở rộng kinh tế, đặc biệt quan trọng đối với quốc gia sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động như Malaysia…
Theo báo cáo năm 2023 từ MYStartup, 72% khoản đầu tư đổ vào startup Malaysia là do quỹ tài trợ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của những nhà đầu tư VC không chỉ trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mới nổi mà còn đặt nền móng cho tiến bộ công nghệ và khả năng phục hồi kinh tế khu vực.
Dòng vốn đầu tư đáng kể cho thấy niềm tin vào tiềm năng của Malaysia như một trung tâm cho các dự án mạo hiểm đột phá và giải pháp đổi mới, định vị đất nước là nhân tố quan trọng trong bối cảnh khởi nghiệp của cả khu vực Đông Nam Á, theo Tech Collective.
TÁC ĐỘNG CỦA TÀI TRỢ VC ĐỐI VỚI STARTUP MALAYSIA
Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Malaysia hiện đang trong quá trình điều chỉnh, phản ánh xu hướng toàn cầu xoay quanh sự ổn định bất chấp suy thoái đáng kể. Năm 2023, Malaysia ghi nhận sụt giảm nguồn vốn đạt mức thấp nhất chưa từng có trong sáu năm trở lại đây, nhưng sự suy thoái chỉ được coi là một phần của quá trình điều chỉnh thị trường rộng hơn hướng tới trạng thái tốt nhất như thời tiền đại dịch.
Tuy nhiên, vai trò then chốt của đầu tư chính là thúc đẩy mở rộng quy mô các công ty khởi nghiệp. Trong Quý II/2023, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm xuống chỉ còn 1,1 tỷ USD, gợi nhớ tới giai đoạn đầy khó khăn về tài chính như năm 2020. Mặt khác, cam kết của Chính phủ Malaysia về tài trợ giai đoạn đầu vẫn là điểm sáng đáng hoan nghênh, chiếm 36,01% tổng số vốn mạo hiểm năm 2022, trong khi các khoản đầu tư của doanh nghiệp có dấu hiệu tụt lại phía sau.
Là huyết mạch cho các công ty đang ở giai đoạn đầu thành lập, VC đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho sự tăng trưởng và mở rộng quy mô. Ngoài hoạt động rót vốn đơn thuần, các nhà đầu tư thiên thần còn chia sẻ chuyên môn vô giá và mạng lưới rộng lớn giúp điều hướng bối cảnh kinh doanh phức tạp.
CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TÌM KIẾM ĐIỀU GÌ Ở STARTUP MALAYSIA?
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), với hơn 1/5 nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này, và mối quan tâm ngày càng tăng về tính bền vững, thân thiện với môi trường đang ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Sự trỗi dậy của AI cho thấy tiềm năng tiến bộ công nghệ mang tính đột phá, đưa Malaysia trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng nhiều giải pháp đổi mới. Tích hợp AI vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau có thể cách mạng hóa mô hình kinh doanh truyền thống, mở ra con đường mới đầu tư vào các dự án đột phá.
Ngoài ra, việc tăng cường tập trung vào tính bền vững phản ánh cam kết trách nhiệm với môi trường và phù hợp với xu hướng thay đổi toàn cầu: hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Thị trường ngày nay có sự ưu tiên rõ rệt dành cho các dự án đóng góp tích cực vì mục tiêu xã hội và môi trường, nêu bật động thái hướng tới đầu tư có trách nhiệm.
Tất nhiên, đa số quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn trung thành với nhóm startup mang lại tiềm năng sinh lời và khả năng mở rộng. Các tiêu chí quyết định đầu tư thường bao gồm sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường, giải pháp đổi mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết và mô hình doanh thu vững chắc.
Hơn nữa, khả năng của doanh nghiệp trong việc thể hiện chiến lược tăng trưởng bền vững, sở hữu đội ngũ chuyên môn cao và thích ứng nhanh nhẹn nhằm vượt qua thách thức là rất quan trọng. Thể hiện sự hiểu biết rõ ràng về thị trường và cam kết bền vững có thể làm tăng đáng kể cơ hội đảm bảo nguồn vốn đầu tư.
SÁNG KIẾN CỦA CHÍNH PHỦ
Chính phủ Malaysia đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm khôi phục bối cảnh đầu tư tại địa phương, với các sáng kiến như Penjana Kapital Sdn Bhd, được thành lập vào tháng 7/2020. Penjana Kapital đóng vai trò then chốt trong việc quản lý Dana Penjana Nasional, chương trình thúc đẩy đầu tư mạo hiểm bằng cách kết hợp vốn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước.
Với khoản đầu tư cam kết trị giá 600 triệu RM (hơn 125 triệu USD), chương trình giải quyết được khoảng thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng trong bối cảnh hiện nay. Ông Taufiq Iskandar, Giám đốc Điều hành Penjana Kapital, bày tỏ những thách thức tài trợ dai dẳng và công nhận sự đóng góp đáng kể của các cơ quan do Chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh khu vực tư nhân cũng đảm nhận vai trò quan trọng trong nỗ lực đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái.
Tương tự, Quỹ Cradle, được hỗ trợ bởi Bộ Tài chính Malaysia, đã nuôi dưỡng hơn 1.000 công ty khởi nghiệp công nghệ, bao gồm cả siêu ứng dụng Grab hiện niêm yết trên Nasdaq, trước đây là MyTeksi. Ngoài VC, Chính phủ còn tạo điều kiện cho nhiều con đường gây quỹ thay thế, điển hình là Malaysia Debt Ventures Bhd (MDV), công ty đã giải ngân hơn 13 tỷ RM (xấp xỉ 2,7 tỷ USD) cho hơn 1.000 startup kể từ khi thành lập năm 2002, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực CNTT nói chung.
TƯƠNG LAI PHÍA TRƯỚC
Đảm bảo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vẫn là chiến lược quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp tại Malaysia, đặc biệt trong thị trường ngày càng trở nên chọn lọc. Bối cảnh VC của đất nước cho thấy mặc dù còn tồn đọng nhiều thách thức nhưng cơ hội cho các startup đổi mới và bền vững vẫn rất đáng kể. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đầu cơ thành công nếu tận dụng cách tiếp cận phù hợp, bao gồm tập trung vào cơ hội thị trường bền vững, thể hiện khả năng mở rộng và tuân thủ nguyên tắc đầu tư.
Liên kết chiến lược, tầm nhìn rõ ràng cùng với cam kết giải quyết các nhu cầu cấp bách của thị trường cũng sẽ giúp startup Malaysia thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực.