13:54 24/11/2008

0 đồng cổ tức: Rủi ro bất khả kháng?

Minh Đức

Lợi nhuận dùng trả cổ tức của Nhiệt điện Phả Lại có thể là 0 đồng. Đó là rủi ro bất khả kháng trước biến động của tỷ giá?

Thi công Nhà máy Phả Lại 2 - dự án sử dụng vốn vay nợ nước ngoài.
Thi công Nhà máy Phả Lại 2 - dự án sử dụng vốn vay nợ nước ngoài.
Lợi nhuận dùng trả cổ tức của Nhiệt điện Phả Lại có thể là 0 đồng. Đó là rủi ro bất khả kháng trước biến động của tỷ giá?

Ngày 19/11 vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (một blue-chip trên sàn HOSE, mã PPC) đã có cuộc họp quan trọng, đánh giá lại tình hình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là những ảnh hưởng từ rủi ro tỷ giá và kế hoạch trả cổ tức.

Biến động tỷ giá “gọt” lợi nhuận

Cũng trong ngày 19/11, Nhiệt điện Phả Lại (PLPC) đã có thông báo về việc hoãn chưa thực hiện trả cổ tức đợt 1/2008 do dự báo kết quả sản xuất kinh doanh năm nay không đạt lợi nhuận đủ để chi trả.

Đáng chú ý là riêng về lợi nhuận, PLPC là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế thuộc nhóm dẫn đầu trên sàn, xét về giá trị tuyệt đối, đã vượt kế hoạch năm sau 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý 3/2008, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này đạt trên 793 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch năm.

Về nguyên do hoãn trả cổ tức, theo giải trình của PLPC, là xuất phát từ khoản vay nợ nước ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2008.

Năm 2006, PLPC vay lại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoản vay bằng JBIC là vốn vay xây dựng Nhà máy Phả Lại 2 với giá trị trên 50 tỷ JPY, lãi suất 2,7%/năm, lịch trả nợ được chia đều trong 23 năm.

Năm 2007, theo thỏa thuận đạt được với EVN, PLPC đã trả trước một khoản trị giá 9 tỷ JPY, trong 3 năm từ 2006 đến 2008 theo lịch trình trả nợ PLPC đã thanh toán trả trên 4 tỷ JPY, tính đến thời điểm 30/9/2008, số nợ gốc còn lại là 36,2 tỷ JPY.

Theo quy định, khoản nợ gốc trên PLPC đã xác định và quy đổi theo tỷ giá tính chéo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2007 với 142,34 VND/JPY, tương đương với 5.153,63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do biến động mạnh của tỷ giá, vượt ngoài tầm dự báo của PLPC và ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh dự kiến của cả năm 2008 (theo quy định, chưa phản ánh trong báo cáo tài chính quý 3/2008).

Theo tình hình sản xuất kinh doanh, tình trạng thiết bị máy móc, công suất khả dụng và lịch phát điện 3 tháng cuối năm 2008, mức lợi nhuận trước thuế của PLPC dự kiến sẽ đạt 962 tỷ đồng; chi phí tài chính cho việc xác định lại tỷ giá là 584,2 tỷ đồng; tài sản thuế thu nhập hoãn lại là 120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 497,8 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp miễn giảm không được chia cổ tức là 269,3 tỷ đồng và lợi nhuận còn lại được chia cổ tức là 228,5 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí tài chính cho việc xác định lại tỷ giá nói trên (584,2 tỷ đồng) được xác định theo tỷ giá tính chéo của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính 30/9/2008 là 154,69 VND/JPY. Nếu mức tỷ giá này được giữ nguyên đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm, PLPC sẽ phải tính vào chi phí tài chính năm 2008 với số tiền là 584,2 tỷ đồng (số chênh lệch này sẽ phát sinh một khoản tài sản thuế thu nhập hoãn lại với giá trị là 120 tỷ đồng).

Như vậy, lợi nhuận PLPC có thể trả cổ tức là 228,5 tỷ đồng, tương đương 7% vốn điều lệ và đạt gần 50% so với kế hoạch.

Căn cứ các chỉ tiêu lợi nhuận trên, theo điều lệ của công ty (tạm ứng cổ tức đợt 1 vào tháng 10 nếu có lợi nhuận), tại phiên họp ngày 7/10/2008, Hội đồng Quản trị PLPC đã quyết nghị chi tạm ứng cổ tức cho mỗi cổ đông hiện hữu theo danh sách chốt ngày 30/10/2008 với mức 300 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn một tháng qua, tình hình tỷ giá biến động mạnh, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức của PLPC. Cụ thể, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố từ mức 154,69 VND/JPY tại thời điểm 30/9 vọt lên 166,42 VND/JPY vào ngày 19/11. Theo PLPC, với việc mất giá của VND so với JPY hiện nay sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của công ty trong năm 2008.

Nếu mức 166,42 VND/JPY hiện nay duy trì đến hết năm, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2008, PLPC sẽ phải trích một khoản chi phí tài chính để xác định lại khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm với số tiền lên tới 872 tỷ đồng.

Theo đó, PLPC tính toán lợi nhuận còn lại được chia cổ tức dự báo chỉ có… 0 đồng (dự báo: lợi nhuận trước thuế 962 tỷ đồng, chi phí tài chính cho xác định lại tỷ giá 872 tỷ đồng, tài sản thuế thu nhập hoãn lại là 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 240 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp miễn giảm không được chia cổ tức 269,3 tỷ đồng).

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, trường hợp của PLPC không có lợi nhuận trong việc sản xuất kinh doanh năm 2008 thì không được trả cổ tức.

Rủi ro bất khả kháng?

Ngày 19/11, Hội đồng Quản trị PLPC đã họp và quyết nghị việc hoãn trả cổ tức đợt 1/2008 và ghi nhận danh sách cổ đông đã được chốt tại thời điểm ngày 30/10/2008 đến khi kết thúc năm tài chính 2008.

“Chúng tôi cam kết nếu có đủ lợi nhuận, trường hợp JPY giảm giá so với VND, công ty sẽ tiến hành chi trả theo danh sách chốt ngày 30/10/2008 với mức cổ tức đã thông báo 3%”, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc PLPC, cho biết.

Báo cáo giải trình của PLPC cũng giải thích rằng “đây là một rủi ro bất khả kháng do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới và tình hình lạm phát của nền kinh tế nước ta, dẫn đến VND bị mất giá so với JPY và nằm ngoài khả năng dự báo của chúng tôi”.

Đáng chú ý là trong năm 2008, PLPC cũng đã chủ động đàm phán với một số đối tác để ký hợp đồng mua một khoản bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá cho khoản nợ vay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các bản chào bảo hiểm rủi ro về tỷ giá chưa bảo vệ khỏi việc ảnh hưởng bởi những biến động về tỷ giá như đã đề cập ở trên.

PLPC cho rằng đó là rủi ro bất khả kháng và mong các cổ đông chia sẻ những khó khăn trong điều kiện hiện nay.