1/4 số dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ
Lũy kế tính đến 31/12/2016 doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế
Lũy kế tính đến 31/12/2016 doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.
Đó là thông tin được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, vừa hoàn thành ngày 25/5.
Đây là nội dung sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao trong cả ngày 28/5 tới.
Chưa phát huy được vai trò chủ đạo
Bản báo cáo dài 52 trang, nêu nhiều con số đáng chú ý về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Khái quát từ báo cáo là đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp nhà nước có một phần vốn góp.
Năm 2016, tổng tài sản của khối 583 doanh nghiệp là 3.053.547 tỷ đồng, doanh thu 1.515.821 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 139.658 tỷ đồng, số phát sinh phải nộp ngân sách 251.845 tỷ đồng.
Với 273 doanh nghiệp cổ phần, tổng tài sản 495.126 tỷ đồng, vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp 65.673 tỷ đồng, doanh thu 423.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31.723 tỷ đồng và số phát sinh phải nộp ngân sách là 62.967 tỷ đồng.
Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%, báo cáo giám sát khái quát.
Đoàn giám sát đánh giá, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm. Cụ thể tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế, đoàn giám sát khẳng định.
Phân tích tiếp theo cho thấy, hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).
Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm trong giai đoạn 2012-2016. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%). Nguyên nhân chính do tăng vốn chủ sở hữu và tài sản, nhưng lợi nhuận giảm.
Đáng chú ý là một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nhiều dự án tiềm ẩn rủi ro về pháp lý
Đoàn giám sát cho biết, đến 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%).
Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.
Kết quả giám sát cũng cho thấy một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Các dự án không hiệu quả được kể đến là đầu tư của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, đầu tư của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy tại các công ty con, công ty liên kết. Đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru…
Phần giải pháp, kiến nghị chung, đối với Chính phủ, đề nghị được nêu tại báo cáo là làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.