14:39 26/08/2008

10 điểm chính kinh tế 8 tháng

Anh Quân

Nhập siêu, lạm phát tăng chậm lại, đầu tư nước ngoài tiếp tục gây ấn tượng

Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong 8 tháng đầu năm nay đạt 608,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2007 - Ảnh: Việt Tuấn.
Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong 8 tháng đầu năm nay đạt 608,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2007 - Ảnh: Việt Tuấn.
Báo cáo được công bố tại hội nghị giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 26/8 đã đưa ra những điểm chính của tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm.

Cụ thể, nội dung báo cáo được công bố có những điểm đáng chú ý như sau:

1. Sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ

Trong 8 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 438,6 ngàn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ (thấp hơn con số tương ứng của năm 2007  là 17,1%), trong đó, khu vực quốc doanh tăng 6,5%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,7%.

Những khó khăn tác động đến sản xuất công nghiệp được nhận diện là từ tăng giá nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Tuy vậy, nhiều sản phẩm công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao như: xe tải tăng 78%, xe chở khách tăng 73,6%, máy giặt tăng 41,5%, sữa bột tăng 34%, biến thế điện tăng 28,3%, tủ lạnh tủ đá tăng 27,1%, ti vi tăng 25,9%, thủy sản chế biến tăng 22,8%...

Một số sản phẩm có mức tăng thấp hơn mức tăng chung cả ngành là điện thương phẩm tăng 15,3%, dầu thực vật tinh luyện tăng 13,8%, bia các loại tăng 13,7%, giày thể thao tăng 13,4%, nước máy thương phẩm tăng 12,2%, gạch xây bằng đất nung tăng 11,9%, xi măng tăng 11,1%, xe máy tăng 8,6%, phân hóa học tăng 7,3%, than sạch tăng 2,6%...

Nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như giày dép ủng bằng da giả cho người lớn giảm 38,4%, khí hóa lỏng giảm 19,2%, săm các loại giảm 7,8%, dầu mỏ thô khai thác giảm 6,3%, kính thủy tinh giảm 4,4%...

Đặc biệt, một số địa phương có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn mức trung bình toàn ngành như Phú thọ, Quảng Ninh tăng 16,1%, Đà Nẵng tăng 15,1%, Hà Nội tăng 14,6%, Thanh Hóa tăng 13,8%, Khánh Hòa tăng 13,4%, Tp.HCM tăng 13%.

2. Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển ổn định

Tính đến 15/8, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được 1.219 ngàn ha lúa hè thu, tăng 7,1% so với cùng kỳ, gieo cấy được 280 ngàn ha lúa mùa, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các tỉnh miền Bắc đã gieo cấy được 1.458 ngàn ha lúa mùa, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Riêng cây vụ đông, tính đến 15/8 cả nước đã gieo trồng được 1.453 ngàn ha màu lương thực, giảm 3,4% so với cùng kỳ, tỏng đó ngô đạt 862 ngàn ha, giảm 4,9%; khoai lang đạt 130 ngàn ha, giảm 7,4%; sắn đạt 435 ngàn ha, tăng 4,1%, đậu tương đạt 165 ngàn ha, giảm 2,9%...

Cây công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Do thời tiết thuận lợi, sản lượng chè búp khô 8 tháng đầu năm nay đạt 93 ngàn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Trái lại, sản lượng cao su chỉ đạt 265 ngàn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ.

Khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp chủ yếu là do thiên tai, dịch bệnh. Rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoán lá còn phổ biến tại nhiều địa phương, dịch cúm gia cầm vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, dịch lợn tai xanh diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng.

3. Thu chi ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm trước

Tính đến 15/8, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 254,8 ngàn tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán năm (cùng kỳ đạt 59,7%). Trong tổng thu ngân sách, thu nội địa đạt 137,8 ngàn tỷ đồng, bằng 72,8% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 52,7 tỷ đồng và bằng 80,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 60,6 ngàn tỷ đồng, bằng 94%.

Trong tổng thu nội địa, đáng chú ý là thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 7,4 tỷ đồng, bằng 90,4% dự toán năm; thu phí xăng dầu đạt 3 ngàn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán năm…

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến 15/8 ước đạt 266,1 ngàn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán năm (cung kỳ đạt 57,5%). Trong số này, chi đầu tư phát triển đạt 58,6 ngàn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán năm, chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an nình đạt 158,5 ngàn tỷ đồng, bằng 66,8% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt 33,9 ngàn tỷ đồng, bằng 66,3% dự toán năm.

Riêng chi bù lỗ mặt hàng dầu đạt 15,1 ngàn tỷ đồng.

4. Vốn đầu tư tiếp tục “đổ” vào nền kinh tế, giải ngân ODA, FDI tăng khá so với cùng kỳ

Tính đến 15/8, lũy kế chi đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 57,4% dự toán năm, vốn giải ngân, kể cả tạm ứng, ước đạt 36% dự toán.

Nguồn vốn tín dụng đầu tư, tính đến hết tháng 8, ước đạt 25,6 ngàn tỷ đồng, bằng 63,6% kế hoạch năm, trong đó vốn cho vay trong nước chỉ đạt 9 ngàn tỷ đồng, bằng 33,5 kế hoạch năm.

Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 4 ngàn tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch năm, dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 12,6 ngàn tỷ đồng, bằng 215% kế hoạch năm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng. Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 772 dự án cấp phép mới với tổng vốn đầu tư dăng ký đạt 46,324 tỷ USD. Đã có 210 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 833,6 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm nay đã thu hút 47,158 tỷ USD vốn FDI.

Vốn FDI thực hiện trong 8 tháng qua đạt 7 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2007.

5. Thương mại tiếp tục tăng trưởng do được hỗ trợ bởi yếu tố giá

Sức mua hàng hóa đang tăng, tháng sau cao hơn tháng trước (tháng tám tăng 2,4% so với tháng 7). Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong 8 tháng đầu năm nay đạt 608,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2007.

6. Giá tiêu dùng vẫn tăng nhưng không nhiều như dự kiến

Chỉ số giá (CPI) tháng tám chỉ tăng 1,56%, là con số rất khả quan so với nhận định trước đó về tác động của giá xăng dầu có thể khiến CPI tháng này tăng thêm 0,6% (CPI tháng 7 so với tháng trước đó tăng 1,13%).

Chỉ số giá bình quân 8 tháng đầu năm nay so với con số tương ứng của năm 2007 tăng 22,14% do được hỗ trợ bởi xu hướng giảm trong tháng của một số nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,5%, đồ uống thuốc lá tăng 0,67%.

7. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng chậm lại, nhập siêu có dấu hiệu tăng lên

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 6,8% so với tháng 7 nhưng tính chung 8 tháng, xuất khẩu vẫn tăng 39,1% so với cùng kỳ và đạt 43,3 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng có sự đóng góp rất lớn của yếu tố giá. Riêng giá các mặt hàng dầu thô, than đá, gạo, cà phê, cao su tăng giá đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 5,6 tỷ USD.

Nhập khẩu tháng 8 giảm 4,1% so với tháng trước đó nhưng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng vẫn còn tăng 54,1% so với cùng kỳ và đạt 59,3 tỷ USD.

Một số hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh về lượng như ô tô tăng hơn 3 lần, máy móc thiết bị tăng 40,9%, thép các loại tăng 38,7%... nhiều mặt hàng tăng còn do yếu tố giá như xăng dầu tăng 68,5% về giá, sắt thép tăng 29,5%... Việc tăng giá một số mặt hàng khiến kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 5,4 tỷ USD.

Nhập siêu trong tám tháng đầu năm đã đạt 15,97 tỷ USD, bằng 36,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

8. Vận chuyển hành khách và hàng hóa tiếp tục phát triển khá

Mặc dù giá xăng dầu tăng cao, khối lượng hàng hóa vận chuyển vẫn tăng trưởng khá. Trong tám tháng đầu năm vận chuyển hàng hóa ước đạt 321 triệu tấn và 105 tỷ tấn/km, tăng 31% về tấn và 74% về tấn/km so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1,057 tỷ lượt và 53 tỷ hành khách/km, tăng 15,4% về lượt hành khách vận chuyển và 20,43% về hành khách luân chuyển

9. Du lịch giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của thiên tai bão lụt

Trong tháng 8, nhiều địa phương tổ chức các lễ hội lớn quản bá du lịch như Festival Tây Sơn -Bình Định, Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa)… nhưng do tình hình thiên tai bão lụt, lượng khách du lịch đã giảm đáng kể.

Ước lượng khác du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng tám đạt khoảng 330 ngàn lượt, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung trong 8 tháng, lượng khách du lịch quốc tế đạt 3 triệu lượt, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

10. Lĩnh vực bưu chính viễn thông luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay

Tính chung tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đến hết tháng 8 đạt 66,7 triệu, mật độ đạt 77,5 máy/100 dân, gần gấp đôi so với kế hoạch phát triển thuê bao giai đoạn 2006-2010.

Trong tháng 8 phát triển mới thuê bao Internet đạt 63 ngàn, nâng tổng số thuê bao Internet quy đổi trên toàn mạng lên 6,1 triệu thuê bao, đạt mật độ 7,02 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet là 20,2 triệu, đạt mật độ 23,5%.