10 ngàn tỷ đồng - “đích” lợi nhuận 2019 của Agribank
Agribank cũng đặt mục tiêu năm 2019 tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018
Tiếp nối đà tăng trưởng và kết quả tích cực đạt được của giai đoạn tái cơ cấu, năm 2019, hướng con số lợi nhuận đạt tối thiểu 10 ngàn tỷ đồng, thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong việc củng cố nền tảng vững chắc trước thềm cổ phần hóa.
Khẳng định vị thế dẫn đầu
Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp vốn nhiều rủi ro, có tỷ suất sinh lời thấp, trong khi vừa đảm nhiệm vai trò của một ngân hàng thực thi chính sách, Agribank vẫn vượt các chỉ tiêu kế hoạch tái cơ cấu, nợ xấu giảm mạnh, kinh doanh dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… kết thúc năm 2018, đánh dấu chặng đường tròn 30 năm phát triển, Agribank hoàn thành vượt mức 100% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 7.525 tỷ đồng, là sự bứt phá kỷ lục của Agribank kể từ khi thành lập. Hai năm liền trước đó, năm 2016, lợi nhuận của Agribank đạt 4.212 tỷ đồng, năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng.
Agribank tiếp tục dẫn đầu hệ thống với tổng tài sản cán mốc 1,3 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng đầu tư cho "tam nông" chiếm 70,5%/tổng dư nợ của Agribank.
Nguồn vốn Agribank chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Kinh doanh dịch vụ tăng trưởng mạnh với doanh thu đạt gần 5.400 tỷ đồng, góp phần từng bước dịch chuyển từ mô hình kinh doanh phụ thuộc vào tín dụng sang kinh doanh đa dịch vụ, phù hợp với "làn sóng" 4.0 đang là xu thế.
Agribank thực hiện triển khai giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Ngay từ đầu năm 2018, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN gồm: Nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Mức lãi suất cho vay của Agribank đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang thấp nhất thị trường.
Bên cạnh đó, Agribank triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tài trợ xuất nhập khẩu…
Hoạt động trong ngành dịch vụ, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế trong năm 2018 đã giúp Agribank không chỉ đưa nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, tăng thu dịch vụ ở mức trên 21%, mà còn giúp Agribank thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý.
Bên cạnh đó, với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Song hành với mục tiêu xử lý nợ xấu, Agribank tập trung thoái vốn đầu tư ngoại ngành. Từ năm 2014 đến nay, Agribank đã thoái vốn thành công tại 7 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về trên 1.000 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại. Đối với các công ty con, bên cạnh chủ động triển khai các thủ tục phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II (ALCII), Agribank đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án tái cơ cấu, cũng như quyết liệt chỉ đạo các công ty con nỗ lực khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả, và thoái vốn vào thời điểm thích hợp.
Hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, Agribank đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước.
Thách thức không hề nhỏ
Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày15/11/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 với nhiều biến chuyển tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng: Tập trung đầu tư cho "Tam nông"; Xử lý nợ xấu; Thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; Cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ...
Tuy nhiên, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, trong đó một trong những vấn đề nan giải nhất đó là bài toán tăng vốn. Hiện vốn điều lệ của Agribank đang ở mức thấp nhất so với các ngân hàng thương mại lớn khác, đến cuối 2018 mới đạt 30.470 tỷ đồng.
Mặc dù mong muốn quá trình cổ phần hóa diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên quá trình này đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được, nhất là khi Agribank là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất, do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất…
Agribank cũng đặt mục tiêu năm 2019 tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.