09:03 20/04/2007

100 người và 10 tỉ

Một công ty khi có 100 nhà đầu tư và vốn điều lệ đủ 10 tỉ sẽ được niêm yết cổ phiếu và phải minh bạch chuyện làm ăn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng và gửi thông tin không phải để ủy ban biết cho vui mà là thay mặt người đầu tư giám sát - Ảnh: Việt Tuấn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng và gửi thông tin không phải để ủy ban biết cho vui mà là thay mặt người đầu tư giám sát - Ảnh: Việt Tuấn.
Một công ty khi có 100 nhà đầu tư và vốn điều lệ đủ 10 tỉ sẽ được niêm yết cổ phiếu và phải minh bạch chuyện làm ăn.

Đó là cái ngưỡng các công ty cổ phần đang vừa muốn vừa ngại. Với mốc đó, họ lớn lên và gặp nhiều cơ hội nhưng cũng có thể họ không trụ được khi phải “bước từ bóng tối ra ánh sáng”.

Thông tin, dễ mà khó

Tại hội nghị tập huấn về công bố thông tin cho các doanh nghiệp niêm yết vừa được Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức, nhiều câu hỏi “ngây ngô” về việc công bố thông tin của doanh nghiệp cũng như về cổ phần hóa đã cho thấy khoảng cách quá lớn giữa hiểu biết của các công ty cổ phần so với mong đợi của cơ quan quản lý nhà nước.

Công ty A hỏi: Nếu theo quy định về công bố thông tin, cơ quan tôi chậm nộp thuế nhập khẩu nên bị phạt 2 triệu đồng, chúng tôi có phải công bố thông tin không? Câu trả lời: Tất nhiên là có, ít nhất là trên website của công ty. Điều đó không bất lợi mà còn có lợi cho công ty bởi nó sẽ khiến nhà đầu tư tin tưởng công ty hơn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Kim Liên tâm sự: “Cá nhân tôi đã gặp gỡ và vận động không dưới 50 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong năm năm qua nhưng tôi thấy sự hiểu biết của doanh nghiệp về tính minh bạch cực kỳ hạn chế”.

Bà cho rằng, minh bạch là logic tất yếu của nền kinh tế thị trường và những công ty đại chúng. Một khi đã trở thành công ty của công chúng rộng rãi thì phải minh bạch. 100 người và 10 tỉ - đó là yêu cầu dễ mà khó của hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp không minh bạch thì nền kinh tế không thể minh bạch.

Bà nói thêm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng và gửi thông tin không phải để ủy ban biết cho vui mà là thay mặt người đầu tư giám sát. Nhà đầu tư không cần biết tất cả mọi thông tin của anh nhưng tất cả những gì ảnh hưởng tới họ, họ phải được biết.

Bà cũng cho biết, sau 90 ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng sẽ bị xử phạt. Nếu cần thiết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiến nghị các bộ ngành liên quan xem xét rút giấy phép kinh doanh. Bà khuyên các doanh nghiệp, tốt nhất là cùng với kế hoạch đăng ký công ty đại chúng cũng nên có kế hoạch đăng ký niêm yết trên một trong hai trung tâm giao dịch chứng khoán. Nếu không đăng ký niêm yết, phải đăng ký giao dịch với thị trường chứng khoán để giao dịch qua công ty chứng khoán. “Đến 30/6/2007, nếu công ty nào không đăng ký chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt”.

Tại một hội thảo về quản trị doanh nghiệp (do Công ty Tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ở Hà Nội), các chuyên gia cho rằng một doanh nghiệp tốt cần nhấn mạnh đến “chất” hơn là đến “lượng”, và “chất” đó có vai trò rất quan trọng để hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề ảnh hướng đến “chất” tại các công ty Việt Nam là cổ đông không được đối xử bình đẳng, thông tin không công bằng giữa các cổ đông lớn và nhỏ. Hầu hết các công ty chưa có bộ phận IR.

IR là gì?

IR (Investor Relation) hay còn gọi là quan hệ với nhà đầu tư là công việc quản trị mối quan hệ giữa một công ty với các cổ đông hiện tại và tương lai, nhằm giúp họ hiểu rõ và hình thành mong muốn đầu tư vào công ty. IR cũng được coi là một hoạt động marketing nhằm giới thiệu những hình ảnh trung thực về hoạt động và tiềm năng phát triển của công ty với các nhà đầu tư hiện tại và tương lai.

Các chuyên gia trong hội thảo về quản trị doanh nghiệp nói trên cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa có IR. Người chịu trách nhiệm công bố thông tin trong doanh nghiệp chủ yếu là giám đốc. Do quá bận rộn, giám đốc không thể dành nhiều thời gian cho IR. Rất nhiều doanh nghiệp đã có trang web, nhưng chưa có phần IR. Một số ít có trang web, có phần IR, nhưng chưa cập nhật thường xuyên.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi tiếp nhà đầu tư nước ngoài, do thiếu người vừa hiểu doanh nghiệp, vừa biết phát ngôn vừa có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Nhiều doanh nghiệp chưa xem IR là việc làm cần thiết và công bố thông tin, với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn được xem là công việc bất thường chứ không phải thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) - nói rằng hiện doanh nghiệp có quyền chủ động công bố thông tin, đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các quy trình về công bố thông tin, cứ đợi đến khi nào các trung tâm giao dịch công bố thông tin thì họ mới công bố.

“Chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các công ty niêm yết sử dụng những người không phải là những người có vị trí cao nhất, bận rộn nhất mà là người chỉ có trách nhiệm công bố thông tin thôi. Tôi cũng khuyến nghị các công ty niêm yết cũng như các doanh nghiệp khác, như các công ty đại chúng nên dành thời gian và nhân lực để công bố thông tin và sớm xây dựng văn hóa quan hệ với các nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể tự mình tìm hiểu bằng bất cứ biện pháp nào, như trực tiếp đến công ty, gọi điện đến công ty để tham khảo thông tin”, ông Trung nói.

* Các thông tin IR cần có:

Bản giới thiệu tóm tắt về công ty; Tin tức và sự kiện doanh nghiệp; Báo cáo tài chính quí và năm; Báo cáo phân tích; Bản cáo bạch niêm yết và phát hành cổ phiếu; Báo cáo kiểm toán; Các báo cáo trình đại hội cổ đông, nghị quyết đại hội cổ đông; Tình hình quản trị công ty (các quy định quản lý nội bộ); Thông tin về cổ phiếu (cổ phiếu niêm yết, cơ cấu cổ đông, câu hỏi thường gặp); Điều lệ công ty; Ấn phẩm dành cho nhà đầu tư (thư ngỏ, bản tin...); Cách liên hệ với công ty; Thủ tục đăng ký cổ đông và tiếp đón các nhà đầu tư.

Các thông điệp này nên có sẵn trong mục IR trên website của doanh nghiệp.

* Những nguyên tắc của việc công bố thông tin:

- Tuân thủ quy định về công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trung tâm giao dịch chứng khoán.

- Ngôn ngữ phải chính xác.

- Phải nhất quán trong các tuyên bố (1 công ty, 1 tiếng nói).

- Thông tin phải là sự thật - dù “tốt” hay “xấu”.

- Công bố nhanh chóng và kịp thời, kể cả thông tin thuận lợi hay bất lợi.

- Lập hồ sơ lưu trữ thông tin đã công bố.

- Hứa ít làm nhiều.

- Thận trọng khi đưa ra nhận định.

- Không thiên vị, không gây bất ngờ.

- Phong cách chuyên nghiệp.

- Dự phòng khi gặp sự cố.

- Chủ động kiểm soát tình thế, không để bị dồn vào thế phản ứng nóng vội.

- Sử dụng thông điệp để xây dựng hình ảnh.