08:19 25/01/2007

14 mặt hàng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

Quỳnh Ngọc

Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song thời gian qua Việt Nam vẫn là nước nhập siêu

Năm 2006, cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao kỷ lục cũng chỉ đạt 776 triệu USD so với nhu cầu 2,67 tỉ USD của thị trường này.
Năm 2006, cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao kỷ lục cũng chỉ đạt 776 triệu USD so với nhu cầu 2,67 tỉ USD của thị trường này.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song thời gian qua Việt Nam vẫn là nước nhập siêu.

Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Việt Nam cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế mức nhập siêu, phấn đấu đến năm 2010, nâng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 15 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6 tỉ USD.

Đầy tiềm năng...

Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Đề án đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn 2006-2010, có 14 mặt hàng, nhóm hàng mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, thể hiện ở chỗ nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng này rất lớn.

Một là cà phê. Hiện nhu cầu của Trung Quốc đối với mặt hàng này là trên 100 triệu USD/năm nhưng đến nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường này chỉ mới được 13-14 triệu USD. Đây là nhu cầu của lớp thanh niên mới, chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc.

Hai là chè. Mặc dù Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều chè nhưng cũng nhập khẩu nhiều chè. Hiện nhu cầu của Trung Quốc đối với chè các loại là trên 50 triệu USD. Thế nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 7 triệu USD.

Ba là cao su. Theo đánh giá của ông Đào Ngọc Chương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, không chỉ giá tăng liên tục mà nhu cầu nhập nguyên liệu của Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Riêng năm 2006, Trung Quốc nhập 2,67 tỉ USD. Trong khi đó, xuất khẩu cao su của Việt Nam vào Trung Quốc đạt trị giá cao nhất cũng chỉ khoảng 776 triệu USD.

Bốn là mặt hàng dây cáp điện. Do Trung Quốc tập trung vào sản xuất các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao vì thế những mặt hàng như thế này đang có xu hướng giảm dần. Trong năm 2006, nhu cầu về dây cáp điện của Trung Quốc khoảng 3,6 tỉ USD dây cáp điện. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 10,7 triệu USD.

Mặt hàng thứ 5 là gạo. Trung Quốc cũng là một nước có sản lượng lương thực rất cao. Tuy nhiên, trong cơ cấu về gạo đã có những thay đổi lớn. Nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng cao đặc biệt từ Thái Lan về ngày càng nhiều. Trong khi đó, gạo của Việt Nam trong năm vừa rồi mới xuất sang Trung Quốc được 1,2 triệu tấn và hầu hết chỉ đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh vùng biên giới. 

Tiếp đến là giày dép. Mặc dù là nước xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới nhưng trong năm 2006, Trung Quốc cũng nhập đến 554 triệu USD. Trong khi đó, giày dép của Việt Nam xuất sang Trung Quốc mới đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 37-38 triệu USD. Vì vậy, đây cũng có thể coi là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu cao.

Hạt điều cũng là một mặt hàng được đánh giá là có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2006, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1,6 tỉ USD. Trong khi đó Việt Nam mới chỉ xuất được khoảng 84-85 triệu USD.

Về hạt tiêu, năm 2006, Trung Quốc tiêu thụ 1.350 tấn, trong khi đó Việt Nam chưa đáp ứng nổi 300 tấn, mới chỉ đạt 292 tấn.

Đối với mặt hàng sản phẩm gỗ, năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu đến 13,6 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam mới chỉ xuất sang các mặt hàng gỗ giả cổ đạt 82,2 triệu USD.

Về sản phẩm nhựa, năm 2006, thị trường Trung Quốc nhập khẩu từ ngoài vào khoảng 2,6 tỉ USD, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ khiêm tốn ở mức 6,5 triệu USD.

Mặt hàng nữa là dầu thực vật. Năm 2006 thị trường Trung Quốc nhập khẩu 2,75 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 2,78 triệu USD. Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu dưới dạng gia công, một số nhãn mác dầu ăn trong nước cũng đã có mặt tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, những mặt hàng như điện tử, linh kiện điện tử, điện máy cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nay, do các nguồn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và do sự phân công lao động nên một số mặt hàng điện tử do Việt Nam sản xuất đã được xuất sang Trung Quốc. Năm 2006, thị trường Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng này là 13 tỉ USD, trong khi Việt Nam mới xuất được 7,5 tỉ USD.

Tinh bột sắn và sắn lát cũng là một mặt hàng phía bạn có nhu cầu lớn. Riêng sắn lát mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn. Theo thống kê của thương vụ, mức này rất ổn định trong nhiều năm.

... và không ít thách thức

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, 2007 cũng là năm đầy khó khăn và thách thức đối với việc đẩy mạnh hàng xuất khẩu nước Việt Nam sang Trung Quốc.

Năm 2007 là năm Trung Quốc hoàn thành thời gian bảo hộ theo cam kết gia nhập WTO và sẽ thực hiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu theo tư cách đầy đủ của một thành viên WTO.

Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng quản lý thuế hạn ngạch đối với 7 nhóm mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo và phân bón của Việt Nam; áp dụng thuế xuất khẩu giảm tính đối với 174 mặt hàng chủ yếu, trong đó có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như than đá, dầu thô, sắt thép thông thường, và các loại nguyên liệu kim loại màu khác; áp dụng thuế nhập khẩu tạm tính đối với 309 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng mang tính tài nguyên cao thì Trung Quốc giảm thuế rất thấp, thấp hơn mức thuế quy định của WTO.

Tuy nhiên, đối với cao su của Việt Nam, Trung Quốc lại áp dụng biểu thuế lựa chọn, trong đó mức giá đánh thuế nhập khẩu cao su của Việt Nam sẽ lựa chọn một trong hai biểu thuế hoặc là 20% trên giá nhập khẩu hoặc là 2.600 Nhân dân tệ/tấn cao su.

Như vậy, có thể thấy rõ cơ chế này đã tạo ra cho Việt Nam những bất lợi và thách thức trong cả công tác xuất khẩu và nhập khẩu.