11:14 04/05/2007

18 “đại gia” Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn

Các công ty lớn của Mỹ tham vấn chính sách với lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng (phải) chào đón các doanh nghiệp Mỹ vào trưa 3/5 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng (phải) chào đón các doanh nghiệp Mỹ vào trưa 3/5 tại Hà Nội.
Ngày 3/5, đoàn doanh nghiệp gồm 18 công ty lớn của Mỹ đã bắt đầu ngày đầu tiên tham vấn chính sách với lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn. Chuyến đi do Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức.

Các thành viên tham gia đoàn có những tham vọng riêng. Một số doanh nghiệp như Boeing, Ford, IBM, UPS... đã hoạt động ở Việt Nam và muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Một số doanh nghiệp khác như Raytheon (kiểm soát không lưu), TimeWarner (giải trí), Universal Telecom Services (công nghệ thông tin)... thì mong tìm kiếm những cơ hội làm ăn cụ thể.

Ngày đầu tiên tại Hà Nội, các nhà doanh nghiệp Mỹ đã lần lượt trao đổi ý kiến với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Bưu chính Viễn thông trong khuôn khổ diễn đàn “Việt Nam - tương lai tươi sáng cho doanh nghiệp Mỹ”.

Bước ra từ diễn đàn, bà Virginia Foote - Chủ tịch Ngân hàng Vietnam Partners - cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mối lo ngại về năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Một vài công ty thì quan tâm tới việc thực thi các thỏa thuận gia nhập WTO mặc dù chúng tôi khá lạc quan rằng Việt Nam sẽ theo đúng các cam kết. Ngoài ra, cũng có một mối quan tâm lớn tới vấn đề quản trị, cả ở cấp độ công ty lẫn chính phủ và các biện pháp kiểm soát tham nhũng”.

Bà Frances A. Zwenig, Cao ủy USABC, cho rằng Việt Nam nên đánh giá đúng tầm quan trọng của cơ hội này. Theo bà, các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam lần này sẽ mang lại những nguồn vốn đầu tư (FDI) chất lượng cao.

Ông Richard Bartnik, Phó chủ tịch Công ty Raytheon, cho rằng “các cuộc trao đổi ý kiến với lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam trong khuôn khổ diễn đàn là rất hữu ích”. Raytheon, hiện chiếm 1/3 thị phần thế giới trong lĩnh vực thiết bị kiểm soát không lưu, đang mong muốn triển khai các dự án mới tại Việt Nam. Lý do Raytheon quan tâm tới Việt Nam là bởi Việt Nam đang muốn xây dựng thêm nhiều sân bay và do vậy rất cần cơ sở hạ tầng cho các sân bay mới này.

“Việt Nam là một thị trường khá mới, đó là điều khó khăn nhất đối với chúng tôi - ông Bartnik nói - Tuy nhiên, chỉ sau một buổi tiếp xúc, tôi có thể nói rằng phía Việt Nam thật sự rất cởi mở. Các quan chức thể hiện rõ mối quan tâm nhằm đưa ngành hàng không của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn”.

TimeWarner, người khổng lồ trong ngành giải trí, đang lên kế hoạch “Việt Nam hóa” các sản phẩm của hãng. Alvin Lee, giám đốc quan hệ đối ngoại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của TimeWarner, đã bảy lần tới Việt Nam trong năm 2006 để xúc tiến đầu tư. Có mặt trong thành phần đoàn tới Việt Nam lần này, ông Alvin Lee nói rằng: “TimeWarner đã sẵn sàng bước vào thị trường Việt Nam nhưng thị trường Việt Nam lại chưa sẵn sàng”.

Theo ông, vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ khiến TimeWarrner hết sức lo ngại. Ngoài ra, sân chơi giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực giải trí, truyền thông vẫn chưa bình đẳng. Dù vậy, ông Alvin Lee cho biết TimeWarner vẫn đang tích cực tìm kiếm các đối tác trong lĩnh vực rạp chiếu, sản xuất phim, truyền hình và Internet tại Việt Nam.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu các chương trình truyền hình, phim ảnh vào Việt Nam mà sẽ chú trọng hơn tới việc sản xuất các sản phẩm ở ngay tại Việt Nam”.

Bên lề diễn đàn, phó chủ tịch phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IBM, ông Stephen Braim, loan báo kế hoạch tuyển hàng ngàn kỹ sư công nghệ thông tin cho trung tâm của IBM tại TP.HCM trong vòng vài năm tới. Ông nhấn mạnh rằng các sản phẩm của IBM được sản xuất tại Việt Nam sẽ phục vụ thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ với các viện, các trường của Việt Nam nhằm thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của mình - ông Braim cho biết - Chúng tôi rất lạc quan về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam”.

Theo ông Đoàn Xuân Hưng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), các nhà đầu tư Mỹ gần đây đã đề đạt những dự án có giá trị hàng tỉ USD, ví dụ xây dựng cầu cảng, khai thác bioxit, nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện dùng gas ở miền Nam...

“Các doanh nghiệp Mỹ rất háo hức tìm hiểu và họ cho rằng đây là thời điểm để tìm hiểu. Sau diễn đàn này tôi tin sẽ có những hoạt động tích cực hơn của các đại gia Mỹ ở thị trường Việt Nam”, ông Hưng nói.

Ngày 4/5, đoàn doanh nghiệp Mỹ dự kiến tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiếp tục trao đổi ý kiến với đại diện của Bộ Quốc phòng và Văn phòng Quốc hội.

* Danh sách 18 công ty đến Việt Nam:

Abbott International, Agilent Technologies, Alcoa, Apco Worldwide, The Boeing Company, Chevron, Conoco Phillips, Exxon Mobil, Ford Motor Company, General Electric, Hewlett-Packard, IBM, JHPIEGO, Raytheon International Inc, TimeWarner, Universal Telecom Services Inc, UPS, Vietnam Partners LLC.