11:14 03/01/2014

2014, “thế giới đã trở nên dễ dự báo hơn”

Duy Cường - Ngọc Diệp

“2014 có thể coi như một trong những năm nhiều thách thức nhất tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính”

<b> </b>Ông Micheal Smith, CEO của ngân hàng ANZ.
<b> </b>Ông Micheal Smith, CEO của ngân hàng ANZ.
Trước thềm Diễn đàn Tài chính Châu Á 2014 diễn ra từ 13-15/1/2014 tại Hồng Kông, do Cục Xúc tiến Thương mại Hồng Kông (HKTDC) tổ chức, ông Micheal Smith, CEO của ngân hàng ANZ đã có những đánh giá về triển vọng thị trường tài chính châu Á năm 2014.  

Ông có thể đưa ra dự báo của mình cho ngành ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014, trong bối cảnh tình hình các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tốt hơn?

2014 có thể coi như một trong những năm nhiều thách thức nhất tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, 2014 sẽ mang đến cả những cơ hội và khó khăn. Tăng trưởng kinh tế châu Á tốt hơn khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn dự báo, kinh tế Mỹ phục hồi hỗ trợ quan trọng cho kinh tế toàn cầu, trong khi khủng hoảng châu Âu đã chạm đáy.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thế giới đã trở nên dễ dự báo hơn, dù vẫn còn biến động nhưng các yếu tố sẽ dần thích nghi được với hoàn cảnh mới.

Nói đến sự biến động, ông dự báo thế nào về những biến động sẽ đến tại Úc - nơi ông đang làm việc và Nhật Bản?

Tôi khá lạc quan với triển vọng của Úc, chính phủ mới đang và sẽ thân thiện hơn với doanh nghiệp. Tình hình lạc quan này sẽ kéo dài suốt năm, chính phủ biết họ sẽ phải làm gì để mang lại nhiều lợi ích nhất.

Úc đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, quá trình đó bắt đầu từ cuối thế kỷ 20 và sang thế kỷ 21 hiện nay. Ngành khai mỏ tại Úc vẫn phát triển tốt, giá hàng hóa ở mức tương đối cao. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng của Úc. Lĩnh vực nông nghiệp trong khi đó cũng tăng trưởng tốt.

Đối với Nhật, chương trình nới lỏng tiền tệ đã tạo ra thanh khoản dồi dào trên thị trường, đồng Yên được điều chỉnh giá. Hai yếu tố này đã giúp cho các ngành kinh tế tại Nhật phát triển ở tốc độ mà trong cuộc đời làm chuyên gia tôi chưa bao giờ được chứng kiến và xu thế này sẽ còn tiếp tục.

Về phía Mỹ, chúng ta đang nghe nói nhiều hơn về “tapering”, đó là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu, thế nhưng tại châu Á, ảnh hưởng từ động thái chính sách mới của FED sẽ giảm bớt phần nào khi mà Nhật tiếp tục bơm thanh khoản.

Chuyển sang Trung Quốc, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những thay đổi chính sách mà thế hệ lãnh đạo mới đưa ra, đặc biệt là đối với thị trường tài chính, liệu có khả năng thị trường tài chính Trung Quốc sẽ có trật tự mới?

Những chính sách cải cách kinh tế và tài chính mới hiện đang được đặt lên hàng đầu trong ưu tiên chính sách mà chính phủ Trung Quốc đưa ra sẽ rất tốt cho thị trường tài chính Trung Quốc, khu vực châu Á cũng như thế giới, đặc biệt lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng của các vụ thâu tóm trên thị trường Hồng Kông dù giá các loại tài sản ở mức cao, và ông có nhận xét gì về thị trường tài chính Hồng Kông?

Nếu bạn làm việc trên thị trường tài chính, bạn không thể nào bỏ qua Hồng Kông. Lý do tại sao? Ngoài yếu tố ổn định chính trị, hệ thống luật pháp nghiêm minh, nhân lực chất lượng cao không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính mà toàn bộ những thành phần trong thị trường tài chính, sẽ rất khó để nơi nào khác có tất cả những yếu tố như Hồng Kông đang sở hữu.

Và đối với Trung Quốc, Hồng Kông mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với Trung Quốc đại lục, điều này đặc biệt có lợi cho những công ty non kinh nghiệm trong làm ăn kinh doanh với Trung Quốc cũng  như châu Á. Kinh nghiệm học được từ Hồng Kông để hỗ trợ cho mối quan hệ làm ăn kinh doanh với Trung Quốc là thực sự cần thiết với doanh nghiệp.

Xét đến triển vọng của các vụ thâu tóm doanh nghiệp tại Hồng Kông, tôi nghĩ rằng giá trị của doanh nghiệp tại Hồng Kông nằm ở tương lai doanh nghiệp đó sẽ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Vậy triển vọng của các giao dịch đồng Nhân dân tệ sẽ như thế nào?

Rõ ràng Hồng Kông nằm ở trung tâm của sự phát triển đó. Hồng Kông sẽ đứng đầu trong các hoạt động liên quan đến đồng nhân dân tệ. Hoạt động phát triển các giao dịch liên quan đến Nhân dân tệ hết sức quan trọng.

Cũng cần phải nhớ rằng Úc là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại rất cao. Vì thế, đồng Nhân dân tệ sẽ đóng vai trò ngày một to lớn hơn trong sự phát triển của kinh tế Úc.

Vậy trong xu thế đang diễn ra, trung tâm tài chính Thượng Hải sẽ phát triển ra sao?

Theo tôi, tầm quan trọng của khu vực tự do thương mại sẽ ngày một tăng lên, vấn đề hiện nay là ở chỗ nó sẽ tạo ra thanh khoản đồng Nhân dân tệ như thế nào nếu không tăng cường các giao dịch giữa khu vực tự do thương mại Thương Hải và toàn bộ khu vực còn lại của Trung Quốc.

Việc đồng Nhân dân tệ được giao dịch quốc tế hay không rất quan trọng, nếu Hồng Kông có thể hấp thụ được dòng chảy đồng Nhân dân tệ quốc tế đó, Hồng Kông sẽ có thêm nhiều lợi thế.

Vậy ông chờ đợi gì ở Diễn đàn Tài chính châu Á lần này?

Đây là diễn đàn kinh tế tài chính đầu tiên của năm mới và sẽ thật thú vị khi được nghe nhiều dự báo của các chuyên gia về năm nay. Đặc biệt tôi muốn nghe xem người ta nói thế nào về Trung Quốc.