25 triệu thuê bao di động mới và chiến thuật... lấy của nhau!
Các nhà mạng lớn phát triển được hơn... 25 triệu thuê bao mới trong năm 2015 vừa qua
Thời kỳ tăng trưởng mạnh thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng lớn tại Việt Nam tưởng đã khép lại, thì nay bỗng đang được “hâm nóng”, khi các nhà mạng lớn phát triển được hơn... 25 triệu thuê bao mới trong năm 2015 vừa qua.
Cuộc đua mới
Theo số liệu được lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đưa ra tại buổi tổng kết cuối năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2015, mạng di động VinaPhone đạt 29,7 triệu thuê bao, tăng thêm 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014.
Mạng Viettel có số lượng thuê bao phát triển mới là 6,8 triệu, nâng lũy kế toàn mạng (trong nước) lên thành 56,4 triệu thuê bao.
Ấn tượng nhất là MobiFone.
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, năm 2015, MobiFone đã phát triển mới được 15 triệu thuê bao, vượt 33,6% kế hoạch đặt ra, và tăng trưởng tới 53,56% so với năm 2014.
Tất nhiên, số thuê bao phát triển mới mà ông Trà đưa ra chắc chắn không hoàn toàn là số thuê bao hoạt động thực chất (có phát sinh cước theo tháng), vì nếu không, tổng số thuê bao hoạt động thực của mạng này đã tăng hơn rất nhiều.
Dù vậy, nếu so với cuối năm 2013, các con số thuê bao phát triển mới trên, đều là điều... khó tin. Bởi, trong năm 2013, VNPT (gồm cả VinaPhone và MobiFone) đã giảm tới 10,8 triệu thuê bao. Viettel chỉ tăng chút ít là 1,61 triệu thuê bao.
Khi đó, các ông lớn viễn thông không ít lần than rằng phát triển thuê bao mới ngày càng khó do đã cán ngưỡng bão hòa, tổng số thuê bao di động đã gấp rưỡi tổng số dân. Thậm chí, có nhà mạng đã “gác lại” chiến lược tăng tốc phát triển thuê bao, thay vào đó là tăng các dịch vụ chăm sóc và giữ chân thuê bao.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, tình hình có vẻ đã khác. Một số chuyên gia viễn thông cho rằng, có dấu hiệu đang nhen nhóm một cuộc chạy đua phát triển thuê bao mới.
Cuộc đua có khả năng sẽ tiếp tục nóng lên khi cuối năm 2015 và đầu 2016, hai mạng di động VinaPhone và MobiFone được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho đầu số thuê bao mới là 088 và 089, và sẽ bắt đầu cung cấp ra thị trường từ tháng 3.
Nếu VinaPhone và MobiFone khai thác tốt được hiệu quả kho số cho đầu số mới trên (bán sim), khoảng 60-70% hiệu suất kho số, tương đương với 6 - 7 triệu thuê bao mới/đầu số, thì thị trường viễn thông di động ít nhất sẽ có thêm khoảng 13 - 14 triệu thuê bao mới từ riêng hai nhà mạng này.
Chiến thuật… lấy của nhau!
“Thị trường viễn thông di động đã bão hòa. Số người dùng từ 2-3 số điện thoại cũng không phải tất cả mà chỉ là một bộ phận nhất định. Vì thế, các nhà mạng muốn tăng thị phần, cơ bản, chỉ còn cách là “lấy” thuê bao của các nhà mạng khác”, lãnh đạo một mạng di động lớn thẳng thắn.
Nhưng khó ở chỗ, theo ông, do giá cước hiện rất rẻ, giữa các mạng di động là tương đương nhau, nên rất khó để thu hút người dùng bằng giá và thậm chí người dùng cũng không còn quan tâm đến giá nữa.
Trong khi đó, để thuê bao “ở lại” với nhà mạng chính là ở các tiện ích, giá trị gia tăng, các chính sách chăm sóc thuê bao và chất lượng dịch vụ mà người dùng nhận được.
Nhưng muốn giữa chân thì phải lấy (có) thuê bao mới đã, vị lãnh đạo trên nói và lý giải cụ thể rằng, bằng cách này hay cách khác phải để người dùng (mới) dùng thử dịch vụ của mình.
Khi khách hàng dùng thử rồi thì tìm cách giữ chân họ ở lại với mình bằng các dịch vụ như tặng quà, tặng voucher… nhân ngày sinh nhật, ngày lễ…
Lãnh đạo một nhà mạng lớn khác cho biết, trong số thuê bao phát triển mới, thông thường sẽ có khoảng 30-40% số thuê bao là có ARPU (tỷ lệ doanh thu trung bình trên một thuê bao) rất thấp.
Đó là những người dùng chỉ đợi có khuyến mại, tặng thời lượng gọi… thì mới mua hoặc dùng sim mới (không phải số chính).
“Tuy nhiên, do chúng tôi là mạng có thị phần thấp (ý ông so sánh với mạng có thị phần lớn là Viettel) nên cũng chưa quan tâm nhiều lắm đến ARPU. Mục tiêu chính của chúng tôi bây giờ là tăng thị phần và giữ chân thuê bao mới này”, ông nói.
Việc nhà mạng lớn không quan tâm lắm tới ARPU - vấn đề tưởng chỉ tồn tại ở các mạng di động nhỏ như Vietnamobile hay Gmobile, hoặc Viettel ở những năm đầu mới gia nhập thị trường - thì nay, lại bắt đầu hiện hữu ở một số ông lớn viễn thông di động.
Thực tế này không chỉ dẫn đến khả năng làm “nóng” lên cuộc đua phát triển thuê bao mới giữa các “ông lớn” mà còn là sức ép mới với các mạng di động nhỏ vốn lâu nay chỉ dựa vào lợi thế giá rẻ.