3 giải pháp thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 3 giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam
Tính đến hết năm 2007, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu ở khu vực châu Á gồm 167 dự án với tổng vốn đầu tư là 751,03 triệu USD, chiếm 67% về số dự án và 54% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các dự án đã giải ngân vốn khoảng 927 triệu USD, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn khoảng 58,6% tổng vốn thực hiện và đạt khoảng 60% tổng vốn đăng ký.
Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2008 - 2010, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt bình quân khoảng 500 triệu USD/năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 3 giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, Nhà nước khẩn trương xây dựng đề án về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư ngay trong năm 2008 và những năm tới tại những thị trường trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế như Lào, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Campuchia...
Theo đó, phải tiến hành ngay các chương trình xúc tiến đầu tư và nghiên cứu thị trường, luật pháp, chính sách, tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư để hướng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư có hiệu quả tại những thị trường này.
Trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn sẽ trình Chính phủ việc phân cấp quản lý đầu tư ra nước ngoài để các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài dễ hoạt động. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ làm cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài để có chính sách phù hợp, kịp thời.
Thứ hai, về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ liên tục tổ chức thu thập thông tin về môi trường đầu tư tại các nước để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước đang có ý định đầu tư ra nước ngoài về như: chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư, luật pháp chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể tại nước mà doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào. Công bố thông tin về các dự án đầu tư cụ thể đã được Chính phủ Việt Nam ký với nước ngoài...
Thứ ba, Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho những dự án thực hiện tại nước ngoài mà có tác động tới sự phát triển kinh tế của nước ta như: dự án điện để xuất khẩu điện về Việt Nam, dự án khai thác khoáng sản để thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước...
Theo đó những dự án này sẽ được vay vốn của Nhà nước thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) với mức vay tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi và được miễn hình thức đảm bảo tiền vay bằng tài sản.
Ngoài ra các dự án này nếu đầu tư tại Nga, Lào, Campuchia sẽ được Chính phủ bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại trong nước với mức vay được vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cho vay.
Tại một số dự án đặc biệt doanh nghiệp còn có thể đề nghị Nhà nước góp vốn đầu tư. Những dự án này còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước mà doanh nghiệp đầu tư.
Hiện Chính phủ đang đi đến thống nhất nội dung của hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế trùng của Việt Nam với một số nước đã ký thoả thuận, đây sẽ là cơ sở cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét đưa ra cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư sang thị trường Lào và Campuchia để đào tạo các lao động do lao động tại hai thị trường này không thể đáp ứng được về số lượng và chất lượng theo yêu cầu.
* Tính từ thời điểm Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đến hết năm 2007, các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp với hơn 100 dự án có tổng vốn đầu tư là 893,6 triệu USD, chiếm 40,16% về số dự án và 64,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.