12:49 23/06/2014

4 lý do khiến Nga không đứng sau Trung Quốc về biển Đông

An Huy

Nga có quan hệ tốt đẹp với quốc gia ven biển Đông và “không việc gì” phải đối đầu với Đông Nam Á chỉ vì lợi ích của Trung Quốc

Ngày 17/6 vừa qua, đoàn chiến hạm Nga gồm tàu chống ngầm cỡ lớn Nguyên soái Shaposhnikov, tàu chở dầu Irkut và tàu cứu hộ Alatau đã ghé thăm không chính thức cảng Cam Ranh.
Ngày 17/6 vừa qua, đoàn chiến hạm Nga gồm tàu chống ngầm cỡ lớn Nguyên soái Shaposhnikov, tàu chở dầu Irkut và tàu cứu hộ Alatau đã ghé thăm không chính thức cảng Cam Ranh.
Theo phân tích của tạp chí The Diplomat, có những yếu tố chiến lược và chính trị khiến Moscow không hậu thuẫn Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Thời gian gần đây, mức độ căng thẳng trên biển Đông gia tăng mạnh. Đây là hậu quả của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Philippines bắt giữ và tống giam ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép cũng làm gia tăng bất đồng giữa Bắc Kinh và Philippines.

Những sự kiện này xảy ra đồng thời, khiến tình hình trên biển Đông trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh như vậy, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, đồng thời thắt chặt liên minh quân sự với Philippines.

Tuy nhiên, Nga - đối tác chiến lược của Trung Quốc - đến nay vẫn chưa lên tiếng bày tỏ lập trường trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông, và không có tín hiệu nào cho thấy sự ủng hộ đối với hành vi của Trung Quốc.

Điều này có thể ít nhiều khiến Trung Quốc “khó chịu”, bởi nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng, quan hệ Trung-Nga hiện đang rất tốt đẹp. Thậm chí, ngay cả trong tranh chấp Trung-Nhật đối với quần đảo Điếu Nga/Senkaku trên biển Hoa Đông, Nga cũng có một lập trường không rõ ràng.

Bài báo của The Diplomat nhận định, có những yếu tố chính trị và chiến lược phức tạp dẫn tới thái độ này của Nga.

Trong đó, 4 yếu tố chính bao gồm:

Thứ nhất, quan hệ Trung-Nga khác với quan hệ Mỹ-Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh của nhau. Không hề có một thỏa thuận liên minh nào giữa hai nước như hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Philippines hay giữa Mỹ với Nhật Bản. Trong quan hệ liên minh, mỗi bên có nghĩa vụ bắt buộc phải có sự ủng hộ về chính trị và thậm chí là quân sự dành cho đối tác. Trong quan hệ quốc tế, đây là mức độ cao nhất của quan hệ song phương.

Quan hệ Trung-Nga đã có một số đặc điểm của một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng hai nước không hề bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ bắt buộc phải ủng hộ không gian quốc tế và lợi ích quốc gia của bên kia.

Từ lâu, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh và quảng bá các nhân tố tích cực trong quan hệ Trung-Nga, trong khi báo chí nước ngoài cũng đôi khi ca ngợi quá mức mối quan hệ này. Có lúc, giới truyền thông thậm chí còn gọi hai nước là “đồng minh” không có hiệp ước liên minh. Điều này khiến nhiều người tin rằng, sự hợp tác chính trị Trung-Nga là không biên giới, tạo ra sự cải thiện tuyệt vời cho tình hình an ninh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế quan hệ quốc tế cho thấy, cho dù quan hệ Trung-Nga có tốt đẹp đến đâu, thì mối quan hệ này cũng không ảnh hưởng tới chính sách cơ bản của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Thực tế là, quan hệ Trung-Nga được dựa căn bản trên các lợi ích chung. Trung Quốc không thể nhầm lẫn về đặc điểm quan hệ Trung-Nga và kỳ vọng quá nhiều từ Nga trong vấn đề biển Đông.

Thứ hai, Nga có quan hệ tốt đẹp với quốc gia ven biển Đông và “không việc gì” phải đối đầu với Đông Nam Á chỉ vì lợi ích của Trung Quốc. Như đã nói ở trên, Nga không “mặn mà” với việc công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Một trong những lý do quan trọng nhất dẫn tới thái độ này của Nga là vì Nga có quan hệ tốt đẹp với nhiều nước Đông Nam Á.

Chẳng hạn, Liên Xô cũ có mối quan hệ rất gần gũi với Việt Nam, thậm chí là gần gũi hơn với Trung Quốc. Với sự ủng hộ của Liên Xô, Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam. Không hề có trở ngại lớn nào trong sự phát triển của quan hệ Việt-Nga. Giữa hai nước không hề có tranh chấp hay xung đột nào về mặt lịch sử cũng như ở hiện tại.

Trong quan hệ giữa hai nước, có một lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng là quốc phòng, đã kéo dài từ thời Thế chiến thứ hai cho tới ngày nay. Nhiều vũ khí của Việt Nam được nhập từ Nga, trong đó phải kể tới tàu ngầm Kilo. Ngoài ra, trong nửa sau của năm nay, Nga sẽ cung cấp máy bay chiến đấu Su-30MK2 cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nga cũng có quan hệ tốt đẹp với Philippines. Chẳng hạn, hai năm trước, ba tàu Hải quân Nga, bao gồm tàu khu trục chống tàu ngầm Admiral Panteleyev đã có chuyến thăm cảng Manila kéo dài ba ngày. Theo phía Nga, chuyến thăm này giúp cải thiện quan hệ giữa Moscow với Manila.

Thứ ba, Nga không cần thiết phải tìm kiếm sự đối đầu trực tiếp với Mỹ trong vấn đề biển Đông. Hiện tại, trọng tâm của Nga đang nằm ở châu Âu, nhất là khi cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây thêm căng thẳng. Vấn đề này sẽ không dễ được giải quyết trong ngắn hạn. Bởi thế, Nga không có mong muốn hay khả năng để đối đầu Mỹ ở biển Đông.

Bên cạnh đó, tranh chấp trên biển Đông không thực sự là xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ. Những tranh chấp này xuất phát từ bất đồng giữa các quốc gia cạnh biển Đông về lịch sử và nguyên trạng các quyền hàng hải. Trong các tranh chấp này, nước Mỹ chỉ là một nhân tố có ảnh hưởng, không phải là nhân tố quyết định tương lai của tình hình. Trong bối cảnh như vậy, là một quốc gia đứng ngoài, Nga càng thiếu động cơ để ủng hộ Trung Quốc và chỉ trích nước Mỹ.

Và thứ tư, sự phát triển của Trung Quốc trên thực tế đã gây một số lo ngại đối với Nga. Đối với phương Tây, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trên biển Đông có thể sẽ giúp hạn chế một phần “sự bành trướng” của Trung Quốc sang các khu vực khác.

Đã có nhiều ý kiến từ Nga cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc vùng Viễn Đông của Nga dần bị người Trung Quốc “chiếm” mất.

Từ lâu, vùng Viễn Đông của Nga với đất đai rộng lớn và tài nguyên dồi dào đã trở thành một nguồn cung cấp đầu vào cho sự phát triển của Trung Quốc. Mặc dù giới chức Nga tỏ ra lạc quan về tiềm năng hợp tác Nga-Trung ở Viễn Đông, họ chưa khi nào nới lỏng cảnh giác trước cái gọi là “sự bành trướng lãnh thổ” của Trung Quốc.