18:00 16/03/2010

4 lý do không nên quá bi quan về thị trường chứng khoán

Ngô Hữu Hùng

Có thể thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 17/3, nhưng nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu

Nhà đầu tư nên theo dõi khối lượng giao dịch để có hành động thích hợp, ngưỡng hỗ trợ theo đồ thị kỹ thuật là tại 512 điểm, nếu ngưỡng này bị phá vỡ thì 500 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo - Ảnh: Quang Liên.
Nhà đầu tư nên theo dõi khối lượng giao dịch để có hành động thích hợp, ngưỡng hỗ trợ theo đồ thị kỹ thuật là tại 512 điểm, nếu ngưỡng này bị phá vỡ thì 500 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo - Ảnh: Quang Liên.
Có thể thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 17/3, nhưng nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu.

Theo người viết, nguyên nhân của phiên giảm điểm mạnh ngày 16/3 có thể liên quan đến việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 sắp công bố và thông tin về việc giá xăng có thể sẽ tiếp tục tăng, do Petrolimex đang kêu lỗ 1.000 đồng/lít xăng A92.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về mức tăng của CPI tháng 3, nhưng theo dự báo của một số chuyên gia thì mức tăng có thể nằm trong vùng từ 0,7-0,9%, và đây là mức tăng có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của CPI vào tháng tiếp theo và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm 2010.

Mặc dù thị trường đã giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sáng 16/3, nhưng chúng ta không nên quá bi quan vào thị trường. Có 4 nguyên nhân để ủng hộ quan điểm này:

Thứ nhất, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm, lãi suất qua đêm chỉ còn 6,6-7,6%/năm. Điều này cho thấy thanh khoản ngân hàng đã cải thiện đáng kể và điều này sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường chứng khoán.

Thứ hai, bài học sử dụng đòn bẩy quá mức trong thời gian cuối năm 2009 đã khiến cho nhiều nhà đầu tư thận trọng, cho nên mức độ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư là không lớn trong đợt tăng trưởng vừa qua. Vì vậy, khả năng bán tháo sẽ được hạn chế nếu thị trường tiếp tục giảm điểm.

Thứ ba, thị trường chưa tăng điểm nhiều trong thời gian vừa qua, nếu tính từ mức 500 điểm đến mức 531 thì chỉ số VN-Index mới chỉ tăng được 6%. Nếu ngày 17/3 thị trường tiếp tục giảm điểm mà nhà đầu tư bán ra thì có thể xem là hành động bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ chứ không thể gọi là chốt lời được. Trong khi chưa có kênh đầu tư nào khác hấp dẫn đồng thời không bị nhiều áp lực về vốn thì nhiều nhà đầu tư sẽ chọn giải pháp nắm giữ hơn là bán ra.

Thứ tư, khối lượng giao dịch tăng đáng kể so với ngày 15/3, tăng 19,6%. Đây chính là điểm sáng của phiên giao dịch hôm 16/3, cho thấy rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia bắt đáy và điều này sẽ giúp cho thị trường hãm được đà giảm điểm.

Có thể, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 17/3 do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn còn. Tuy vậy, người viết cho rằng nhà đầu tư không nên bán tháo. Nhà đầu tư nên theo dõi khối lượng giao dịch để có hành động thích hợp, ngưỡng hỗ trợ theo đồ thị kỹ thuật là tại 512 điểm, nếu ngưỡng này bị phá vỡ thì 500 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo.

* Tác giả bài viết hiện là Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt (DVSC).