16:24 01/02/2010

5 hiểu lầm về kinh tế Ấn Độ

Kiều Oanh

5 hiểu lầm thường gặp và sự thật phía sau những hiểu lầm đó về kinh tế Ấn Độ

Một đường phố ở Mumbai. Những thành phố lớn của Ấn Độ vẫn là ví dụ sinh động về đô thị của một quốc gia đang phát triển.
Một đường phố ở Mumbai. Những thành phố lớn của Ấn Độ vẫn là ví dụ sinh động về đô thị của một quốc gia đang phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Ấn Độ đang chuyển mình từ chỗ là miền đất của những đàn voi và người thôi miên rắn thành một cường quốc công nghệ thông tin, một nền kinh tế mới nổi hùng mạnh.

Dù hai cách nhìn trên về Ấn Độ đều hợp lý, nhưng từ trước tới nay, không ít người đã hiểu chưa chính xác về nền kinh tế này.

Trên tờ Business Week, hai tác giả Anil K. Gupta và Haiyan Wang đã chỉ ra 5 hiểu lầm thường gặp và sự thật phía sau những hiểu lầm đó về kinh tế Ấn Độ. Theo hai tác giả này, công nghệ thông tin chưa phải là đầu tàu của kinh tế Ấn Độ như nhiều người vẫn nghĩ, và nền giáo dục của Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng nền kinh tế này không thua kém Trung Quốc tới mức như quan niệm thường thấy.

Hiểu lầm 1: Lĩnh vực công nghệ thông tin đóng vai trò là động lực chính đối với tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ

Không ai có thể phủ nhận việc Ấn Độ là một cường quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và các dịch vụ IT. Tuy nhiên, IT chỉ đóng một phần rất nhỏ vào nền kinh tế Ấn Độ. Năm 2008, ngành IT của Ấn Độ đạt doanh thu 72 tỷ USD. Nếu tính ở phương diện giá trị gia tăng, lĩnh vực này đóng góp vỏn vẹn 4% GDP của Ấn Độ trong năm 2009.

Đóng góp của ngành này vào việc tạo công ăn việc làm tại Ấn Độ thậm chí còn nhỏ hơn. Chỉ có khoảng 2 triệu người ở Ấn Độ làm việc trực tiếp trong ngành IT, và ngành này cũng chỉ tạo thêm được 8 triệu việc làm gián tiếp ở nước này, trong lực lượng lao động lên tới 700 triệu người tại đây.

Như vậy, dù ngành IT của Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ 25% mỗi năm và đem đến cho Ấn Độ một hình ảnh thương hiệu tốt, thì phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn đang được đóng góp chủ yếu bởi ngành sản xuất và các ngành dịch vụ khác.

Hiểu lầm 2: Kinh tế Ấn Độ “thua” kinh tế Trung Quốc hàng thập kỷ

Nhiều du khách từng đặt chân tới Ấn Độ và Trung Quốc đều có ấn tượng mạnh khi so sánh Mumbai, New Dehli và Bangalore với Thượng Hài, Bắc Kinh và Quảng Châu. Sự khác biệt giữa các đô thị của hai quốc gia này rất rõ nét. Những thành phố hàng đầu của Trung Quốc giờ đây có vẻ ngoài hiện đại và hào nhoáng không kém gì New York hay London. Trong khi đó, những thành phố lớn của Ấn Độ vẫn là ví dụ sinh động về đô thị của một quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, kinh tế Ấn Độ không “thua xa” kinh tế Trung Quốc như sự so sánh trên chỉ ra.

Năm 2008, GDP của Trung Quốc cao hơn 3 lần so với GDP của Ấn Độ. Nếu GDP của Ấn Độ tăng trưởng 8-9% trong thập kỷ tới như dự báo của nhiều tổ chức uy tín (theo số liệu mới nhất, trong quý 3/2009, kinh tế Ấn Độ tăng 7,9%) thì tới năm 2020, quy mô của nền kinh tế nước này sẽ ngang bằng với kinh tế Trung Quốc năm 2008.

Như vậy, kinh tế Ấn Độ chỉ cách kinh tế Trung Quốc khoảng 12-14 năm, thay vì vài thập kỷ như suy nghĩ của nhiều người. Sự cách biệt này tương ứng với khoảng thời gian giữa năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách, và năm 1991, khi Ấn Độ cũng bắt tay vào thực hiện chiến lược tương tự.

Hiểu lầm 3: Nền chính trị dân chủ ở Ấn Độ sẽ cản trở việc cải thiện nhanh chóng hệ thống cơ sở hạ tầng

Với hệ thống chính trị dân chủ cao độ, bất kỳ chính phủ nào lên cầm quyền ở Ấn Độ cũng gặp khó trong việc di dời hàng triệu dân khỏi các trung tâm thành phố để nhường chỗ cho các dự án nhà cao tầng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng không chỉ bao gồm những con đường lớn và những tòa nhà cao, mà còn bao gồm cả cảng biển, sân bay, nhà máy phát điện, hệ thống truyền dẫn, viễn thông, đường ray… Do đó, nền chính trị của Ấn Độ chỉ cản trở việc cải thiện bộ mặt đô thị của các nước này, thay vì cả hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung.

Trong thời gian 1995-2007, Trung Quốc chi khoảng 8,5% GDP vào cơ sở hạ tầng, so với mức 4,2% GDP của Ấn Độ chi cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ hiện đang chi 8% GDP cho cơ sở hạ tầng, và dự kiến sẽ tăng mức chi này lên 9%. Nhưng do mức độ dân chủ cao, khả năng Ấn Độ sẽ trở thành một công xưởng của thế giới trước khi những thành phố của nước này có vẻ ngoài hiện đại hơn.

Hiểu lầm 4: Tăng trưởng dân số không kiểm soát là một gánh nặng của Ấn Độ

Khi nghĩ tới Ấn Độ, nhiều người hình dung ngay tới những thành phố đông chật dân nghèo và đặt câu hỏi, liệu nước này có thể chịu đựng được mãi tốc độ tăng trưởng dân số không kiểm soát hiện nay?

Đúng là tại Ấn Độ hiện không có chính sách hạn chế sinh đẻ nào được áp dụng, nhưng xu hướng tăng trưởng dân số ở đây là ngày càng đi xuống. Tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm từ mức 4,65 vào năm 1980, xuống còn 3,25 vào năm 2000, rồi 2,68 vào năm 2007. Tốc độ tăng trưởng dân số cũng giảm nhanh chóng từ mức 2,15% mỗi năm vào thập niên 1980, xuống 1,5% vào năm 2000, và 1,35% kể từ đó tới nay.

Nếu xu hướng này tiếp tục, thì tỷ lệ sinh của Ấn Độ sẽ chỉ còn 2,0 trong thập kỷ tới, và tăng trưởng dân số sẽ chỉ còn 0,6% mỗi năm, bằng với mức của Trung Quốc hiện nay. Nói cách khác, sự tăng trưởng dân số của Ấn Độ đang tự điều chỉnh, thay vì là một gánh nặng dai dẳng đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.

Hiểu lầm 5: Ấn Độ có nền giáo dục đẳng cấp quốc tế

Trong buổi lễ ra mắt quỹ cải cách giáo dục “Race to the Top” của Mỹ, Tổng thống nước này Barack Obama đã khuyến khích các trường học ở Mỹ phát triển các tiêu chuẩn cạnh tranh quốc tế để các các sinh viên Mỹ có thể đuổi kịp “sinh viên ở Bắc Kinh và Bangalore”. Tổng thống Obama đã đúng khi tăng đầu tư cho giáo dục, nhưng nếu xem hệ thống giáo dục của Ấn Độ thuộc hàng đẳng cấp quốc tế thì có lẽ chưa thực sự chuẩn xác.

Ở Ấn Độ, sự phân hóa không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở phương diện thu nhập mà còn ở cả trong lĩnh vực giáo dục. Việc đặt chân vào những trường đại học đẳng cấp cao ở Ấn Độ như Viện Công nghệ Ấn Độ và Viện Quản lý Ấn Độ còn khó khăn hơn cả vào những trường danh tiếng hàng đầu của Mỹ như Havard hay MIT. Những trường này cũng là cái nôi đào tạo hàng loạt giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp cho những doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ biết chữ ở người trưởng thành của Ấn Độ hiện chỉ đạt mức 61%, so với mức 91% của Trung Quốc, 90% của Indonesia, và 89% của Brazil. Trong suốt 5 thập kỷ qua, Trung Quốc nhấn mạnh việc phát triển giáo dục phổ thông, trong khi Ấn Độ lại thúc đẩy giáo dục bậc cao. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng sản xuất đang diễn ra, Ấn Độ đang cần nhiều “thợ” hơn “thầy”.

(Theo Business Week)