11:15 26/09/2008

57 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 9 tháng

Thùy Trang

Mặc dù nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng vốn FDI lại tăng kỷ lục

Bất động sản đang là lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Bất động sản đang là lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo số liệu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức 57,12 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2007.
 
Bên cạnh việc vốn đăng ký tiếp tục tăng cao, trong 9 tháng, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI cũng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 9, cả nước có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,9 tỷ USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 9 tháng đầu năm nay lên 885 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 56,2 tỷ USD, bằng 80% về số dự án và tăng hơn 5 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, Việt Nam có 225 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 855,7 triệu USD, bằng 76,3% về số lượt dự án tăng vốn và 52,7% tổng vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2007, do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 63,5 triệu USD/dự án.

Nhiều dự án quy mô lớn triển khai ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận như: dự án sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa đầu tư 7,879 tỷ USD; dự án khu đô thị đại học Berjaya Leisure (Malaysia) đầu tư 3,5 tỷ USD tại Tp.HCM.

Vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (32,3 tỷ USD) chiếm 57,48% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ (23,7 tỷ USD) chiếm 42,15% tổng vốn đầu tư, còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ dòng vốn FDI cam kết đã chuyển từ dịch vụ sang công nghiệp - xây dựng là do sự xuất hiện của các dự án: nhà máy gang thép Formosa gần 8 tỷ USD, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 6,2 tỷ USD và liên doanh sản xuất thép giữa Tập đoàn Lion Malaysia với Vinashin, có tổng vốn đăng ký 9,79 tỷ USD.

Dự án thép "siêu vốn" của Tập đoàn Lion đã đưa Malaysia trở thành đối tác đứng đầu trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam từ vị trí thứ 3 của tháng trước với 37 dự án, vốn đăng ký 14,8 tỷ USD, chiếm 4,1% về số dự án và 26,45% về vốn đầu tư đăng ký.

Đài Loan đứng thứ 2 có 116 dự án, vốn đầu tư 8,6 tỷ USD, chiếm 13,1% về số dự án và 15,3% về vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng thứ 3 có 84 dự án, vốn đầu tư 7,2 tỷ USD, chiếm 9, 4% về số dự án và 12,89% về vốn đầu tư đăng ký dự án.

Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná đã đưa tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên đứng đầu 43 địa phương trong cả nước thu hút FDI, tiếp đó là Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp.HCM, Hà Tĩnh.