08:49 19/12/2007

6 khuyến nghị về chính sách đầu tư của Việt Nam

Thùy Trang

"Đã đến thời điểm Chính phủ Việt Nam phải xem xét chiến lược đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực mới"

Phần lớn FDI của Việt Nam thời gian vừa qua tập trung vào lĩnh vực sản xuất hướng xuất khẩu.
Phần lớn FDI của Việt Nam thời gian vừa qua tập trung vào lĩnh vực sản xuất hướng xuất khẩu.
Ngày 18/12 tại Hà Nội, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn cho báo cáo nghiên cứu về "Chính sách đầu tư của Việt Nam".

Dự thảo báo cáo đã phân tích xu thế dòng vốn đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam và từ đó, đưa ra những gợi ý chính sách nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Hội nghị được tổ chức trên tinh thần trao đổi thẳng thắn giữa các chuyên gia của UNCTAD và đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế và Việt Nam về con đường phát triển trong tương lai, kể cả các khó khăn mà Việt Nam sẽ phải vượt qua. Các đại biểu nhấn mạnh Việt Nam cần có cải cách hơn nữa để đảm bảo phát triển bền vững và giảm nghèo.

Tổng thư ký UNCTAD, ông Supachai Panitchpakdi khẳng định: phần lớn FDI của Việt Nam thời gian vừa qua tập trung vào lĩnh vực sản xuất hướng xuất khẩu. "Đã đến thời điểm Chính phủ Việt Nam phải xem xét chiến lược đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực mới", ông nhấn mạnh.

Ông Quentin Dupriez, thành viên ban soạn thảo Báo cáo đã nêu ra 6 khuyến nghị liên quan đến khung chính sách đầu tư để Việt Nam thực hiện tốt tiềm năng thu hút FDI và thu được thêm nhiều lợi ích từ FDI.

Một là Chính phủ Việt Nam cần chuyển từ đường lối "kiểm soát và chỉ đạo" sang "điều tiết, theo dõi và cưỡng chế tuân thủ". Một số biện pháp cần thực hiện ngay như cụ thể hoá danh sách các hạn chế tiếp nhận đầu tư, xoá bỏ giới hạn về thời gian trong giấy chứng nhận đầu tư...

Hai là thực hiện đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng, khuyến khích các dòng đầu tư mớI nhằm đa dạng hoá lĩnh vực chứ không chỉ vào xuất khẩu.

Ba là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hấp thu các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chính sách phát triển kỹ năng dựa trên giáo dục.

Bốn là phân biệt rõ ràng chức năng sở hữu và chức năng điều tiết của Nhà nước. Trong đó, UNCTAD đề xuất: chuyển giao quyền sở hữu tất cả các doanh nghiệp Nhà nước cho SCIC và trao cho tổng công ty này chức năng thực hiện ràng buộc ngân sách đối với tất cả các doanh nghiệp quốc doanh và thực hiện cơ chế trợ cấp Nhà nước một cách minh bạch khi cần thiết.

Năm là đơn giản hoá hệ thống thuế và hợp lí hoá cơ cấu ưu đãi thuế nhằm giúp cơ quan quản lí thuế dễ dàng thực thi. Cụ thể, Chính phủ nên tiến hành đánh giá tổng thể các ưu đãi thuế và cải cách hệ thống hiện hành khiến cho hệ thống thuế phổ cập trở nên hấp dẫn và cạnh tranh.

Sáu là hấp thu và thực hiện các thay đổi của pháp luật một cách lành mạnh. Cần có nhiều nỗ lực để trang bị thông tin, giáo dục-đào tạo các thẩm phán và các nhà quản lý.