14:12 09/06/2009

8 nguyên nhân khiến dự án ODA chậm giải ngân

Anh Quân

Tám nguyên nhân cơ bản được xác định là những “rào cản” chung trong việc thực hiện các dự án ODA

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổ công tác ODA của Chính phủ đã có buổi họp giao ban với Ngân hàng Thế giới (WB), một trong những nhà tài trợ ODA quan trọng cho Việt Nam.

Tại buổi họp này, 8 nguyên nhân cơ bản được xác định là những “rào cản” chung trong việc thực hiện các dự án ODA. Cùng với các nguyên nhân, tại cuộc họp, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập đến.

Nguyên nhân thứ nhất được xác định là do trì hoãn kéo dài trong quá trình phê duyệt thủ tục của các cơ quan chủ quan cấp bộ.

Rất nhiều các dự án gặp phải vướng mắc này và được liệt kê ra tại cuộc họp giao ban ODA, điển hình là các dự án an toàn đường bộ; dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Mê Kông; dự án phát triển cung cấp nước sạch, cung cấp nước và vệ sinh rác thải đồng bằng sông Hồng…

Những hành động cụ thể cũng được đề cập đến trong cuộc họp, đó là cần đạt được mục tiêu của chính sách phân cấp hóa, xác định rõ nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền hạn của các cơ quan liên quan, từ đó thiết lập quy trình làm việc chuẩn.

Nguyên nhân thứ hai là do quá trình phê duyệt đấu thầu chậm từ phía WB. Tiêu biểu cho những dự án thuộc diện này là dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Mê Kông, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội…

Về vấn đề này, phía WB đưa giải pháp, nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới và các cấp quản lý cần xúc tiến quá trình phê duyệt nội bộ để tiến hành các hợp đồng có liên quan.

Nguyên nhân thứ ba được xác định là do quá trình “khởi động” dự án rất chậm. Nhiều dự án mất đến 2 năm gần như “dậm chân tại chỗ”, và chỉ thực sự đi vào hoạt động sau khi Hiệp định được chính thức ký kết.

Tại cuộc họp, phía WB cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cho phép các ban quản lý các dự án trọng điểm được thực hiện một số hoạt động ưu tiên trước khi hiệp định ký kết, để đảm bảo sau khi ký dự án đã chuẩn bị để đấu thầu ngay.

Nguyên nhân thứ tư cũng được nhiều cơ quan điều phối dự án nhắc đến, đó là do sự khác nhau giữa hướng dẫn của Chính phủ và các nhà tài trợ. Sự không hài hòa này khiến nhiều dự án phải trình ngược trở lại cấp cao hơn, mất rất nhiều thời gian.

Để giải quyết nguyên nhân này, phía WB kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ đạo, cho phép các ban quản lý tuân theo hướng dẫn của WB trong trường hợp có sự khác biệt giữa hướng dẫn về đấu thầu.

Nguyên nhân thứ năm đến từ sự điều phối chưa thật tốt giữa cấp trung ương và địa phương. Những dự án ODA có diện phủ rộng ở nhiều địa phương, với cơ quan bộ làm điều phối thường rơi vào tình trạng phối hợp điều hành dự án không tốt.

Tại buổi họp, nhiều ý kiến nhất trí cần xác định các hoạt động cụ thể, các cơ quan liên quan và các quy trình thủ tục trong hướng dẫn thực hiện dự án để việc điều phối được quy chuẩn và dễ dàng hơn.

Nguyên nhân thứ sáu được chỉ rõ, là do thiếu hụt và chậm chế trong nguồn ngân sách đối ứng, bao gồm cả tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Với nguyên nhân này, giải pháp là các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và bộ chủ quản dự án cần sớm phân bổ đầy đủ nguồn vốn cho các tỉnh. Về phía Chính phủ cũng cần cân nhắc yêu cầu về bổ sung nguồn vốn của WB cho các hoạt động này.

Nguyên nhân thứ bảy là do quá trình thanh toán phức tạp và có quá nhiều cơ quan kiểm soát chi.

WB kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan kiểm soát chi khác như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Kho bạc Nhà nước… cần đánh giá quá trình kiểm soát chi và bỏ đi các séc chi không cần thiết.

Ngoài ra, cần tiến hành thực hiện các quy trình công việc tiêu chuẩn, cân nhắc tới việc sử dụng các ngưỡng chi, kiểm soát ngẫu nhiên…

Nguyên nhân thứ tám gặp phải ở tất cả các dự án của WB tài trợ, đó là việc vượt định mức xây dựng trong quá trình đấu thầu và không có tính linh hoạt trong việc điều chỉnh chi phí dự án cho từng gói hợp đồng cụ thể, dẫn đến việc phải đấu thầu lại.

Giải pháp cho vấn đề này được WB đưa ra là phải cải thiện định mức chi phí thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý chi phí tại cấp dự án, hơn là quản lý theo hợp đồng riêng lẻ, cho phép điều chỉnh ngân sách trong khuôn khổ dự án.

WB cũng kiến nghị, trong ngắn hạn các cơ quan chủ quản nên có cơ chế hướng dẫn rõ ràng để có thể giải quyết các trường hợp mà gói bỏ thầu có giá trị cao hơn dự trù ngân sách.