8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
Năm 2020, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao
Năm 2020, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao. Trong đó, nổi bật là những điểm nhấn trên các lĩnh vực công tác như: Xây dựng chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm y tế; Phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Trên cơ sở những kết quả này, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.
Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28; các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Ba là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021.
Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Sáu là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.
Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành vững nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.
Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.