08:29 07/11/2011

9 tháng, PVF lãi hợp nhất đạt hơn 220 tỷ đồng

Hà Anh

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PVF đạt 79.707 tỷ đồng, tăng 13.674 tỷ đồng so với 1/1/2011 (66.033 tỷ đồng)

Diễn biến giá cổ phiếu PVF trong 3 tháng qua - Nguồn: HSX.
Diễn biến giá cổ phiếu PVF trong 3 tháng qua - Nguồn: HSX.
Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (mã PVF-HSX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và lũy kế 9 tháng năm 2011.

Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý 3 lỗ 26,1 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 32 tỷ đồng; lợi nhuận từ mua bán kinh doanh ngoại hối đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng; lỗ thuần từ mua bán chứng khoán là 96,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước PVF lỗ 224,6 tỷ đồng;

Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 452,7 tỷ đồng; thu nhập từ vốn góp mua cổ phần đạt 82,5 tỷ đồng; chi phí hoạt động trong quý 3 là 231,6 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng là 218,2 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 156,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 61,7 tỷ và 60,4 tỷ đồng, EPS đạt 85 đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2011, thu nhập lãi thuần đạt hơn 87 tỷ đồng; lỗ thuần từ mua bán chứng khoán là -279,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2011, PVF lỗ 510,8 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 474,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 266,7 tỷ và 220,5 tỷ đồng, EPS đạt 520 đồng.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ trong quý 3 đạt 50,7 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2011 đạt 331,7 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PVF đạt 79.707 tỷ đồng, tăng 13.674 tỷ đồng so với 1/1/2011 (66.033 tỷ đồng).

Năm 2011, PVF đặt mục tiêu với vốn điều lệ đạt 8.000 tỷ đồng; doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 800 tỷ đồng và 625 tỷ đồng; cổ tức 6%.

Được biết, vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã thực hiện chuyển giao cho Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt nam (PVFC) hơn 1 triệu CERs được ban hành từ dự án CDM tại mỏ Rạng Đông.

PVFC qua đó đã trở thành tổ chức tài chính tiên phong tại Việt Nam có được CERs trong danh mục đầu tư của mình và thực hiện thương mại thu về các lợi ích tài chính từ loại hàng hóa này.

Thị trường CERs được tạo lập là nhằm điều tiết hài hòa lợi ích của các Chủ dự án CDM nói riêng và các nước đang phát triển nói chung với lợi ích của các Nhà đầu tư CERs về lợi nhuận đầu tư và với lợi ích của Người sử dụng CERs về chi phí thực thi nghĩa vụ giảm phát thải.

Là một loại hàng hóa, CERs có giá cả và hình thức mua bán vận hành theo nguyên tắc của thị trường – cụ thể là thị trường Tín dụng Carbon. Thị trường CERs liên quan chặt chẽ, thường là tỷ lệ thuận với thị trường dầu thô, thị trường tài chính và hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu.