06:00 16/09/2013

99% doanh nghiệp sẽ trong diện phá sản?

Đoàn Trần

“Căn cứ vào đâu đưa ra tổng khoản nợ 200 triệu đồng mà đã tuyên bố rằng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản?”

Theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả
 năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam 
trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi 
là lâm vào tình trạng phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Cho rằng Luật Phá sản (sửa đổi) đưa ra khái niệm phá sản quá đơn giản và thiếu thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại “sẽ dẫn tới 99% doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay nằm trong diện phá sản”.

Theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Cho ý kiến về luật này tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Phá sản là một hiện tượng của kinh tế thị trường trong kinh doanh. Nhưng như thế nào là phá sản? Định nghĩa của cơ quan soạn thảo đưa ra quá đơn giản, chỉ là mất khả năng thanh toán. Không phải một món nợ 200 triệu đồng sau 3 tháng không trả được mà quyết định rằng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tôi cho rằng, phải dùng từ mất toàn bộ khả năng thanh toán”.

Ông Hiển phân tích: “Đi vào thực tế của doanh nghiệp hiện nay, thực ra vốn chủ sở hữu và quá trình luân chuyển của đồng vốn chỉ có 15-20% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, còn lại là vay ngân hàng. Vậy mà dự thảo lại đưa ra con số 200 triệu đồng thì tôi thấy không ổn. Vừa qua, có những doanh nghiệp của chúng ta số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu vẫn chưa phá sản vì nó vẫn còn có một luồng tiền của ngân hàng bơm vào, vẫn cân đối được. Cho nên khái niệm về phá sản như trong dự thảo Luật này quá đơn giản và cũng không thực tế. Không thể là 200 triệu đồng được. Ngay cả tỷ lệ là bao nhiêu trên vốn chủ sở hữu chúng ta cũng phải tính, có thể 2 lần, 3 lần. Cùng đó, thời gian 3 tháng là ngắn quá, theo tôi đến 6 tháng cũng chưa phải là ghê gớm lắm”.

Chung một quan điểm như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, đưa ra khái niệm về phá sản như dự thảo Luật là “vô lý” và cật vấn: “Căn cứ vào đâu đưa ra tổng khoản nợ 200 triệu đồng mà đã tuyên bố rằng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản? Một doanh nghiệp có đồng vốn vài triệu đồng, thậm chí doanh nghiệp vài triệu, vài chục triệu đồng với doanh nghiệp có vài trăm tỷ đồng, vài nghìn tỷ đồng mà lại bảo hòa nhau hết: cứ có khoản nợ 200 triệu đồng và thời hạn đòi là 3 tháng chưa trả là lâm vào tình trạng phá sản? 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp có 500 triệu đồng vốn kinh doanh, thì khoản nợ này chiếm tới 1/2 tổng số vốn đăng ký kinh doanh. Nhưng 200 triệu đồng này đối với những doanh nghiệp có vốn kinh doanh hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm ngàn tỷ đồng thì đây chỉ là tỷ lệ rất nhỏ mà lại bảo doanh nghiệp này cũng lâm vào tình trạng phá sản thì không thể chấp nhận được”.

Cũng theo ông Hiện, nếu có đưa ra điều kiện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì nên cân nhắc điều kiện tổng số nợ không trả được đến hạn so với phần trăm vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chưa nói đến những vốn khác, để đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã đến mức lâm vào tình trạng phá sản hay chưa? Nguồn vốn của doanh nghiệp có nhiều thứ, nhưng không thể căn cứ vào số nợ cụ thể. Về thời hạn 3 tháng, theo Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp, cũng phải cân nhắc lại, vì quá ngắn.

Nói “tôi cũng lăn tăn về mức 200 triệu đồng này”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đề xuất trong luật này nên đưa ra một quy định đề cập về các mức cảnh báo: “Cảnh báo thứ nhất là ở mức độ nào thì doanh nghiệp đứng trước nguy cơ sẽ bị phá sản để điều chỉnh lại hoạt động quản lý kinh doanh. Cảnh báo thứ hai là mức cảnh báo tương đối nguy cấp, tức là doanh nghiệp vẫn còn điều kiện để sản xuất kinh doanh nhưng đã đến ngưỡng của phá sản. ở giai đoạn này, chủ nợ không tiếp tục đóng góp vào nữa hoặc nếu đóng góp thì phải tổ chức ngay các đại hội, nếu cổ phần thì phải tổ chức đại hội cổ đông để được biết những thông tin đó và quyết định rút vốn hay không rút vốn mà tăng cường thêm vốn. Qua mức 2 là sang bước phải tiến hành làm thủ tục phá sản”.

“Nhìn vào thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã và tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay, đúng là nhiều doanh nghiệp như dư luận hay nói là “chết chưa chôn được”. Đây là một thực tế đang đặt ra. Trong Nghị quyết, chủ trương của Đảng cũng đã xác định rất rõ là cần phải sửa đổi một cách căn bản Luật Phá sản hiện nay”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định.

Nêu ra con số hơn 54.000 doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhưng 9 năm qua chỉ có thụ lý được hơn 360 đơn và ra được quyết định có 83 trường hợp phá sản, ông Lưu đề nghị trong cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan thẩm tra, phải đánh giá, phân tích một cách sâu sắc thuyết phục hơn tình trạng hiện nay về thủ tục phá sản khó khăn hay không mà chỉ giải quyết được ít như vậy.

Phải trả lời một cách sâu sắc đó là việc không giải quyết được vấn đề phá sản theo đúng yêu cầu của pháp luật và tinh thần của cải cách đổi mới kinh tế thì nó tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nước ta như thế nào, nhất là trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp theo nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội?

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)