00:30 03/01/2007

"Ai đưa ra chứng cứ VND lên giá, tôi xin chịu trách nhiệm"

Trịnh Minh Đức

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên năm 2007, Ngân hàng Nhà nước phát ra một thông điệp quan trọng: Mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD

"Có thể gọi cơ chế tỷ giá của Việt Nam là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.
"Có thể gọi cơ chế tỷ giá của Việt Nam là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên năm 2007, Ngân hàng Nhà nước phát ra một thông điệp quan trọng: Mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD.

Mặc dù Quyết định được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký vào ngày 31/12/2006, nhưng đến chiều 2/1/2007, sự điều chỉnh nói trên vẫn là thông tin mới mẻ đối với đại diện một số ngân hàng thương mại.

Theo Quyết định số 2554/QĐ-NHNN, biên độ giao dịch tỷ giá giữa VND với Đô la Mỹ (USD) được nới rộng từ mức +/-0,25% lên +/-0,5% so với tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng cho ngày giao dịch do Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Đây là sự điều chỉnh mà Thống đốc Lê Đức Thúy đã đề cập với VnEconomy cách đây chưa đầy một tháng. Và để rõ hơn về sự điều chỉnh này, chiều 2/1/2007, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, một cuộc trao đổi mà ông Phước cho rằng “là để cả năm không cần phải hỏi thêm về vấn đề điều hành tỷ giá nữa”.

Thưa ông, vì sao Ngân hàng Nhà nước lại có sự điều chỉnh trên và tại sao lại vào thời điểm này?

Định hướng trong 3 năm vừa qua và trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước là một cơ chế tỷ giá linh hoạt. Lần điều chỉnh này là để tỷ giá đó sát với thực tế của thị trường hơn. Chúng tôi đã thực hiện chính sách mềm hóa tỷ giá hối đoái một cách rất lặng lẽ, đó là bằng các giải pháp tiền tệ được tiến hành từ năm 2004 đến nay.

Còn tại sao lại tăng vào thời điểm này? Đó cũng chính là câu trả lời. Xin cứ ghi vào “đó chính là câu trả lời”. Vì nếu đồng USD tăng ào ào mà đưa ra cơ chế này thì sẽ rất nhạy cảm. Còn hiện nay đồng USD đang rơi vào một vùng xoáy cực kỳ thấp so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Và trong năm 2007, trong kỳ vọng của rất nhiều nhà dự báo đồng USD trên thị trường thế giới sẽ còn mất giá hơn nữa.

Với Việt Nam, mở rộng biên độ không phải là một điều tối kỵ, nhưng cũng không lạm dụng nó mà là sự vận dụng linh hoạt. Ngược lại cũng không xem đó là một thần dược để trị được một căn bệnh tỷ giá, không phải là liều thuốc duy nhất; có thể nói hơi quá rằng đây là liều thuốc cuối cùng trước khi xuất viện.

Được biết Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải mở rộng biện độ này, đó cũng là một lý do chính?

Chúng tôi đã nhiều lần đàm phán, giải thích về cơ chế tỷ giá với IMF. Đúng là họ có yêu cầu như vậy. Nhưng chúng ta có những bước đi cụ thể, có lộ trình, thận trọng nhưng không phải vì thận trọng mà hạn chế những bước tiến.

Việc nới rộng biên độ tỷ giá có nhiều cách làm, phải nói rằng cách làm của Ngân hàng Nhà nước là một nghệ thuật.

Bạn có thể hình dung rằng cơ chế đó là một đứa trẻ đang tập bơi, chúng ta không gắn chặt nó mà buộc hờ với một cái phao, tạo một tâm lý mà khi nó đã bơi thuần thục vẫn có cảm tưởng là có một cái phao hỗ trợ. Đó là cách làm lặng lẽ của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua để tỷ giá mềm hơn.

Như vậy có thể hiểu là vai trò của biên độ đã mờ nhạt và sẽ mờ nhạt hơn khi tiếp tục được mở rộng?

Câu chuyện biên độ tỷ giá ngày nay không phải là một cái gì đó ghê gớm. Ngân hàng Nhà nước không phải điều hành tỷ giá bằng một tỷ giá bình quân liên ngân hàng và một cái biên độ, mặc dù hiện nay đó là hai thông số rất quan trọng của thị trường.

Nhưng trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một cách rất lặng lẽ, âm thầm và tinh vi để thực hiện chính sách mềm hóa tỷ giá của mình, đó là bằng các giải pháp tiền tệ đã làm từ năm 2004 đến nay.

Ông có thể nói rõ hơn sự “lặng lẽ” mà Ngân hàng Nhà nước đã làm trong thời gian qua để điều hành tỷ giá?

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được tự do hóa điểm hoán đổi ngoại tệ, cho chuyển đổi một cách tự do các ngoại tệ mạnh, cho thả nổi phí trên các hợp đồng quyền chọn giữa đồng USD và VND, đặc biệt là việc cho phép thực hiện cơ chế tỷ giá thỏa thuận.

Như hiện nay, bạn có thể cầm 1 USD vào Ngân hàng Eximbank và yêu cầu đổi lấy 20.000 VND, nhưng ngân hàng không đồng ý, họ đòi thấp hơn thì đó là do sự thỏa thuận giữa bạn và ngân hàng. Hoặc như doanh nghiệp thấy thanh toán bằng USD không lợi thì họ có thể chuyển sang đồng EUR hay Yên Nhật…

Như vậy, các giải pháp tiền tệ đó đã ầm thầm đi trước và chỉ số biên độ lạnh lùng đi sau. Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng, có thể là hơi quá, là thị trường sẽ đón nhận sự mở rộng biên độ này bằng một tiếng thở dài. Vì cái gì? Vì cái này bây giờ không còn quá quan trọng nữa. Ngân hàng Nhà nước đã tạo lập một vùng biên độ ảo cho tỷ giá hối đoái trong vòng 3 năm trở lại đây, trong đó có điều kiện cho những kỳ vọng hợp lý và có sự tham chiếu chặt chẽ cung cầu của thị trường.

Vậy có thể hiểu rằng cơ chế tỷ giá của Việt Nam hiện nay đang rất “mềm” và có thể định hướng một tỷ giá tự do trong tương lai không, thưa ông?

Chính sách tỷ giá của chúng ta hiện nay là một bản khai sinh của IMF, nhưng chúng ta áp dụng và sử dụng các công cụ để làm sao cho phù hợp với Việt Nam. Cơ chế điều hành tỷ giá đó không có gì mới mẻ trên thế giới, nhưng tôi từng nói với đại diện IMF rằng cần đặt lại tên cho nó khi được áp dụng ở Việt Nam. Đó là cái tên cơ chế tỷ giá “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.

Vì sao lại gọi thế? Ba chìm là vẫn còn biên độ vẫn còn một tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Bảy nổi là cơ chế cho phép tự do hóa hoán đổi ngoại tệ, thỏa thuận tỷ giá… Còn chín lênh đênh là do thị trường điều tiết khi lên khi xuống.

Về một tỷ giá tự do, Ngân hàng Nhà nước đã cho thực hiện một cơ chế tỷ giá thỏa thuận mà một số ngân hàng đang làm. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đang nghĩ đến một giải pháp mạnh mẽ hơn trên con đường linh hoạt cơ chế tỷ giá. Tôi không dám nói về một tương lai xa, nhưng khi Ngân hàng Nhà nước đã dám đặt câu chuyện đô la tiền mặt mà được thỏa thuận, thì tại sao chúng ta không nghĩ đến một cái gì đó xa hơn…

Còn về những tác động dự kiến từ lần điều chỉnh biên độ này thưa ông, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?

Khi một chính sách mới đưa ra, chúng ta không thể chắc chắn đọc ra một hệ quả, hệ lụy từ chính sách đó, bởi có thể võ đoán. Tất nhiên, khi đưa ra chính sách chúng ta cũng phải có những dự báo, những kịch bản để có những quyết định hợp lý.

Về cơ bản, chính sách tỷ giá của Việt Nam không đơn thân độc mã sử dụng tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng hay sử dụng biên độ, mà là sử dụng tổng hợp các giải pháp, các biện pháp như tự do chuyển đổi, thỏa thuận tỷ giá… như tôi đã nói ở trên. Những giải pháp đó tạo nên một vùng biên độ ảo, cho phép người ta được quyền giao dịch dựa trên kỳ vọng và cung cầu của thị trường. Vì vậy tôi cho rằng sự điều chỉnh này sẽ không tạo nên một biến động gì.

Điều mà các nhà điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ hết sức quan tâm là với xu thế chu chuyển các dòng vốn cho nền kinh tế nước ta, thì làm sao đừng để cho VND lên giá và sự lên giá của VND có thể tác động đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có thể hình dung rằng con đường đã được mở rộng hơn, “giao thông” chu chuyển thuận lợi hơn. Và như hiện nay, doanh nghiệp cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào USD, họ có thể chuyển sang các ngoại tệ khác nếu thấy lợi hơn.

Ông có nói là “đừng để cho VND lên giá”, nhưng thực tế khoảng một tháng qua thị trường ngoại hối lại có những diễn biến đáng chú ý…

Sự lên giá đó cần phải xem xét nó như thế nào, vì hiện nay VND không chỉ chuyển đổi riêng với USD mà với cả một rổ tiền tệ. Chúng ta không nói VND mất giá hay tăng giá so với đồng USD bao nhiêu, mà nói là VND không còn gắn chặt với USD nữa, mà gắn chặt với một rổ các đồng tiền. Sự tương tác giữa các đồng tiền với đồng USD sẽ cho thị trường hình ảnh của USD trong tương lai ở Việt Nam.

Trong mọi trường hợp, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thị trường ngoại hối có tính thanh khoản của nó và không bao giờ để VND chệch ra khỏi vùng ngang giá trong rổ tiền tệ đó, theo nghĩa là VND sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, hạn chế tình trạng nhập siêu; ngoài ra, trong một chừng mực nhất định, chính sách tỷ giá sẽ giúp kiểm soát biến động của chỉ số giá.

Về tỷ giá VND/USD trên thị trường trong khoảng một tháng qua, có thời điểm của các ngân hàng thấp hơn của Ngân hàng Nhà nước là do thị trường tự điều chỉnh. Đó là do cung cầu trên thị trường, nguồn cung đang rất lớn từ các dòng ngoại tệ, đặc biệt là các dòng đầu tư gián tiếp, từ kiều hối, xuất khẩu… tăng mạnh.

Hiện chu chuyển vốn đang vào nền kinh tế quá nhiều, sức cung lớn hơn sức cầu. Việc đồng USD giảm giá tại thị trường trong nước trong thời gian vừa qua cũng đã phản ánh điều đó.

Nhưng phải nói một điều thế này, nếu như năm nay đồng USD mất giá trên thị trường thế giới so với một số đồng tiền chủ chốt khoảng 10% thì lẽ ra nó cũng phải mất giá so với VND 10% chứ; và nếu như thế thì mấy năm trước đồng USD lên giá 7-8% thì VND có mất giá 7-8% không?

Đừng thấy USD trên thị trường thế giới mất giá mà bắt đồng USD ở thị trường Việt Nam mất giá. Dù không khí loãng nhưng hành khách ngồi trong máy bay vẫn êm đềm.

Và trong khoảng một tháng qua, có thông tin VND tăng giá. Vì sao nói VND tăng giá? Tăng với cái gì? Anh phải chứng minh trong một hệ tọa độ. Có thực VND lên giá hay không? Nếu như những phương pháp tính toán về kinh tế lượng của tôi không sai, VND không lên giá ở thị trường Việt Nam. Từ ngày tôi làm ở Vụ Quản lý ngoại hối, ai đưa ra chứng cứ VND lên giá thì tôi xin chịu trách nhiệm.