AI giúp các toà soạn báo tăng nguồn thu và tối ưu chi phí
AI được xem là công cụ giúp các toà soạn báo tìm hiểu nhu cầu của độc giả, gia tăng nguồn thu và tối ưu chi phí sản xuất và vận hành. Tuy vậy, việc giải bài toán "ảo giác" tin giả do AI tạo ra vẫn khá thách thức...
Phát biểu tại tọa đàm “Ứng dụng AI trong truyền thông” ngày 14/6 do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) tổ chức chiều 14/6, ông Rishad Patel, đồng sáng lập của Splice Media, cho rằng tương lai của báo chí truyền thông không phải AI. “Chúng ta liên tục nói về tương lai của báo chí trong rất nhiều hội nghị, hội thảo. Tương lai của báo chí sẽ như thế nào? Tôi thực sự nghĩ rằng tương lai của báo chí không phải là AI. AI cũng thực sự quan trọng nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để sử dụng nó tốt hơn", ông Patel nhấn mạnh.
AI GIÚP CÁC TOÀ SOẠN ĐA DẠNG NGUỒN THU, HIỂU ĐỘC GIẢ HƠN
Là người có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế và phát triển chiến lược truyền thông, sản phẩm và thương hiệu cho khán giả và người dùng trên nhiều nền tảng và định dạng cho các công ty và thị trường ở Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Châu Âu và Hoa Kỳ, ông Patel cũng cho rằng, tương lai của báo chí cũng không phải là về nội dung. Đây không phải là vấn đề cung cấp, dù với tư cách là các nhà báo hay nhà truyền thông, chúng tôi không ngừng tạo ra nguồn cung cấp thông tin.
“Tương lai của báo chí là lấy người dùng làm trung tâm, được xây dựng bởi AI, dựa trên sở thích của người dùng và nhu cầu của người dùng”, ông Patel khẳng định.
Cũng theo đồng sáng lập của Splice Media, AI hiện là công nghệ khổng lồ và đang được cung cấp miễn phí hoặc với các chi phí rất thấp. Công nghệ này có thể hỗ trợ các tòa soạn tìm hiểu nhu cầu thực sự của người dùng là gì để đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật, nhờ có AI, các cơ quan báo chí có thể lọc được thành phần độc giả, chọn lọc từ khóa, soát sửa lỗi chính tả, phân tích xu hướng bạn đọc hay tối ưu hóa hình ảnh…
Một số cơ quan báo chí cũng đã sử dụng AI để sản xuất các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa, video, e-magazine hay dùng AI vào việc phân tích số liệu, dữ liệu để triển khai các chuyên đề, loạt bài điều tra có chất lượng.
AI cũng có thể giúp cơ quan báo chí nghiên cứu thông tin nhãn hàng để thực hiện các chiến lược truyền thông, từ đó đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí. Ngoài ra, AI có thể giúp cơ quan báo chí nghiên cứu thông tin nhãn hàng để thực hiện các chiến lược truyền thông, từ đó đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
“Khi chúng tôi làm các nghiên cứu về nhu cầu của độc giả, chúng tôi thấy rằng xưa nay chúng ta nhiều khi đi sai hướng, chúng ta quá quan tâm đến các tin tức nóng. Nhưng độc giả quan tâm rất rộng. Nhờ AI, chúng ta biết chính xác độc giả muốn đọc cái gì. AI đang điều chỉnh báo chí theo hướng tích cực và nhân văn hơn”, ông Nhật chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật nhận định AI không phải là một trào lưu dễ đến dễ đi, mà đã trở thành xu thế tất yếu và thâm nhập sâu vào đời sống, nếu ứng dụng hợp lý sẽ giúp các tòa soạn báo tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực. Báo chí kỹ thuật số là sóng sau đè sóng trước nghĩa là mọi thứ đều có thể thay đổi. Với những lợi ích mà AI mang lại, báo chí truyền thông Việt Nam không nên để lỡ “chuyến tàu” này.
Ông Trần Vũ Nguyên, Chủ tịch Asia Innovative Education Group, cũng khẳng định, AI đang được sử dụng rất nhiều trong công việc và trong nhiều lĩnh vực và mỗi ngày qua đi sẽ xuất hiện thêm nhiều các ứng dụng AI trong truyền thông. Có trường phái mà nhiều người theo đuổi hiện nay đó là sử dụng công cụ một cách tốt nhất để phục vụ cho công việc của con người.
KIỂM SOÁT “ẢO GIÁC" TIN GIẢ
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mà AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng mang lại, việc kiểm soát “ảo giác" tin giả trở thành một thách thức đối với các toà soạn và những nhà sản xuất nội dung. Theo ông Đặng Hải Lộc, CEO &CTO AIV Group, liên quan đến AI có một điểm quan trọng đó là trong sử dụng AI có vấn đề về "ảo giác" thông tin. “AI sẽ không có độ chính xác 100%. Khi AI đang được phổ cập thì sẽ khiến tin giả, tin xấu độc sẽ trở nên rất khó kiểm soát”, ông Lộc khẳng định.
Để xử lý “bài toán này”, ông Lộc đưa ra một số giải pháp, trong đó bao gồm việc các toà soạn khi sử dụng hình ảnh minh hoạ, thì cần chú thích là ảnh đã được tạo ra bởi AI. Trên nền tảng mạng xã hội và xuất bản, các nội dung có sử dụng AI cũng cần có dán nhãn rõ ràng.
“AI đôi khi có những thông tin sai lệch nhưng lại có vẻ cực kỳ thuyết phục. Có những trường hợp AI tạo ra các dữ liệu và viện dẫn các sự kiện không hề tồn tại trong thực tế. Để kiểm chứng các thông tin này, về kỹ thuật trên thế giới đang có những startup có sản phẩm để kiểm chứng để xem nội dung, sản phẩm được tạo ra bởi AI. Trong kỷ nguyên 4.0, cần hợp tác và xây dựng ra bộ dữ liệu đã được kiểm chứng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Có đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Phạm Thiên Duy, giảng viên cấp cao, RMIT Việt Nam, để đảm bảo tính minh bạch về thông tin, các toà soạn hay các nhà báo cần thừa nhận rằng chúng ta đã sử dụng AI với độc giả nếu chúng ta thực sự dùng công nghệ này trong các bài viết của mình. "Đặc biệt, cần double check (kiểm tra lại) các nguồn và số liệu trong các bài viết có sự hỗ trợ hay tham gia của AI", ông Duy nói.
Theo ông Trần Vũ Nguyên, Chủ tịch Asia Innovative Education Group, hiện nay trên thế giới đã phát triển nhiều ứng dụng kiểm tra tính xác thực của nội dung hay bức ảnh xem có phải là sản phẩm của AI hay không. “Có khoảng 20 ứng dụng trên thị trường hiện nay có thể giúp kiểm tra fake news (tin giả). Càng ngày khi mà thông tin quá nhiều, độc giả sẽ tìm đến những nơi có nguồn thông tin chất lượng cao hơn. Vì vậy, mỗi nhà báo sẽ trở thành chuyên gia, đó là phần việc AI không thể làm được”, ông Nguyên nhấn mạnh.