Ai mới là anh hùng?
Jamie Dimon, Brian Moynihan hay Lloyd Blankfein, ai mới là CEO giỏi?
Jamie Dimon của JP Morgan, Brian Moynihan của Bank of America hay Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, ai mới là CEO giỏi?
Lúc thuận lợi, tất cả đều là anh hùng. Nhưng chỉ trong lúc nguy khốn mới biết ai hay ai dở. Vikram Pandit, nguyên Tổng Giám đốc (CEO) của Citigroup, một thời là con cưng của nhà đầu tư. Nhưng giữa tháng 10.2012, ông đã bất ngờ từ chức. Theo một nguồn tin, Hội đồng Quản trị Citigroup đã hất cẳng Pandit vì cách quản lý kém cỏi của ông.
Năm 2009, Lloyd Blankfein từng được tờ Financial Times tặng danh hiệu “Nhân vật của năm”. Jamie Dimon cũng được ca ngợi là người hùng của JP Morgan. Nhưng nay, các ngân hàng này ít nhiều đều sa sút phong độ sau dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính. Danh tiếng của Dimon đã bị sứt mẻ sau hàng loạt bê bối như vụ JP Morgan thổi phồng giá cổ phiếu Facebook gây thiệt hại cho nhà đầu tư, hay vụ thao túng lãi suất Libor gây chấn động giới tài chính toàn cầu.
Cơn bão khủng hoảng tài chính năm 2008 là căn nguyên cho sự khốn khó của các CEO này. Nhưng đó cũng là cơ hội để vị anh hùng thực sự lộ diện. Đó là Jim Rohr, Chủ tịch kiêm CEO của PNC Financial Services Group, ngân hàng lớn thứ bảy nước Mỹ về lượng tiền gửi.
Rohr (63 tuổi) không có vầng hào quang chói lọi như Dimon hay Blankfein, nếu không nói là khá lu mờ, nhưng nay thì hầu như ai cũng thừa nhận ông xứng đáng là anh hùng.
PNC cưỡi sóng khủng hoảng
Theo nhà phân tích Mike Mayo của CLSA, Rohr là CEO có nhiệm kỳ lâu nhất (ông đảm nhận vị trí CEO tại PNC kể từ tháng 5.2000) và cổ phiếu của PNC là cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong số 17 định chế tài chính của Mỹ.
Cổ phiếu của PNC đã giảm nhẹ vào ngày 16.10 khi ngân hàng này công bố kết quả lợi nhuận quý III/2012 thấp hơn so với ước tính của Phố Wall. Lãi ròng quý III của PNC đã tăng lên mức 925 triệu USD từ mức 834 triệu USD, tương đương 1,55 USD mỗi cổ phiếu, của cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này thấp hơn con số ước tính trung bình 1,66 USD mỗi cổ phiếu của 32 chuyên gia phân tích do Bloomberg khảo sát.
Tuy nhiên, tính cả chặng đường dài kể từ khi Rohr đảm nhận chức CEO cho đến ngày 15.10.2012, cổ phiếu của PNC đã tăng tới 39%, so với mức giảm 3% của chỉ số Standard & Poor’s 500.
Brian Moynihan của Bank of America và James Gorman của Morgan Stanley bắt đầu nhiệm kỳ CEO vào năm 2010, nhưng kể từ đó cổ phiếu của ngân hàng mà họ điều hành đã giảm tới 40%. Cổ phiếu của JPMorgan thì chỉ tăng 7% kể từ khi Dimon trở thành CEO vào cuối năm 2005. Blankfein cầm cương tại Goldman Sachs vào năm 2006 nhưng cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 19%.
Pandit của Citigroup (Pandit vừa từ chức vào giữa tháng 10) thì còn tồi tệ hơn khi cổ phiếu Citigroup đã giảm tới gần 90% trong giai đoạn 2007-2012. Chỉ duy nhất có một CEO có thành tích gần ngang ngửa Rohr là Kelly King của BB&T kể từ tháng 1.2009, khi cổ phiếu của tổ chức này tăng tới 21%.
Giữa lúc bao nhiêu anh hùng lao đao trong thời loạn lạc thì Rohr tỏa sáng một cách bền bĩ trong suốt hơn 12 năm tại vị ở PNC. Đâu là bí quyết của ông?
Trả lời phỏng vấn qua email với Bloomberg Businessweek, Rohr cho biết: “Ngành ngân hàng đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong hơn 10 năm qua. Nhưng lãnh đạo của những ngân hàng thành công đều biết rằng có một số điều quan trọng không bao giờ thay đổi. Đó là phải chú trọng giành lấy niềm tin của khách hàng và xây dựng giá trị dài hạn cho cổ đông; quản lý rủi ro và kích thích tinh thần làm việc của nhân viên. Nhớ rằng bạn chỉ thành công khi tập thể của bạn thành công. Cần luôn ghi nhớ những điều đó và luôn định vị ngân hàng mình vì sự thành công trong dài hạn”.
Vị CEO thận trọng...
“Một trong những lợi thế của việc làm CEO lâu năm là tôi đã trải qua nhiều chu kỳ kinh tế. Chúng tôi luôn phải duy trì tính nguyên tắc trong tổ chức và tôi nghĩ đó là lý do đưa chúng tôi qua khỏi giai đoạn khó khăn”, Rohr lý giải.
Ông cho biết từ cuối thập niên 1990, ông đã nhận ra rằng tín dụng quá rẻ và vì thế rủi ro cũng rất cao. Do đó, “vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chúng tôi đã chạy khỏi những khoản cho vay rủi ro. Thực tế, chúng tôi đã giảm quy mô tín dụng tới 50 tỉ USD”.
Đồng thời Rohr cũng bắt đầu đẩy mạnh việc quản lý rủi ro. “Chúng tôi đã đưa ra thông điệp: quản lý rủi ro là công việc của mọi nhân viên. Và chúng tôi thực hành nền văn hóa quản trị rủi ro một cách tích cực và mạnh mẽ”, ông nói.
Kết quả là PNC đã tránh được 2 trong số những lĩnh vực nóng nhất của thị trường tín dụng ngay từ đầu những năm 2000: cho vay hợp vốn đối với các khoản mua lại dựa trên vay nợ và cho vay thế chấp dưới chuẩn.
Khi cơn sốt cho vay thế chấp đạt đỉnh vào đầu thập niên 2000, ông Rohr cho biết PNC đã bị các nhà đầu tư chỉ trích nặng nề: “Các anh đã không tăng được thu nhập lãi ròng nhanh như những ngân hàng khác”. Tuy nhiên, Rohr vẫn kiên quyết giữ vững lập trường và ông đã tìm những cách khác để bắt kịp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các đối thủ nhằm làm hài lòng nhà đầu tư. Rohr cho biết PNC đã tăng thu nhập lãi ròng chỉ 5-6% nhưng thu nhập từ các mảng khác thì tăng tới 9-10%.
Theo Joseph C. Guyaux, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Rủi ro của PNC, PNC đã qua được cuộc khủng hoảng tín dụng một cách bình an vô sự là nhờ tài lãnh đạo của Rohr.
...Nhưng cũng biết chớp lấy cơ hội
Mặc dù rất coi trọng nguyên tắc và khá thận trọng nhưng Rohr vẫn nhanh nhạy và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chớp lấy cơ hội. Dave Bugajski, Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ tài chính của hãng nghiên cứu cổ phiếu Discern, lưu ý một điều rằng cách đây 4 năm PNC đã là ngân hàng đầu tiên thực hiện thâu tóm ngân hàng cùng lúc với việc nhận được tiền cứu trợ từ Chương trình Giải cứu tài sản xấu của Chính phủ Mỹ. Rohr đã dùng cơ hội này để mua lại National City với giá khoảng 6 tỉ USD trong khi PNC được nhận 7,6 tỉ USD tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ (PNC đã trả lại khoản cứu trợ này vào năm 2010).
Theo Bugajski, những ngân hàng sống sót sau khủng hoảng rất tức tối vì không mua được National City, thương vụ đã giúp PNC tăng đáng kể sự hiện diện tại các bang như Pennsylvania, Ohio, Kentucky, Maryland, Indiana.
Năm ngoái, PNC đã tiến quân vào Florida bằng cách mua lại các chi nhánh của BankAtlantic và thẳng tiến vào thị trường Atlanta bằng cách mua lại 30 chi nhánh của Flagstar Bank. PNC cũng đã bỏ ra 3,5 tỉ USD mua lại RBC Bank USA từ Royal Bank of Canada. Những động thái này đã giúp PNC mở rộng được mạng lưới.
Theo Bugajski, chính Rohr là người đã đưa PNC đạt được những thành quả trên, nhờ biết cân đối các vụ mua lại với việc rút vốn khỏi các khoản đầu tư một cách cẩn trọng để không làm phật lòng cổ đông. Theo chuyên gia này, bằng chứng rõ nhất cho thấy tính hiệu quả trong chiến lược của Rohr là việc từ năm 2007-2012, PNC đã tăng được tài sản tạo ra thu nhập trên mỗi cổ phiếu tới 67%, so với mức tăng 48% tại JPMorgan và mức giảm 50% tại Bank of America.
“Jim Rohr hầu như không phải là cái tên mà ai nghe cũng biết. Tuy nhiên, ông ấy là người thận trọng đủ để không lao vào những canh bạc rủi ro nhưng đồng thời cũng biết chớp lấy thời cơ. Điều đó đã đưa PNC trở thành kẻ thắng cuộc. Tôi cho rằng có lẽ ông ấy là người thắng cuộc lớn nhất trong khủng hoảng tài chính vừa qua”, Bugajski nhận xét.
(Nguồn: BusinessWeek, American Banker, Nhịp cầu Đầu tư)
Lúc thuận lợi, tất cả đều là anh hùng. Nhưng chỉ trong lúc nguy khốn mới biết ai hay ai dở. Vikram Pandit, nguyên Tổng Giám đốc (CEO) của Citigroup, một thời là con cưng của nhà đầu tư. Nhưng giữa tháng 10.2012, ông đã bất ngờ từ chức. Theo một nguồn tin, Hội đồng Quản trị Citigroup đã hất cẳng Pandit vì cách quản lý kém cỏi của ông.
Năm 2009, Lloyd Blankfein từng được tờ Financial Times tặng danh hiệu “Nhân vật của năm”. Jamie Dimon cũng được ca ngợi là người hùng của JP Morgan. Nhưng nay, các ngân hàng này ít nhiều đều sa sút phong độ sau dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính. Danh tiếng của Dimon đã bị sứt mẻ sau hàng loạt bê bối như vụ JP Morgan thổi phồng giá cổ phiếu Facebook gây thiệt hại cho nhà đầu tư, hay vụ thao túng lãi suất Libor gây chấn động giới tài chính toàn cầu.
Cơn bão khủng hoảng tài chính năm 2008 là căn nguyên cho sự khốn khó của các CEO này. Nhưng đó cũng là cơ hội để vị anh hùng thực sự lộ diện. Đó là Jim Rohr, Chủ tịch kiêm CEO của PNC Financial Services Group, ngân hàng lớn thứ bảy nước Mỹ về lượng tiền gửi.
Rohr (63 tuổi) không có vầng hào quang chói lọi như Dimon hay Blankfein, nếu không nói là khá lu mờ, nhưng nay thì hầu như ai cũng thừa nhận ông xứng đáng là anh hùng.
PNC cưỡi sóng khủng hoảng
Theo nhà phân tích Mike Mayo của CLSA, Rohr là CEO có nhiệm kỳ lâu nhất (ông đảm nhận vị trí CEO tại PNC kể từ tháng 5.2000) và cổ phiếu của PNC là cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong số 17 định chế tài chính của Mỹ.
Cổ phiếu của PNC đã giảm nhẹ vào ngày 16.10 khi ngân hàng này công bố kết quả lợi nhuận quý III/2012 thấp hơn so với ước tính của Phố Wall. Lãi ròng quý III của PNC đã tăng lên mức 925 triệu USD từ mức 834 triệu USD, tương đương 1,55 USD mỗi cổ phiếu, của cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này thấp hơn con số ước tính trung bình 1,66 USD mỗi cổ phiếu của 32 chuyên gia phân tích do Bloomberg khảo sát.
Tuy nhiên, tính cả chặng đường dài kể từ khi Rohr đảm nhận chức CEO cho đến ngày 15.10.2012, cổ phiếu của PNC đã tăng tới 39%, so với mức giảm 3% của chỉ số Standard & Poor’s 500.
Brian Moynihan của Bank of America và James Gorman của Morgan Stanley bắt đầu nhiệm kỳ CEO vào năm 2010, nhưng kể từ đó cổ phiếu của ngân hàng mà họ điều hành đã giảm tới 40%. Cổ phiếu của JPMorgan thì chỉ tăng 7% kể từ khi Dimon trở thành CEO vào cuối năm 2005. Blankfein cầm cương tại Goldman Sachs vào năm 2006 nhưng cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 19%.
Pandit của Citigroup (Pandit vừa từ chức vào giữa tháng 10) thì còn tồi tệ hơn khi cổ phiếu Citigroup đã giảm tới gần 90% trong giai đoạn 2007-2012. Chỉ duy nhất có một CEO có thành tích gần ngang ngửa Rohr là Kelly King của BB&T kể từ tháng 1.2009, khi cổ phiếu của tổ chức này tăng tới 21%.
Giữa lúc bao nhiêu anh hùng lao đao trong thời loạn lạc thì Rohr tỏa sáng một cách bền bĩ trong suốt hơn 12 năm tại vị ở PNC. Đâu là bí quyết của ông?
Trả lời phỏng vấn qua email với Bloomberg Businessweek, Rohr cho biết: “Ngành ngân hàng đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong hơn 10 năm qua. Nhưng lãnh đạo của những ngân hàng thành công đều biết rằng có một số điều quan trọng không bao giờ thay đổi. Đó là phải chú trọng giành lấy niềm tin của khách hàng và xây dựng giá trị dài hạn cho cổ đông; quản lý rủi ro và kích thích tinh thần làm việc của nhân viên. Nhớ rằng bạn chỉ thành công khi tập thể của bạn thành công. Cần luôn ghi nhớ những điều đó và luôn định vị ngân hàng mình vì sự thành công trong dài hạn”.
Vị CEO thận trọng...
“Một trong những lợi thế của việc làm CEO lâu năm là tôi đã trải qua nhiều chu kỳ kinh tế. Chúng tôi luôn phải duy trì tính nguyên tắc trong tổ chức và tôi nghĩ đó là lý do đưa chúng tôi qua khỏi giai đoạn khó khăn”, Rohr lý giải.
Ông cho biết từ cuối thập niên 1990, ông đã nhận ra rằng tín dụng quá rẻ và vì thế rủi ro cũng rất cao. Do đó, “vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chúng tôi đã chạy khỏi những khoản cho vay rủi ro. Thực tế, chúng tôi đã giảm quy mô tín dụng tới 50 tỉ USD”.
Đồng thời Rohr cũng bắt đầu đẩy mạnh việc quản lý rủi ro. “Chúng tôi đã đưa ra thông điệp: quản lý rủi ro là công việc của mọi nhân viên. Và chúng tôi thực hành nền văn hóa quản trị rủi ro một cách tích cực và mạnh mẽ”, ông nói.
Kết quả là PNC đã tránh được 2 trong số những lĩnh vực nóng nhất của thị trường tín dụng ngay từ đầu những năm 2000: cho vay hợp vốn đối với các khoản mua lại dựa trên vay nợ và cho vay thế chấp dưới chuẩn.
Khi cơn sốt cho vay thế chấp đạt đỉnh vào đầu thập niên 2000, ông Rohr cho biết PNC đã bị các nhà đầu tư chỉ trích nặng nề: “Các anh đã không tăng được thu nhập lãi ròng nhanh như những ngân hàng khác”. Tuy nhiên, Rohr vẫn kiên quyết giữ vững lập trường và ông đã tìm những cách khác để bắt kịp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các đối thủ nhằm làm hài lòng nhà đầu tư. Rohr cho biết PNC đã tăng thu nhập lãi ròng chỉ 5-6% nhưng thu nhập từ các mảng khác thì tăng tới 9-10%.
Theo Joseph C. Guyaux, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Rủi ro của PNC, PNC đã qua được cuộc khủng hoảng tín dụng một cách bình an vô sự là nhờ tài lãnh đạo của Rohr.
...Nhưng cũng biết chớp lấy cơ hội
Mặc dù rất coi trọng nguyên tắc và khá thận trọng nhưng Rohr vẫn nhanh nhạy và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chớp lấy cơ hội. Dave Bugajski, Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ tài chính của hãng nghiên cứu cổ phiếu Discern, lưu ý một điều rằng cách đây 4 năm PNC đã là ngân hàng đầu tiên thực hiện thâu tóm ngân hàng cùng lúc với việc nhận được tiền cứu trợ từ Chương trình Giải cứu tài sản xấu của Chính phủ Mỹ. Rohr đã dùng cơ hội này để mua lại National City với giá khoảng 6 tỉ USD trong khi PNC được nhận 7,6 tỉ USD tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ (PNC đã trả lại khoản cứu trợ này vào năm 2010).
Theo Bugajski, những ngân hàng sống sót sau khủng hoảng rất tức tối vì không mua được National City, thương vụ đã giúp PNC tăng đáng kể sự hiện diện tại các bang như Pennsylvania, Ohio, Kentucky, Maryland, Indiana.
Năm ngoái, PNC đã tiến quân vào Florida bằng cách mua lại các chi nhánh của BankAtlantic và thẳng tiến vào thị trường Atlanta bằng cách mua lại 30 chi nhánh của Flagstar Bank. PNC cũng đã bỏ ra 3,5 tỉ USD mua lại RBC Bank USA từ Royal Bank of Canada. Những động thái này đã giúp PNC mở rộng được mạng lưới.
Theo Bugajski, chính Rohr là người đã đưa PNC đạt được những thành quả trên, nhờ biết cân đối các vụ mua lại với việc rút vốn khỏi các khoản đầu tư một cách cẩn trọng để không làm phật lòng cổ đông. Theo chuyên gia này, bằng chứng rõ nhất cho thấy tính hiệu quả trong chiến lược của Rohr là việc từ năm 2007-2012, PNC đã tăng được tài sản tạo ra thu nhập trên mỗi cổ phiếu tới 67%, so với mức tăng 48% tại JPMorgan và mức giảm 50% tại Bank of America.
“Jim Rohr hầu như không phải là cái tên mà ai nghe cũng biết. Tuy nhiên, ông ấy là người thận trọng đủ để không lao vào những canh bạc rủi ro nhưng đồng thời cũng biết chớp lấy thời cơ. Điều đó đã đưa PNC trở thành kẻ thắng cuộc. Tôi cho rằng có lẽ ông ấy là người thắng cuộc lớn nhất trong khủng hoảng tài chính vừa qua”, Bugajski nhận xét.
(Nguồn: BusinessWeek, American Banker, Nhịp cầu Đầu tư)