Ai muốn sở hữu cổ phần Sabeco nhất và tại sao?
Sử dụng phương pháp loại trừ sẽ cho một kết quả tương đối phù hợp về tên tuổi bên mua có khả năng nhất
Chỉ còn một tuần nữa (ngày 18/12/2017) là đến thời điểm Bộ Công Thương chính thức chào bán 53,59% cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán SAB - HOSE).
"Có một nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco đã thực hiện công bố thông tin là Công ty TNHH Vietnam Beverage", Bộ Công Thương khẳng định hôm 11/12.
Đây là công ty vừa mới được thành lập ngày 6/10/2017, trụ sở tại Hà Nội, và có mối quan hệ với tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Chân dung nhà đầu tư tiềm năng nhất đã ngày càng lộ diện rõ nét hơn, quanh các động thái cấp tập của đối thủ nước ngoài nặng ký này.
Hoa hồng có gai
Ngành bia nội địa có rất nhiều tiềm năng do thị trường Việt Nam có dân số gần 100 triệu người cùng với thói quen uống bia mọi lúc của người dân, đặc biệt là thanh niên và trung niên. Vào các buổi trưa và buổi tối, các quán bia, beer-club và nhà hàng có bán bia luôn đông nghẹt thực khách và không khó để nhận ra số lượng bia được tiêu thụ lớn đến mức nào.
Chỉ tính riêng năm 2016, theo một thống kê của công ty nghiên cứu Euromonitor International, người Việt Nam đã chi khoảng 166.388 tỷ đồng để tiêu thụ bia, một con số rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều ngành kinh tế trên đà suy thoái.
Với dư địa tăng trưởng còn rất lớn, cộng với chủ trương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, doanh nghiệp bia lớn nhất nước là Sabeco trở thành đích ngắm của các nhà đầu tư "bạo vì tiền" quốc tế.
Theo thông tin mà chủ sở hữu của Sabeco là Bộ Công Thương công bố, thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước trong SAB sẽ được bán ra trong đợt chào bán này là 53,59% cổ phần (tương đương 343.662.587 cổ phần), nhưng nhà đầu tư ngoại chỉ được phép mua tối đa 38,59% cổ phần (247,47 triệu cổ phần), bởi vì tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang là 10,41% trên tổng số 49% được quyền sở hữu, theo quy định của Chính phủ về mức trần "room" với khối ngoại.
Từ những nhà đầu tư cả trong và ngoài nước từng đánh tiếng muốn mua cổ phần SAB, như SSI, các quỹ đầu tư, Heineken Việt Nam (hiện sở hữu 5% cổ phần của Sabeco), AB Invev của Mỹ, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Thai Beverage của Thái Lan…, có thể thấy tất cả đều có cơ hội ngang nhau và cùng bình đẳng trong đợt chào bán công khai này, theo chủ trương của Chính phủ.
Tỷ lệ sở hữu ở Sabeco hiện tại (đơn vị: %).
Theo đại diện Bộ Công Thương, phương thức chào bán là chào bán cạnh tranh giữa các nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia mua cổ phần, theo quy định tại quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco. Cần biết rằng hiện nay Sabeco đang chiếm tới hơn 40% thị phần bia cả nước, cao hơn khá nhiều thị phần 25% của doanh nghiệp bia đứng ngay sau là Heineken Việt Nam.
Mặc dù so với mức thị phần rất lớn thì mức lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Sabeco chưa tương xứng, chỉ đạt đạt gần 6.000 tỷ đồng (Heineken Việt Nam nắm 25% thị phần nhưng có tổng lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 11.600 tỷ đồng), nhưng tiềm năng và độ bao phủ thương hiệu của Sabeco rất lớn.
Tuy nhiên, hoa hồng nào cũng có gai. "Cái gai" trên cành hoa hồng rực rỡ Sabeco là mức giá khởi điểm chào báo lên tới 320.000 đồng/cổ phần với tổng giá trị theo mệnh giá là 3.437 tỷ đồng, và quy định đấu thầu ngặt nghèo cùng thời gian từ lúc chào thầu đến lúc chọn thầu chỉ có 3 tuần.
Như đã đề cập ở trên, ngoài mức giá chào bán khởi điểm cao, quy định đấu thầu và thời gian chào thầu ngắn thì còn một "cái gai" khác là việc không cho phép nhà đầu tư tiềm năng tiến hành khảo sát minh bạch (due deligence), tình hình quản trị và thuế má của Sabeco.
Ưu thế ThaiBev
Một chuyên gia M&A nêu quan điểm, tất cả các thương vụ mua bán doanh nghiệp có liên quan tới doanh nghiệp Nhà nước đều được nhà đầu tư quốc tế tiến hành rất thận trọng và kỹ lưỡng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch của họ. Thời gian trung bình để nhà đầu tư tiến hành "due deligence", đàm phán và "lục tung" sổ sách kế toán của doanh nghiệp đích ngắm thường kéo dài từ 6 tháng trở lên, cá biệt có thương vụ lên tới hơn một năm, do tính chất phức tạp và quy mô thương vụ lớn.
Về nguyên tắc, các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật, châu Âu thường khó lòng quyết định chi hàng tỷ USD để mua 35,39% cổ phần trong khoảng thời gian chưa tới một tháng như vậy. Cần lưu ý, thời điểm chào bán cổ phần Sabeco rơi vào ngày 18/12/2017, nghĩa là rất gần dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới Dương lịch.
Một chuyên gia phân tích chứng khoán của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (đề nghị không nêu tên) cho biết, các doanh nghiệp bia của nước ngoài tại Việt Nam muốn thực hiện M&A đều phải đệ trình kế hoạch và làm nghiên cứu khả thi và khảo sát minh bạch rất kỹ lưỡng, sau khi tập đoàn mẹ phê duyệt, họ mới được thực hiện giao dịch.
"Ba tuần chỉ đủ họ tìm hiểu sơ lược Sabeco chứ không thể nào thuyết phục được tập đoàn mẹ cho phép mua cổ phần. Đó là chưa kể quy định đặt cọc 10% đối với nhà đầu tư nước ngoài, khiến ngay cả việc chuyển hàng chục triệu USD sang Việt Nam nếu giả sử quyết định mua cũng rất khó do quy định của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia chứng khoán này nói.
Sử dụng phương pháp loại trừ sẽ cho một kết quả tương đối phù hợp về tên tuổi bên mua có khả năng mua cổ phần Sabeco nhất. Đó chính là tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của Thái Lan. Tại sao?
Thứ nhất, do khả năng mở rộng thị phần và gia tăng công suất sản xuất của ThaiBev tại thị trường trong nước ngày càng khó khăn. Đây là công ty sản xuất bia lớn nhất Thái Lan với mức giá trị vốn hoá 4 tỷ USD, thuộc sở hữu của TTC, một tập đoàn gia đình của tỷ phú người Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi.
ThaiBev hiện hoạt động trong 4 lĩnh vực bao gồm rượu mạnh, bia, đồ uống không cồn và thực phẩm. Còn TTC được thành lập từ năm 1960, có 60.000 nhân viên và là một tập đoàn kinh doanh đa ngành (đồ uống và thực phẩm, công nghiệp và thương mại, tài chính và bảo hiểm, bất động sản, nông nghiệp…).
Mặc dù hiện nay thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan là Chang Beer của ThaiBev (chiếm hơn 40% thị phần tại Thái Lan), đang chiếm ưu thế lớn tại nước này, song biên lợi nhuận và khả năng phát triển của nó ngày càng bị thu hẹp.
Người Thái vốn không có thói quen tiêu thụ bia nhiều như người Việt, nhất là việc uống bia được pháp luật Thái Lan quy định khá chặt chẽ, thanh niên từ 18 tuổi trở lên mới được mua bia. Do vậy, ThaiBev đang gặp thách thức khi gia tăng thị phần tại quốc gia Phật giáo này.
Các mốc thời gian roadshow Sabeco.
Thứ hai, do chiến lược mở rộng và bành trướng lãnh địa của ThaiBev ra bên ngoài lãnh thổ Thái Lan được Charoen Sirivadhanabhakdi xác định là vấn đề sống còn của toàn bộ tập đoàn này. Trong đó, việc tiến hành các thương vụ M&A đối với các doanh nghiệp bản xứ tại những thị trường ở ASEAN mà ThaiBev đặt chân vào là ưu tiên lớn nhất để họ tăng cường năng lực cạnh tranh.
Nhà tài phiệt này có tổng tài sản 15,8 tỷ USD, giàu nhất Thái Lan và đứng thứ 62 trong số các tỷ phú USD trên thế giới. Ông được báo chí quốc tế mô tả là điều hành tập đoàn gia đình theo phong cách "gia đình trị" và "không ngần ngại thâu tóm các công ty địa phương để xâm chiếm thị trường nước ngoài".
Một minh chứng cho điều này là thương vụ TTC thâu tóm tập đoàn thực phẩm số 1 Singapore là F&N, có tổng giá trị thương vụ lên đến 11,2 tỷ USD vào tháng 1/2013, làm kinh ngạc giới đầu tư quốc tế.
Tại Việt Nam, F&N thuộc TTC của gia đình Charoen Sirivadhanabhakdi đã sở hữu 16,04% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), 100% cổ phần Metro Cash & Carry Việt Nam, sở hữu 65% Phú Thái và 65% khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.
Cách thức mà TTC mua lại các doanh nghiệp nước ngoài khá giống nhau: sẵn sàng trả giá cao và chấp nhận mọi điều kiện của bên bán, như trường hợp mua cổ phần Vinamilk. TTC cũng chỉ chọn những công ty hàng đầu trong những lĩnh vực trọng yếu của nước ngoài để mua.
Trở lại với Sabeco, từ tháng 11/2014, khi Sabeco có ý định tái cấu trúc vốn và bán 53,59% cổ phần thì ThaiBev đã nhảy vào cuộc khi định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD. Tiếp đó, tháng 2/2015, công ty Thái Lan lại đưa ra mức giá 1 tỷ USD để sở hữu 40% cổ phần Sabeco, tương ứng mức định giá cho công ty bia lớn nhất Việt Nam là 2,5 tỷ USD.
Thứ ba, ThaiBev được điều hành bởi một tập đoàn gia đình, nơi mọi quyết định mua cổ phần doanh nghiệp khác đều được đưa ra bởi Charoen Sirivadhanabhakdi. Công ty này được cho là sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao Sabeco, kể cả không đàm phán và tiến hành khảo sát hệ thống kế toán và tình hình kinh doanh.