13:37 18/03/2008

Ai trả phí bản quyền âm nhạc?

Hoa Minh

Năm ngoái, Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam đã thu trên 9 tỷ đồng bản quyền tác giả

Bên cạnh những thoả thuận trả phí vẫn còn sự né tránh hoặc trì hoãn việc thực hiện trả tiền bản quyền.
Bên cạnh những thoả thuận trả phí vẫn còn sự né tránh hoặc trì hoãn việc thực hiện trả tiền bản quyền.
Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký hợp đồng nguyên tắc với 50 khách sạn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết, năm nay, dự kiến các khách sạn này sẽ trả khoảng 3 tỷ đồng về bản quyền âm nhạc.

Hiện có 3 đơn vị quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam. Từ đầu năm 2007, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã chính thức thu phí bản quyền âm nhạc đối với các đơn vị trực tiếp hoặc gián tiếp tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước. Nhiều nhạc sĩ đã ký uỷ quyền cho trung tâm và trung tâm sẽ tiến hành đàm phán ký hợp đồng với các đơn vị sử dụng âm nhạc.

Việc thu phí bản quyền âm nhạc hướng vào nhiều đối tượng khác nhau như hàng không, đài phát thanh - truyền hình, nhà hàng, khách sạn, phòng trà, phòng karaoke, siêu thị... Nhiều đơn vị như Vietnam Airlines, VNPT, Đài Tiếng nói Việt Nam... đã đồng ý trả phí bản quyền. Riêng khu vực phía Nam, năm nay, trung tâm này đã ký hợp đồng với các đơn vị phát thanh - truyền hình các tỉnh và thành phố.

Tháng 2/2008, Metro Cash & Carry Vietnam và siêu thị Coop-mart ký hợp đồng trả tiền bản quyền, Pops Media đồng ý trả phí để có quyền đưa nhiều bài hát Việt lên website này. Trung tâm này cũng sẽ phối hợp với các sở văn hoá - thông tin của các tỉnh phía Nam thu quyền âm nhạc với những đoàn nghệ thuật biểu diễn có doanh thu.

Năm ngoái, Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam đã thu trên 9 tỷ đồng bản quyền tác giả.

Bên cạnh những thoả thuận trả phí, vẫn còn sự né tránh hoặc trì hoãn việc thực hiện trả tiền bản quyền. Theo đại diện Toà dân sự Tòa án Nhân dân Tối cao, hiểu biết và ý thức pháp luật của cộng đồng chưa cao nên mức độ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Bản thân những nhà làm công tác xét xử cũng còn lúng túng.

Tại một hội thảo về bảo hộ bản quyền phần mềm mới đây tại Tp.HCM, những nhà làm công tác giải quyết kiện tụng tỏ ra quan tâm đến lĩnh vực khác của sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền âm nhạc. Nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tiệm hớt tóc, tiệm nha khoa sử dụng âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh, không phải để giải trí cá nhân đều phải trả tiền bản quyền. Có ý kiến thắc mắc rằng những đơn vị này đã mua đĩa nhạc thì tại sao lại tốn thêm một lần kinh phí nữa cho bản quyền, trong khi trách nhiệm này trung tâm sao chép đĩa đã thực hiện cho tác giả?

Ông Vũ Mạnh Chu giải thích, theo luật quốc tế, khi các nhà hàng, khách sạn, tiệm hớt tóc... dùng âm nhạc cho mục đích thương mại thì phải trả tiền. Để đảm bảo lợi ích hai bên, tuỳ theo đối tượng sẽ có mức giá phù hợp. Theo ông Chu, hiện nay, chỉ có các khách sạn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trả tiền bản quyền âm nhạc, còn khách sạn Việt Nam chưa thông hiểu!

Theo Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, đến thời điểm này, cả nước chỉ có 20 vụ kiện về bản quyền. Con số khiêm tốn này chưa phản ánh chính xác mức độ thực tế vi phạm bản quyền. Ngoại trừ một số người không biết luật để kiện, còn một số trường hợp ngại kiện tụng. Có nhiều lý do như các chủ sở hữu là người trí thức ngại kiện tụng nên chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Mặt khác, thời gian giải quyết kiện tụng kéo dài khiến người kiện vừa mất thời gian vừa tốn phí. Chẳng hạn như vụ kiện quyền tác giả bài hát “Hà Nội và tôi”, kéo dài đến 4 năm. Do chưa có thẩm phán chuyên giải quyết về sở hữu trí tuệ và tranh chấp về sở hữu trí tuệ còn quá ít so với các loại vụ kiện khác nên các thẩm phán còn lúng túng, phải xét xử nhiều lần.