16:09 29/04/2024

Ngành cá tra hướng đến thị trường xuất khẩu mới

Chu Khôi

Quý đầu tiên của năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mặt hàng tôm, cá ngừ ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, lần lượt là 15% (đạt 690 triệu USD) và 22% (đạt 220 triệu USD). Riêng mặt hàng cá tra vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng dương khi giảm 0,05%. Trong tình huống khó hồi phục ở các thị trường chủ lực, ngành hàng cá tra đã nỗ lực mở cửa những thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông…

Xuất khẩu cá tra vẫn chưa lấy lại được tăng trưởng dương.
Xuất khẩu cá tra vẫn chưa lấy lại được tăng trưởng dương.

Về nguyên nhân sụt giảm của mặt hàng cá tra trong quý 1/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lý giải là do các thị trường lớn như EU, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh nhập khẩu.

SỤT GIẢM TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG

Phân tích cụ thể hơn, VASEP cho biết tháng 1/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 165 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sang tháng 2/2024 đột ngột giảm mạnh, khi chỉ đạt 42 nghìn tấn, giảm 40% so với tháng trước và giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ đạt 90 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023.

 

"Đến tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 168 triệu USD, giảm 12% so với tháng 3/2023. Như vậy, tính chung ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 423 triệu USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2023".

Về thị trường xuất khẩu, trong quý đầu năm 2024, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu giảm mạnh. Riêng trong tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 22%; giá trung bình xuất khẩu ở mức 1,94 USD/kg, giảm 1,5% so với cuối năm 2023.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 2/2024 đạt 16 triệu USD, giảm 8% so với tháng 2/2023. Tuy nhiên, do tăng mạnh trong tháng 1/2024 nên tính chung hai tháng đầu năm 2024 vẫn đạt 34 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng sang đến tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 2/2023.

Ngành cá tra hướng đến thị trường xuất khẩu mới - Ảnh 1

Với EU, đây từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh. Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU lại đột ngột tăng trưởng cao do nhu cầu tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng đến năm 2023, xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm 19% so với năm 2022, trong hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt 21 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.

THỊ TRƯỜNG UAE TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), tăng 62% so với tháng 3/2024. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

UAE chủ yếu nhập khẩu sản phẩm cá tra fillet đông lạnh (mã HS 0304) từ Việt Nam với hơn 2 triệu USD trong tháng 3/2024, tăng 51% so với tháng 3/2023 và tăng 81% so với tháng trước đó, nhưng giảm 33% so với tháng 1/2024. Sản phẩm này chiếm đến 93% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang UAE. Trong quý 1/2024, thị trường này nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, ba tháng đầu năm 2024, UAE cũng nhập khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) và cá tra giá trị gia tăng với giá trị lần lượt là 517 nghìn USD, tăng gấp 15 lần và 152 nghìn USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), UAE tiêu thụ hơn 220.000 tấn thủy sản mỗi năm và phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Dư địa xuất khẩu cá tra sang khu vực này vẫn tốt khi dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương UAE đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho nền kinh tế nước này từ mức 4,3% lên 5,7%.

CẦN GIẢI PHÁP VỰC DẬY NGÀNH CÁ TRA

Do tiêu thụ cá tra giảm trong tháng 3/2024 đã dẫn đến giá cá tra nguyên liệu và giá cá tra giống đều giảm từ tháng 3/2024 đến nay. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang - hai địa phương có diện tích nuôi và sản lượng cá tra lớn nhất nước - vừa có văn bản kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những giải pháp vực dậy ngành cá tra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năm 2023 giá trị sản xuất ngành cá tra đạt 8.557 tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra là 2.620 ha, sản lượng ước đạt 525.000 tấn, tăng 3,9% so với năm 2022.

Tuy nhiên, do giá bán cá thấp từ năm 2023 đến nay, trong khi hầu hết các chi phí đầu vào khác hiện nay đều cao hơn nhiều so với những năm trước nên người nuôi không có lãi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết tỉnh này có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai cả nước với 1.224 ha (có 382 ha cung cấp nguyên liệu chế biến xuất sang Hoa Kỳ), sản lượng 575.000 tấn, tăng 5,3% so năm 2022. Tỉnh có 15 doanh nghiệp với 18 nhà máy chế biến cá tra, các sản phẩm chủ yếu là fillet, cắt khúc, nguyên con xẻ bướm. Liên kết chuỗi cá tra thương phẩm hiện nay đã đạt 1.072 ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh (của doanh nghiệp 778 ha, còn 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi diện tích 294 ha)...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành cá tra hướng đến thị trường xuất khẩu mới - Ảnh 2