16:07 29/04/2024

Sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Chu Khôi

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2024 diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, sản lượng nhiều loại nông sản vẫn tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2024 diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến ngày 15/4/2024, cả nước gieo cấy được 2.948,6 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 2,5 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.057,5 nghìn ha, giảm 9,4 nghìn ha chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp, xây dựng đường cao tốc hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn.

SẢN XUẤT LÚA HÈ THU ĐỐI MẶT VỚI HẠN, MẶN

Các địa phương phía Nam gieo cấy 1.891,1 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 6,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước do giá lúa đang ở mức cao  nên người dân tích cực xuống giống tối đa diện tích.

Đến trung tuần tháng 4/2024, các địa phương phía Nam thu hoạch 1.612 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 85,2% diện tích gieo trồng và bằng 102,0% so cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.423,9 nghìn ha, chiếm 95,7% và bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. 

Tổng cục Thống kê cũng nhận định, tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2024, xâm nhập mặn đạt đỉnh trùng với thời kỳ lúa đông xuân bắt đầu cho thu hoạch nên nhu cầu nước cần ít hơn, do đó không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ đông xuân.

 

"Tính đến giữa tháng 4/2024, các địa phương phía Nam gieo cấy được 553,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 130,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 544,8 nghìn ha, bằng 131,2% so với cùng kỳ năm trước".

Đối với vụ lúa hè thu, tiến độ gieo cấy lúa hè thu năm nay nhanh hơn cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương thu hoạch sớm vụ lúa đông xuân, cùng với đó giá lúa ở mức cao nên bà con nông dân tranh thủ xuống giống vụ hè thu.

Tuy nhiên, vụ lúa hè thu đang chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Do đó, các địa phương cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ mùa tiếp theo.

Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi trâu có xu hướng giảm rõ rệt ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, một số trang trại nuôi gà thịt kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ.

SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ, DIỆN TÍCH RỪNG TRỒNG TĂNG CHẬM

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 772,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 555,5 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 104,6 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 112,3 nghìn tấn, tăng 3,2%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 418,3 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 279,5 nghìn tấn, tăng 5,9%; tôm đạt 92,7 nghìn tấn, tăng 3,9%. Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá bán cá tra duy trì ổn định ở mức khá . Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 144,7 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

 

"Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 2.713,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.996,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 297,6 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 420 nghìn tấn, tăng 2,3%".

Sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ ổn định, cùng với đó là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được mở rộng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 4/2024 ước đạt 65 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng tôm sú đạt 23,7 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 4/2024 ước đạt 354,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Trong tháng, sản lượng cá khai thác đạt 276 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; tôm đạt 11,9 nghìn tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác đạt 66,2 nghìn tấn, tăng 1,7%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 339,4 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 4/2024 ước đạt 31 nghìn ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,5 triệu cây, giảm 1,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.481,2 nghìn m3, tăng 8% do giá gỗ nguyên liệu tăng, nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Trị tăng 39,8%; Yên Bái tăng 38,3%; Bắc Kạn tăng 23,4%; Quảng Ngãi tăng 15,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 68,3 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 31,1 triệu cây, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.133,8 nghìn m3, tăng 5,2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 4/2024 là 133,8 ha, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó rừng bị chặt, phá là 75 ha, giảm 55,4%; diện tích rừng bị cháy là 58,7 ha, giảm 47,1%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 388,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 259,7 ha, giảm 27,1%; diện tích rừng bị cháy là 128,8 ha, giảm 27,5%.

Đặc biệt tại An Giang, do thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, đã xảy ra các đám cháy rừng lớn tại khu vực núi Cô Tô và núi Dài, huyện Tri Tôn trong những ngày vừa qua.

Tại điểm cháy trên núi Tô, ngành kiểm lâm và địa phương đã huy động 400 người khoanh vùng có khói, dùng nước và dụng cụ dập lửa dập tắt các đám cháy. Vụ cháy trên núi Tô không gây thiệt hại nặng về người và tài sản do đây là nơi hoang vắng, cháy chủ yếu cây tạp, dây leo và lớp thực bì. Mùa khô năm 2024, An Giang đã xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy là gần 7.370ha, chiếm 43,70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.

Trước tình trạng hạn hán kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang rất cao, Cục Kiểm lâm đã yêu cầu các địa phương phải chủ động trong phòng chống cháy rừng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các ngành, địa phương phải rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô.  Phải tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và bảo đảm lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt gần 11 tỷ USD, tăng 32,5%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 152 triệu USD, tăng 3.6%; xuất khẩu thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 42,%; xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.