12:40 12/12/2022

Ấn Độ là Chủ tịch Hội đồng kế nhiệm của Đối tác Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo 2023

Ấn Độ sẽ điều hành Đối tác toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo (GPAI), tập hợp những sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm…

Ấn Độ là Chủ tịch Hội đồng kế nhiệm của Đối tác Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo 2023, (Ảnh: Internet)
Ấn Độ là Chủ tịch Hội đồng kế nhiệm của Đối tác Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo 2023, (Ảnh: Internet)

GPAI là hiệp hội gồm 25 quốc gia thành viên, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore; hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và lấy con người làm trung tâm. Năm 2020, Ấn Độ tham gia hiệp hội với tư cách là thành viên sáng lập. 

Theo Open Gov Asia, Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ Thông tin (MeitY), Rajeev Chandrasekhar đã đại diện cho Ấn Độ tham gia cuộc họp GPAI được tổ chức tại Tokyo để tiếp quản điều hành từ Pháp, Chủ tịch Hội đồng sắp mãn nhiệm.

Trong cuộc họp, Chandrasekhar tuyên bố Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để xây dựng một khuôn khổ nhằm khai thác triệt để sức mạnh của AI vì lợi ích của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này đảm bảo chương trình sẽ có đầy đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi sử dụng công nghệ sai mục đích và gây hại cho người dùng.

Theo Bộ trưởng, Ấn Độ đang xây dựng một hệ sinh thái gồm các khuôn khổ và luật pháp mạng hiện đại dựa trên ba nguyên tắc: cởi mở, an toàn, tin cậy và trách nhiệm. Với Chương trình quốc gia về AI và Chính sách khung quản trị dữ liệu quốc gia (NDGFP) cùng một trong những chương trình về dữ liệu có thể truy cập công khai lớn nhất thế giới đang được triển khai, Bộ trưởng nhắc lại cam kết của Ấn Độ trong việc sử dụng AI để thúc đẩy đổi mới và tạo ra những ứng dụng hiệu quả và đáng tin cậy .

Theo đó, NDGFP đang cố gắng để đảm bảo quyền truy cập công bằng vào dữ liệu phi cá nhân và cải thiện khuôn khổ thể chế để chia sẻ dữ liệu của chính phủ, thúc đẩy các nguyên tắc về quyền riêng tư và bảo mật, đồng thời khuyến khích sử dụng các công cụ ẩn danh nhằm mục đích chuẩn hóa cách chính phủ thu thập và quản lý dữ liệu. NDGFP cùng với Văn phòng quản lý dữ liệu Ấn Độ (IDMO) dự kiến sẽ đẩy mạnh hỗ trợ AI thế hệ tiếp theo, hệ sinh thái khởi nghiệp và nghiên cứu dựa trên dữ liệu.

Thông qua các chương trình về dữ liệu, dữ liệu phi cá nhân ẩn danh sẽ có sẵn cho toàn bộ hệ sinh thái AI. Thị trường AI toàn cầu đã đạt gần 59,67 tỷ USD vào năm 2021 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 39,4% để đạt khoảng 422,37 tỷ USD vào năm 2028. Với sự phát triển nhanh chóng của AI và máy học (ML), các chuyên gia dự đoán hầu hết các doanh nghiệp sẽ chuyển sang các ứng dụng, hệ thống bảo mật, phân tích dữ liệu và các ứng dụng khác do AI cung cấp trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ bổ sung 967 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2035 và 450–500 tỷ USD vào GDP của Ấn Độ năm 2025, chiếm 10% mục tiêu GDP 5 nghìn tỷ USD của quốc gia này.

Chỉ ra các ưu tiên của Ấn Độ với tư cách là Chủ tịch GPAI năm tới, một quan chức Ấn Độ cho biết họ sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các nước phía nam bán cầu sử dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội đồng thời nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc sử dụng AI có trách nhiệm và đạo đức.

Hiện nay, hiệp hội đang hoạt động với sự cộng tác của các đối tác và tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu từ ngành công nghiệp, xã hội dân sự, chính phủ và học viện. Các bên liên quan sẽ hợp tác để thúc đẩy sự phát triển có trách nhiệm của AI đồng thời hướng dẫn các quốc gia/tổ chức phát triển và sử dụng công nghệ dựa trên quyền con người, sự hòa nhập, đa dạng, đổi mới và tăng trưởng kinh tế.