09:34 15/11/2007

Anh em nhà Sông Đà bán nhiều cổ phiếu

Hoàng Lộc

Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2007, ba “anh em” nhà Sông Đà sẽ bán đấu giá cổ phần tại sàn Hà Nội

Đối tượng chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho các công ty Sông Đà là các công trình xây lắp.
Đối tượng chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho các công ty Sông Đà là các công trình xây lắp.
Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2007, ba “anh em” nhà Sông Đà sẽ bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Hầu hết cổ phiếu của các công ty mang thương hiệu Sông Đà đều được rất đông các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm. Vì sao? 

Ngày 27/11, Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (vốn điều lệ 23 tỷ đồng) sẽ bán 1.521.500 cổ phiếu với giá khởi điểm 30.000 đồng/cổ phiếu. Tiếp theo, ngày 3/12, Công ty Cổ phần Sông Đà 6.04 (vốn điều lệ 7 tỷ đồng) sẽ bán 390.000 cổ phiếu với giá khởi điểm 28.600 đồng/cổ phiếu và ngày 5/12, Công ty Cổ phần Sông Đà 7 (vốn điều lệ 15 tỷ đồng) sẽ bán 3.685.000 cổ phiếu với giá khởi điểm 60.000 đồng/cổ phiếu. Những mức giá này chỉ bằng 30%-40% giá đang giao dịch trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư 3 cuộc bán đấu giá cổ phiếu của “anh em” nhà Sông Đà sẽ hấp dẫn bởi những lý do sau:

Thứ nhất là số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Sông Đà “con” rất thấp, chỉ trên dưới một triệu cổ phiếu, trị giá theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) chỉ có vài chục tỷ đồng, trong khi có tài sản khá lớn và sử dụng một quỹ đất không nhỏ do có bề dày hơn 20 năm hình thành và phát triển.

Thứ hai là hầu hết các Sông Đà con đều có chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS=lợi nhuận sau thuế/tổng số cổ phần lưu hành) khá cao và chỉ số P/E lại khá thấp, khoảng từ 13 đến 18.

Trong quá trình hoạt động nhiều năm qua, “Đại gia đình” Sông Đà đã tham gia thi công xây dựng các hạng mục công trình rất khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao và máy móc thi công hiện đại như: khoan nổ mặt bằng, khoan nổ hầm, khoan nổ hố móng công trình, khoan phun gia cố và xử lý nền móng, cửa nhận nước các nhà máy thủy điện...

Một trong những ưu điểm và là thế mạnh của các công ty Sông Đà là năng lực máy móc thiết bị mới và đồng bộ, có thể hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh trong 5 đến 6 năm tới.

Hệ thống các công ty Sông Đà luôn được Nhà nước tin tưởng chỉ định thi công các công trình xây dựng lớn của Quốc gia như nhà máy thủy điện Hòa Bình – công suất 1.920 MW, nhà máy thủy điện Yaly – công suất 720 MW, nhà máy thủy điện Cần Đơn 70 MW, nhà máy thủy điện Sông Hinh 72 MW, nhà máy thủy điện Sê San 3 -270 MW, Sê San 3A 96 MW, Sê San 4-310 MW, Thủy điện Salabam (CHDCND Lào)... hầm đường bộ qua Đèo Ngang, đường Hồ Chí Minh, xây dựng Nhà máy Xi măng Hòa Bình, Xi măng Lương Sơn – Hòa Bình...

Tuy nhiên, các công ty Sông Đà cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó hai thách thức lớn nhất là giá nguyên liệu đầu vào và rủi ro mất khả năng thanh toán, cụ thể: để vận hành các loại máy móc thiết bị quy mô lớn trong quá trình sản xuất, các công ty phải chi phí một khối lượng lớn nhiên liệu là xăng, dầu các loại...

Chính vì vậy, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu giá thành sản phẩm và có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận. Những năm gần đây, giá cả nhiên liệu trong nước tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Hầu hết hoạt động chính của hệ thống Sông Đà là lĩnh vực xây lắp, đối tượng chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho các công ty là các công trình xây lắp.

Trong lĩnh vực xây lắp ở Việt Nam, các công trình hoàn thành thường bị chậm tiến độ thanh toán vì nhiều lý do, hệ quả là các công ty xây lắp thường xuyên phải duy trì hệ số nợ ở mức cao với tỷ trọng nợ ngắn hạn là chủ yếu để tài trợ vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh thường ngày, việc đó có thể dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán khi công ty không thu hồi được các khoản nợ của khách hàng hay các khách hàng của công ty xây lắp bị phá sản.