10:04 03/01/2008

Áp dụng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu: Chuyện không dễ

Trần Lê

"Do chưa có sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp và người sản xuất nên việc áp dụng trọn vẹn tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu còn khó khăn"

"Chất lượng sản phẩm chịu tác động của nhiều yếu tố từ giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đến kỹ thuật thu hái, công nghệ chế biến, bảo quản, vận chuyển..."
"Chất lượng sản phẩm chịu tác động của nhiều yếu tố từ giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đến kỹ thuật thu hái, công nghệ chế biến, bảo quản, vận chuyển..."
Hỏi chuyện ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặc dù TCVN 4193:2005 đối với cà phê nhân xuất khẩu đã ban hành từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước áp dụng và chỉ chiếm khoảng 1-2% sản lượng cà phê xuất khẩu. Thưa Thứ trưởng, vì sao như vậy?

Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, theo Luật tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH 11, tại khoản 1, Điều 23 qui định: “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”. Đến nay, vẫn chưa có văn bản qui phạm pháp luật hoặc qui chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng TCVN 4193:2005 đối với cà phê nhân. Trong thực tế, do chưa có sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp và người sản xuất, nên chưa có những biện pháp khắc phục khó khăn, khó áp dụng trọn vẹn TCVN 4193:2005.

Mặt khác có phần làm cho không ít doanh nghiệp còn lần khân là phần lớn các hợp đồng xuất khẩu cà phê hiện nay vẫn theo hình thức thoả thuận về chất lượng, dựa theo cách phân loại cũ, chủ yếu dựa vào 3 tiêu chí giản đơn: độ ẩm, tỉ lệ hạt đen, tỉ lệ hạt vỡ vì thế họ lo ngại nếu đồng loạt áp dụng kiểm tra chất lượng cà phê xuất khẩu trước khi thông quan ngay tại thời điểm này sẽ đảo lộn kế hoạch xuất khẩu cà phê, đặc biệt là các hợp đồng đã ký kết trước đây.

Theo báo cáo của Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam, ngoài những nước tiêu dùng chủ yếu ở châu Âu và Hoa Kỳ, cà phê Việt Nam còn được xuất khẩu sang Trung - Cận Đông, châu Phi, một số nước ASEAN, Trung Mỹ. Như vậy, cà phê Việt Nam vẫn có giá trên thị trường quốc tế. Ông nhận xét như thế nào?

Có 10 nước hàng đầu chiếm thị phần rất lớn tới 3/4 khối lượng và phê xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chỉ có 4 nước mua với giá cao hơn giá bình quân toàn ngành là: Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Vụ cà phê gần đây, 4 nước này đã mua 198.667 tấn, chiếm 24,47% thị phần cả nước, đạt 167.507.799 USD, chiếm 25,76% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, bằng trên 1/4 tổng kim ngạch.

Năm 2006, một số diện tích bị ve sầu gây hại, song mùa mưa 2007 lại kéo dài sang tháng 11 và mới chấm dứt, nên cà phê năm nay hái muộn hơn và cũng vì thế độ chín cũng khá hơn, tỉ lệ hái xanh giảm đáng kể.

Hiện có tới 152 đơn vị trực tiếp xuất khẩu cà phê, đáng chú ý là có 3 đơn vị có giá bán cao hơn toàn ngành từ 34% đến 47%: Tổng công ty Cà phê Việt Nam xuất khẩu 188.122 tấn, Công ty Dịch vụ Đường 9 xuất khẩu 1.038,9 tấn, Công ty Thái Hoà xuất khẩu 114,7 tấn. Sự tăng giá đó có yếu tố cà phê arabica của Công ty Thái Hoà. Trong khi đó, giá cà phê robusta xuất khẩu lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường thế giới.

Như vậy, trong khi một số doanh nghiệp bán cà phê được giá cao, lại có nhiều doanh nghiệp bán với giá thấp, phải chăng là do vấn đề chất lượng?

Đúng vậy. Lâu nay nghe thông tin cà phê Việt Nam bị thải loại ở các cảng Tây Âu quá lớn, có người nghĩ là cà phê Việt Nam chất lượng kém. Song trong thực tế, cà phê robusta của ta có chất lượng cao trên thế giới; các yếu kém là do kết quả của việc thu hái, chế biến chưa thực sự phù hợp, khâu mua bán chưa áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005.

Có 3 tiêu chí phổ biến trong các hợp đồng: 1- Thuỷ phần%: Theo Nghị quyết Hội đồng cà phê quốc tế ICC 420, thì độ ẩm là 12,5% đo theo ISO 6673, hoàn toàn các doanh nghiệp của ta có thể đạt được. Vậy mà cà phê của nhiều doanh nghiệp vẫn có độ ẩm cao hơn, nên cà phê bị mốc. 2- Tạp chất thường là 0,5% đến 1%, điều mà các doanh nghiệp cũng đủ khả năng khắc phục được. Vậy mà cà phê còn lẫn nhiều sỏi, đá vụn... 3- Hạt đen, vỡ %: Điều này không thật chuẩn xác nhất là đối với hạt đen, vì còn phụ thuộc vào thời tiết khi thu hái, phơi khô... Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến nhân mốc, nhân chưa chín... mà nhiều khách hàng rất quan tâm.

Dĩ nhiên không có lô cà phê nào bị trả về nước, mà tất cả đều được bán hết, chỉ có điều bán với giá quá thấp, theo sự thoả thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng hầu hết là các nhà rang xay. Họ mua cà phê giá quá rẻ, chỉ cần bỏ ra một ít tiền chọn lọc, sàng sảy, là thu lời lớn gấp bội.

Thứ trưởng thấy cần làm gì để khắc phục sớm tình trạng này?

Chỉ có một con đường là áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 đánh giá, phân loại cà phê theo số lỗi trong một mẫu 300g. Việc quan trọng nhất trong lúc này là các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, cả người mua và người bán trong và ngoài nước đều phải thực hiện đúng TCVN 4193:2005 theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg. Làm đúng như thế, chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ đạt được tiêu chuẩn thuỷ phần không cao hơn 12,5% đo theo phương pháp ISO 6673; tạp chất thấp hơn 0,5%; hạn chế hạt bị mốc, hạt chưa chín ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chịu tác động của nhiều yếu tố từ giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đến kỹ thuật thu hái, công nghệ chế biến, bảo quản, vận chuyển... Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo một hệ thống các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, tăng sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.